Giáo viên phổ thông hiến kế “thu phục” học sinh "quậy"

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Khi vi phạm nội quy, một số học sinh không nhận ra ngay lỗi lầm của mình. Việc giáo viên phân tích quá nhiều không đem lại hiệu quả. Thay vào đó, có thể để các em tự phân tích hành vi và giải quyết.

Giao việc cho học sinh bướng bỉnh

Chia sẻ tại tọa đàm “Mô hình trường học hạnh phúc” do Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy, Hà Nội) tổ chức, cô Nguyễn Thu Hương, giáo viên (GV) chủ nhiệm lớp 1A6 của trường này cho biết, mỗi lớp học có nhiều học sinh (HS) với nhiều cá tính khác nhau nên GV phải linh hoạt. Bản thân cô đã có nhiều “chiến thuật” để thu phục HS bướng bỉnh.

Cô Hương nhớ lại, năm học 2019-2020 phải nhận một HS rất khác biệt đến lớp mình. HS này khá thông minh, kĩ năng sống tốt nhưng hay quậy phá, trêu chọc bạn khiến cô giáo, phụ huynh vô cùng mệt mỏi.

Ban đầu cô định thử xem mình tiếp nhận em được không. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc với HS này, cô quyết định nhận luôn và không thử nữa.

Để “thu phục” HS khác biệt đó, cô Hương đã trao đổi với các cô giáo chủ nhiệm mà em đã học trước đây, trao đổi với phụ huynh để xem tâm tư của gia đình, khéo léo đưa gia đình vào việc giáo dục cùng với nhà trường.

Sau khi tìm hiểu rõ tính cách qua một số kênh, cô Hương thường xuyên trò chuyện với em HS này, cô giao việc cho em, nhắc nhở em làm tốt nhiệm vụ của lớp.

Cô Hương đã phát huy thế mạnh của HS đó, để em thấy mình không hề bị bỏ rơi.

Em đã rất hãnh diện vì cô tin tưởng mình. Chính điều đó tạo điều kiện giúp em hòa đồng hơn, hào hứng đến trường và học tốt.

Giáo viên phổ thông hiến kế “thu phục” học sinh quậy - 1

Nếu giáo viên phân tích quá nhiều với học sinh bướng bỉnh và không đem lại hiệu quả, có thể để các em tự phân tích hành vi và tự giải quyết.

Cũng với mong muốn "thu phục" học trò bướng, cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh, GV lớp 4, Trường Tiểu học Dịch Vọng B bắt đầu tìm kiếm các biện pháp tích cực để kỷ luật HS bằng nhiều cách.

Cô Vân Anh cho biết, với mỗi đối tượng HS có những cách thức khác nhau. HS hăng hái trong giờ học, GV sẽ thưởng 1 sao.

Hay khi HS hoàn thành nhiệm vụ được giao về nhà cũng sẽ được thưởng 1 sao;… Cuối mỗi ngày, HS sẽ được xếp hàng nhận sao.

Song song với việc thưởng cũng sẽ có phạt. Ví dụ, khi HS nói chuyện trong giờ học sẽ bị phạt 1 sao. Có những lỗi GV phạt rất nặng để học trò thấy rằng, đó là việc không nên làm, ví dụ như nói tục chửi bậy.

Cuối tháng, cô giáo sẽ là người tổng kết và thưởng cho HS những phần quà nhỏ tương ứng với số sao đã nhận được.

Để trẻ tự giải quyết vấn đề của bản thân

Cô Nguyễn Thị An, Chủ nhiệm lớp 3A7, Trường tiểu học Dịch vọng B chia sẻ, hiện nhiều GV chưa quan tâm đến cảm nhận của HS gây khó khăn trong việc dạy trẻ.

“Do đó, tôi đã thay đổi để cô trò thân thiện hơn, lớp học thoải mái, vui vẻ, HS có thể tin tưởng để chia sẻ được với thầy cô mới có trường học hạnh phúc”, cô An cho hay.

Trên cơ sở đó, cô An đưa ra 5 biện pháp cơ bản. Trong đó nhấn mạnh việc GV, lớp học an toàn, thân thiện.

Xây dựng các mối quan hệ trên cơ sở tình yêu thương và thân thiện, quan tâm đến mọi đối tượng, không bỏ sót HS nào, đặc biệt là các em có cá tính đặc biệt càng phải gần gũi, quan tâm, chia sẻ.

Đặc biệt theo cô An, mình luôn bao dung với lỗi sai của HS, dùng kỉ luật tích cực, không la mắng hay bêu xấu con trước lớp, tạo điều kiện cho HS tự sửa mình.

Đồng tình với quan điểm này, cô Vân Anh cũng cho biết, thay vì quở phạt trách mắng, mình sẽ thay bằng cụm từ khác mang tính khuyến khích hơn.

Chẳng hạn khi HS mắc lỗi nhỏ, GV có thể nhắc nhở kèm theo mong mỏi của mình.

Giáo viên phổ thông hiến kế “thu phục” học sinh quậy - 2

Ví dụ, với trường hợp HS hay nói chuyện trong giờ, thay vì nói: “Ngồi xuống. Lần sau không chú ý nghe giảng con sẽ phải trực nhật lớp 1 tuần nghe chưa”, GV có thể nói: “Cô mong lần sau các con chú ý nghe giảng hơn nữa nhé!”.

Với những động từ như “mong, muốn, thích,…”, HS sẽ cảm nhận rằng mình đang được thầy cô khích lệ và kỳ vọng.

Thông thường, khi vi phạm nội quy, không nhiều HS nhận ra ngay lỗi lầm của mình. Lúc này, nếu GV phân tích quá nhiều cũng sẽ không đem lại hiệu quả.

Thay vào đó, GV có thể để HS tự phân tích hành vi của bản thân và giải quyết vấn đề của mình.

GV có thể áp dụng khoảng thời gian “time-out”. Điều đó có nghĩa, khi HS mắc lỗi, GV có thể yêu cầu HS ngồi yên ở một chỗ để các con tự suy nghĩ lại hành vi của mình.

Trong thời gian này, GV sẽ không để HS nói chuyện với bất kỳ ai. Mục đích của quãng thời gian “time-out” là để cả GV và HS bình tĩnh lại.

Khi HS đã bình tĩnh, GV sẽ là người tới trò chuyện để lắng nghe HS giải thích lý do. Sau cùng, GV sẽ là người giúp học trò đưa ra biện pháp khắc phục.

HS luôn có nhu cầu vận động và giao tiếp cao. Vì vậy, khi bị cô lập, trẻ sẽ cảm thấy nuối tiếc khi không được tham gia sinh hoạt cùng các bạn.

Trong khoảng thời gian này, GV có thể yêu cầu HS thực hiện một kế hoạch cá nhân nào đó, ví dụ như đọc sách.

Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp này, cô Vân Anh cho rằng, GV lưu ý không nên nhốt HS vào phòng tối vì các con sẽ cảm thấy hoang mang, lo sợ. Cô lập nhưng GV nên lựa chọn những nơi để trẻ nhìn thấy bạn bè xung quanh đang vui chơi, nô đùa.

Ngoài ra, GV có thể sử dụng tiết sinh hoạt lớp, dùng dư luận tập thể để giúp HS tiến bộ.

Khi một HS mắc lỗi, GV có thể yêu cầu các HS còn lại đưa ra giải pháp giúp bạn khắc phục lỗi lầm của mình. HS vi phạm có quyền lựa chọn giải pháp nào phù hợp với bản thân nhất.