"Giáo viên không được gọi học sinh là con": Không nên quá chi li, câu nệ?

Kiều Phương Nguyễn Phương Thảo

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc gọi học trò là "con" trong trường học không có gì là sai và cần tôn trọng cách xưng hô của thầy - trò.

Giáo viên không được gọi học sinh là con: Không nên quá chi li, câu nệ? - 1

Việc giáo viên và học sinh xưng hô với nhau thế nào cần phải nhìn vào tình huống (Ảnh: Đình Cường).

Cần tôn trọng cách xưng hô của mỗi thầy cô với học sinh

Trước đề xuất yêu cầu giáo viên không được gọi học sinh là "con" của nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân; TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) bày tỏ sự không đồng tình.

TS. Lê Viết Khuyến cho hay, thực tế, việc giáo viên gọi học sinh bằng "con/các con" hay "em/các em" đều chỉ là những cách gọi mang tính quy ước, không nói lên bản chất tốt xấu của mối quan hệ thầy - trò.

"Thời tôi còn đi học, cấp 1, tôi thường xưng "con" với thầy cô bởi "thầy cô như cha mẹ hiền". Nhưng đến cấp 2, sự chênh lệch tuổi tác ít đi, nên chúng tôi xưng hô với thầy cô bằng "em/chúng em"... Do đó, tôi cho rằng, chúng ta không nên quá câu nệ, cầu kỳ trong cách xưng hô. Cách xưng hô thầy/cô - con hay thầy/cô - em không hạ thấp nhân cách của học sinh hay giáo viên".

Cũng theo đó, trước đề xuất khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học xưng "tôi" trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, TS. Lê Viết Khuyến chia sẻ, việc học trò xưng "tôi" với giáo viên chỉ thực sự phù hợp với các cấp học lớn, khi khoảng cách giữa thầy và trò không quá xa.

"Nhìn chung, việc giáo viên và học sinh xưng hô với nhau thế nào cần phải nhìn vào tình huống. Theo đó, nếu sự chênh lệch lứa tuổi giữa thầy và trò quá lớn, có hay chăng thì nên xưng "em" để thể hiện tình cảm cũng như sự tôn trọng. Còn trong trường hợp ở lớp đại học, người dạy và người học không quá chênh lệch tuổi tác thì có thể xưng "tôi".

Ngôn ngữ Việt Nam rất đa dạng, phong phú, cho nên việc xưng hô thế nào là phụ thuộc vào mỗi người. Chúng ta cũng cần biết cách điều chỉnh ra sao cho phù hợp với bối cảnh để cách xưng hô ấy thể hiện được tính tích cực trong mối quan hệ thầy trò. Và điều quan trọng nhất là sự chân thật, xuất phát từ tấm lòng".

Tiến sĩ cho rằng, cần tôn trọng cách xưng của mỗi thầy cô với học sinh. Do đó, việc đưa ra quy chế về xưng hô trong nhà trường là không thực sự cần thiết. "Ngành giáo dục còn rất nhiều việc cần phải làm, ta không nên đi quá sâu vào những điều chi li, tiểu tiết. Có hay chăng là cần nghiêm cấm những cách xưng hô bỗ bã như "tao-mày" giữa giáo viên với học sinh" - TS Lê Viết Khuyến bày tỏ.

Điều quan trọng nằm ở cách đối xử giữa thầy và trò

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, trong môi trường xã hội nói chung và môi trường giáo dục nói riêng, các mối quan hệ rất đa dạng, muôn hình muôn vẻ. Do đó, việc đưa ra quy định nghiêm ngặt về cách xưng hô giữa thầy và trò trong nhà trường là việc không cần thiết. Điều này sẽ khiến mọi mối quan hệ trở nên cứng nhắc, mất đi sự thoải mái, làm ảnh hưởng đến không khí tâm lý của một tập thể.

"Ngày trước khi đi học, thế hệ chúng tôi cũng có nhiều cách xưng hô giữa thầy với trò; chứ vấn đề này không phải đến bây giờ mới phát sinh. Khi học sư phạm, với những nhà giáo lớn tuổi như thầy Nguyễn Lân, thầy Nguyễn Hữu Tảo… chúng tôi vẫn giữ cốt cách, gọi thầy xưng con; coi thầy cô như cha mẹ trong gia đình. Tuy nhiên, các cụ lại gọi chúng tôi là "các ông, các bà" rất thân mật, gần gũi. Thậm chí, nhiều thầy cô còn gọi người học là "các đồng chí".

