Giáo viên thi dạy giỏi kể chuyện bi hài

Ngay sau đề xuất bỏ thi giáo viên giỏi nhiều ý kiến người trong cuộc bày tỏ đồng tình cho rằng: Cần quan niệm lại về cách đánh giá, công nhận một giáo viên giỏi? Bài viết của độc giả Song Mặc dưới đây thêm một minh chứng từ cơ sở về sự bi hài, không cần thiết của một kỳ thi không phản ánh đúng thực chất.

Hằng năm, cứ đến ngày 20/11, nhiều sở, phòng giáo dục tổ chức thi giáo viên giỏi các cấp để lập thành tích chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam. Chao ôi! Nghĩ đến đây mà tôi không khỏi ngán ngẩm vì hình thức thi rất....hình thức của kì thi này. Thông thường cuộc thi diễn ra với các nội dung thi như: kiểm tra năng lực (lí thuyết), hai tiết thực giảng (thực hành) và một sáng kiến kinh nghiệm.


Ảnh có tính chất minh họa (Ảnh: Lê Anh
  Dũng)

Ảnh có tính chất minh họa (Ảnh: Lê Anh Dũng)

Về nội dung thi kiểm tra năng lực, với một số cụm thi, tất cả các GV giảng dạy ở các môn học khác nhau đều được thi chung một đề! Với những câu hỏi thuần túy ghi nhớ máy móc. Chẳng hạn: Những quyền và trách nhiệm của nhà giáo được quy định trong Luật Giáo dục, cách tính điểm của học sinh theo Thông tư số 58 (Quy chế đánh giá giá xếp loại học sinh THCS và THPT) của Bộ GD-ĐT, những quyền và trách nhiệm của học sinh được quy định trong Điều lệ trường THPT .... kết hợp với việc giải quyết những tình huống sư phạm được lấy từ nhiều nguồn trên Internet...

Để có thể giải quyết những câu hỏi "khó" như thế giáo viên buột phải lật tài liệu để ghi chép vào cho đầy đủ không thiếu một chữ. Việc còn lại là họ sẽ ra sức giải quyết tình huống mà họ đã từng được đọc đâu đó trên mạng. Thế là kết thúc vòng thi kiểm tra năng lực với tỉ lệ đậu còn cao hơn cả thi tốt nghiệp THPT. Một vài bài bị đánh rớt đều được mọi người nhận xét: "Tại cô ấy, thầy ấy không muốn thi mà trường thì lại ép!".

Quả thật có nhiều giáo viên đã tự nguyện rớt vì không muốn vất vã đi thi giảng.

Sau khi có kết quả thi "năng lực" với những con điểm cao ngất ngưởng (gần như tuyệt đối) phần đông giáo viên dự thi sẽ lao vào việc "tìm kiếm" sáng kiến kinh nghiệm chất lượng xứng tầm với hội thi giáo viên dạy giỏi! Khi được giao việc chấm một số sáng kiến như thế nhiều vị giám khảo khó tính đã thử "tìm kiếm" lại trên mạng bằng cách gõ vào vài dòng sáng kiến đang cầm trên tay thì đích thị như rằng họ sẽ đến được nơi mà cần tìm.

Nhưng rồi tất cả các sáng kiến đều đạt yêu cầu trong niềm hân hoan của tất cả mọi người!

Về nội dung thi giảng (phần được giáo viên tương đối đầu tư) cũng diễn ra biết bao nhiêu sự bi hài. Sau bao ngày chuẩn bị vất vã giáo viên sẽ đến một ngôi trường khác để dự thi. Có nhiều giáo viên đã bắt đầu lên đường vào lúc 5 giờ sáng để kịp vào dạy tiết đầu tiên (vì nhà ở xa). Và có khi họ phải mang biết bao nhiêu thứ lỉnh kỉnh như: laptop, máy chiếu, bảng phụ....đến phòng thi lắp đặt nếu phòng máy chiếu của các trường không đáp ứng được (do trùng tiết với các giáo viên khác).

