Bạn đọc viết:

Giáo viên trẻ thất vọng vì phải “nhường” danh hiệu Chiến sĩ thi đua

(Dân trí) - Khi nghe công bố danh sách thi đua cấp cơ sở không có tên mình, nữ giáo viên trẻ vô cùng ngạc nhiên và thất vọng. Hội đồng thi đua họp xét đưa một lí do hết sức đơn giản là vì “cô ấy còn quá trẻ, còn nhiều cơ hội để phấn đấu, năm nay phải nhường cho những người lớn tuổi”.

Nhân đọc bài “Giáo viên buồn vì rớt đề tài Chiến sĩ thi đua” của tác giả Loát Trần trên báo Dân trí ngày 19/8/2018, tôi hoàn toàn đồng cảm với nỗi lòng của cô giáo đó.

Trong trường học luôn có phong trào thi đua, thi đua giữa các tổ của giáo viên, thi đua giữa các giáo viên, thi đua giữa các khối lớp, thi đua giữa các học sinh…

Nếu ở học sinh có thứ tự xếp loại về học lực và hạnh kiểm sau mỗi học kì và tổng kết cả năm học thì ở giáo viên, sự thi đua được đánh giá qua danh hiệu đăng kí vào đầu năm học. Danh hiệu cao nhất sẽ là Chiến sĩ thi đua cấp quốc gia, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Lao động tiên tiến, Hoàn thành nhiệm vụ.

Tỉ lệ thi đua về mặt danh hiệu của giáo viên cũng như tỉ lệ thi đua của học sinh sẽ được cấp trên chỉ đạo xuống. Tùy thuộc vào số lượng giáo viên nhiều hay ít, Phòng Giáo dục sẽ giao chỉ tiêu danh hiệu thi đua về các trường. Cũng từ đây, nhiều chuyện “dở khóc dở cười” từ việc đăng kí danh hiệu này. Nhưng thường chỉ tiêu về các danh hiệu lớn như Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp cơ sở chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, còn lại Lao động tiên tiến sẽ chiếm đa số.

Bước vào phiên họp đầu năm, giáo viên nào cũng muốn đăng kí một chân vào danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở vì nhiệt huyết đang căng tràn. Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trở lên là niềm mơ ước mà giáo viên nào cũng muốn hướng đến nhưng không phải cái gì muốn cũng được vì còn phải căn cứ vào những thành tích, kết quả, những cống hiến mà bản thân người đăng kí gặt hái được trong năm học vừa qua.

Sau khi căn cứ vào điều kiện thực tế như số lượng giáo viên đăng kí, những người đăng kí là những người trong Ban giám hiệu, các Tổ trưởng chuyên môn, những người lớn tuổi với kinh nghiệm đầy mình…, nhẩm sơ sơ thôi cũng đã vượt chỉ tiêu của Phòng đề ra nên một số giáo viên trẻ chùn bước, mà cũng chùn bước thật vì có nhiều vấn đề mà chỉ “người trong chăn mới biết chăn có rận”.

Câu chuyện thi đua của một đồng nghiệp của tôi đến nay vẫn còn làm tôi trăn trở.

Cô ấy thuộc lớp giáo viên trẻ, nhiệt huyết đầy mình và rất yêu nghề. Tốt nghiệp loại Giỏi, về trường, bạn tôi ao ước được cống hiến. Sau ba năm trong nghề, bạn tôi quyết định đột phá để khẳng đinh bản thân đặc biệt là về chuyên môn. Cô ấy mạnh dạn đăng kí danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Để đạt danh hiệu này là quá trình phấn đấu không mệt mỏi trong một năm. Dạy tốt thôi chưa đủ, cần phải có các thành tích bề nổi khác như phải đạt giỏi viên giỏi cấp trường, cấp huyện, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện có giải, giải cao lại càng tốt, và tất nhiên là hoàn thành chỉ tiêu đang kí đầu năm, thậm chí vượt mức chỉ tiêu đề ra, đề tài sáng kiến kinh nghiệm đạt loại Tốt và chưa kể bao đóng góp của cô ấy khi tuổi trẻ tràn trề…

Giao viên trẻ này cứ nghĩ sau bao thành quả lao động mình đạt được hy vọng sẽ bản thân sẽ có một suất trong danh hiệu thi đua cấp cơ sở.

Nhưng khi nghe công bố danh sách thi đua cấp cơ sở không có tên mình, cô ấy vô cùng ngạc nhiên và thất vọng. Thế là bao nhiêu nhiệt huyết, bao nhiêu cống hiến của cô giáo trẻ suốt một năm qua đều thành công cốc chỉ vì một lí do hết sức đơn giản của Hội đồng thi đua họp xét là vì “cô ấy còn quá trẻ, còn nhiều cơ hội để phấn đấu, năm nay phải nhường cho những người lớn tuổi”.

Sau này tôi biết được cô giáo trẻ ấy đã không còn động lực để phấn đấu và đến bây giờ danh hiệu cao nhất mà bạn tôi có được là Lao động tiên tiến sau 12 năm đi dạy.

Thiết nghĩ danh hiệu thi đua luôn luôn dành cho những người xứng đáng, và trong môi trường giáo dục điều đó càng trở nên quan trọng hơn. Người giỏi, người tài không nhất thiết phải là người lớn tuổi hay người giàu kinh nghiệm, trong khi đó, xã hội ta bây giờ không thiếu gì người “tuổi trẻ tài cao”. Mà người giỏi thì cần phải tôn trọng và cần tạo động lực để họ cống hiến.

Sau năm đó, cô bạn tôi thật sự buồn và không thiết phấn đấu nhiều. Bạn tâm sự rằng: “Thật đáng buồn khi những đóng góp của mình không được nhà trường ghi nhận và điều quan trọng nhiệt huyết của mình không còn vì hy vọng hóa ra thất vọng.”

Chúng ta biết rằng đôi khi một lời khen, một lời động viên đặt đúng lúc, đúng người sẽ là động lực giúp họ phấn đấu, vươn lên hơn, cống hiến nhiều hơn.

Sau mười mấy năm làm nghề “gõ đầu trẻ”, danh hiệu thi đua cấp cơ sở là điều gì đó xa xỉ mà cô ấy vẫn chưa đạt được. Nhưng trong lòng bao thế học trò đi qua “chuyến đò tri thức” của bạn tôi đều khen cô ấy dạy học trò có tâm.

Hôm rồi gặp tôi, cô giáo trẻ ấy bảo rằng sẽ tiếp tục đăng kí danh hiệu thi đua cấp cơ sở một lần nữa và quyết tâm chạm vào danh hiệu đó. Tôi thầm chúc cho mơ ước của bạn sẽ trở thành sự thật.

Thanh Thanh

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!