Tôi lấy ví dụ như vậy để nói rằng, xưng hô giữa thầy cô và học trò chỉ là một phần trong giáo dục nhà trường. Điều quan trọng là cần đối xử ra sao để mối quan hệ giữa thầy và trò trở nên khăng khít, tin cậy. Gọi trò là "con" thì giáo viên phải đặt trong mình trách nhiệm dạy dỗ, giúp đỡ "người con" ấy. Không thể gọi trò là "con" nhưng lại có những hành vi sai trái như xúc phạm hay bạo lực học trò" - GS.TS Phạm Tất Dong phân tích.

Cũng theo giáo sư, đề cập đến cách xưng hô giữa giáo viên và học sinh thì sẽ "chín người mười ý". Có giáo viên thích gọi học trò là "con", có phụ huynh mong muốn con em mình sẽ được thầy cô gọi một cách ấm áp như vậy… song, ngược lại cũng không ít người phản đối.

Do đó, tùy thuộc vào tình huống, lứa tuổi… giáo viên cần có sự mềm dẻo, linh hoạt để cách xưng hô thể hiện được sự tích cực trong mối quan hệ hai bên.

Một nữ Tiến sĩ (xin phép được giấu tên) cũng bày tỏ sự đồng quan điểm. Theo vị Tiến sĩ này, cách xưng hô của thầy và trò cần đặt trong sự phù hợp với nét đặc thù của từng cấp học.

Với cấp mầm non, mẫu giáo, các cô giáo ở trường thực sự làm mọi việc như người mẹ của các bé, từ chăm sóc việc ăn uống, ngủ nghỉ, tắm rửa… tới dạy các kiến thức, kĩ năng phù hợp với từng độ tuổi… - cách xưng hô "cô - con" không chỉ giúp các bé bớt cảm giác xa lạ, thêm gần gũi, thân thiết với các cô như những người mẹ ở trường của mình mà còn là cách khiến các cô giáo ý thức sâu sắc hơn vai trò, nhiệm vụ của mình với các bé.

Với cấp học phổ thông, việc chuyển cách xưng hô "cô - con" thành "thầy/ cô - em" là phù hợp. Sự thay đổi đó góp phần giúp các em cảm nhận được mình đã bước sang giai đoạn mới của người học trò tới trường học kiến thức, kĩ năng phổ thông, ngay các trò tiểu học cũng cần học cách tự phục vụ các nhu cầu cá nhân như ăn uống, ngủ nghỉ ở trường, không phụ thuộc hay ỷ lại vào cô giáo.

Thêm nữa, ở cấp THCS và THPT, nhiều khi thầy cô mới ra trường một vài năm, có thể chỉ ngang vai với anh chị của học trò, chỉ hơn các em vài tuổi, cách xưng hô "thầy/ cô - con" chắc chắn sẽ tạo sự phản cảm.

Với các trường Đại học, Cao đẳng…, sinh viên, học viên đều đã lớn, có tư cách công dân, có thể nhiều sinh viên, học viên xấp xỉ tuổi giáo viên, cách xưng hô "tôi - các bạn/ các anh, chị" khá phù hợp, tạo vị thế bình đẳng và tâm thế dân chủ trong không gian học đường.

Song, nữ Tiến sĩ không nghĩ việc xưng "tôi" của học trò các cấp với thầy cô giáo của mình là phù hợp với tâm thế văn hóa của người Việt.

"Tôi cho rằng mọi mối quan hệ xã hội đều có thể tìm cho mình cách xưng hô phù hợp, vừa đúng với quan hệ tình cảm và những quy ước của văn hóa ứng xử, vừa sử dụng được sự tinh tế, phong phú, đa dạng của tiếng Việt.

Văn hóa luôn có sự kết hợp giữa ý thức tự điều chỉnh với các quy định, quy chế. Để tạo một nếp văn hóa mới, phù hợp với tâm thế dân tộc và tinh thần thời đại, cũng có thể cần tới những quy định thống nhất!", cô bày tỏ.