Mặc dù không phải tiết dạy nào cũng cần sử dụng công nghệ thông tin, nhưng phần đông người đi thi cũng mang tâm lí: "phải có cái gọi là..." nếu không sợ giám khảo chê vì không biết ứng dụng CNTT, từ đó sẽ đánh giá thấp bài dạy của mình. Bởi tư duy cực đoan, đổi mới phương pháp phải gắn liền với CNTT đã ăn sâu vào tiềm thức của không ít người đang đứng lớp. Và cũng chính vì điều này mà đã xảy ra không biết bao nhiêu cớ sự: đang dạy thì cúp điện, đang dạy thì máy tính, máy chiếu gặp trục trặc, bài giảng trình chiếu một đằng mà lời giảng đi một nẻo,... những tiết dạy gặp sự cố như thế bao nhiêu mồ hôi của người dạy đều tuôn ra hết. Tiết dạy rời rạc vô hồn.

Và tiết dạy được đóng góp sơ sài vì người chấm còn bận phải đi chấm nơi khác hoặc phải tranh thủ về trường dạy (nếu không phải tự đi dạy bù rất vất vã)! Và thông thường nếu bài giảng từ mức trung bình trở lên người chấm đều cho qua bởi dại gì đi làm khó đồng môn để rồi sau này gặp lại phải khó xử. Cứ thế giáo viên giỏi cứ được công nhận đều đều.

Mùa thi - mùa khổ

Mùa thi giáo viên giỏi là mùa khổ của giáo viên dự thi, giáo viên đi chấm thi và học sinh của trường được "ưu tiên" làm cụm thi. Dưới áp lực của trường giáo viên phải đi thi. Sở, phòng đã nhờ giáo viên chấm thi phải cố gắng sắp xếp công việc ở sở tại để đi chấm và học sinh phải căng mình ra để chịu đựng rất nhiều tiết học mà giáo viên thi giảng mượn lớp. Tất cả chỉ vỏn vẹn phục vụ cho một mục đích duy nhất: Xét thi đua cuối năm học. Hết chu kì (4 năm) người giáo viên hết giỏi, nên lại phải thi giáo viên giỏi lại từ cấp trường lên cấp huyện, cấp tỉnh, rồi lại hết giỏi rồi lại thi...nhiều giáo viên nói đùa mình đi thi vòng...vòng ...đi thi chủ yếu để lập thành tích xét thi đua. Mục tiêu nâng để nâng cao chuyên môn, hoàn thiện kĩ năng sư phạm, học tập trao đổi kinh nghiệm...và hàng tá những ý nghĩa cao đẹp khác hầu như mờ nhạt.

Nên chăng chúng ta cần quan niệm lại về cách đánh giá, công nhận một giáo viên giỏi?

Nếu kì thi học sinh giỏi được tổ chức công phu bao nhiêu thì kì thi giáo viên giỏi cần được tổ chức công phu hơn thế bằng những bộ công cụ đánh giá khách quan chuẩn xác với các tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng. Có như vậy chúng ta mới chọn lựa và vinh danh những cá nhân có năng lực chuyên môn thực sự. Và không ai khác chính họ là những người sẽ là những nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển năng lực chuyên môn của các giáo viên cùng bộ môn tại đơn vị cũng như tại địa phương thông qua các khóa tập huấn, hội thảo trao đổi chuyên môn.

Tại Hàn Quốc, GV cao cấp là những giáo viên đã được sát hạch rất cẩn trọng. Khi được công nhận là giáo viên cao cấp số giờ dạy của họ giảm 40% để dành thời gian còn lại tham gia vào công việc của các khóa đào tạo huấn luyện và thực hiện nhiều hoạt động khác nhau. Giáo viên cao cấp ngoài việc giảng dạy tại trường họ còn đảm nhiệm việc hỗ trợ chuyên môn cho các giáo viên khác, thực hành mẫu để phát triển việc dạy học...

Hy vọng trong tương lai, cùng với việc đổi mới cách đánh giá ở học sinh, Bộ Giáo dục sẽ nghiên cứu thêm để đổi mới cách đánh giá giáo viên để không còn những màu thi ...mùa khổ của giáo viên nữa.

Theo Song Mặc

Báo Vietnamnet