Giáo viên "khó xử" vì bài kiểm tra trực tuyến môn Văn chép y văn mẫu

Loát Trần

(Dân trí) - Tôi cũng từng mệt mỏi vô cùng khi chấm Văn tự luận kiểu trực tuyến thế này. Các em cứ sao chép y văn mẫu rồi chụp lại gửi cho cô. Nhiều khi đọc bài sau giống y bài trước. Chấm Văn mà cười ra nước mắt.

Những ngày này, giáo viên chúng tôi đang chạy nước rút với kì thi học kì 1. Sắp tới, các em sẽ tiếp tục kiểm tra trực tuyến các môn học. Tuy nhiên, điều giáo viên (GV) đắn đo, lo ngại nhất chính là môn Ngữ văn.

Chấm Văn trắc nghiệm

Trước đây, khi giảng dạy trực tiếp, GV đã rất ngại việc chấm bài. Thực ra chấm Văn không khó. Cái chính là thầy cô ngại vì thường bị phụ huynh thưa gửi. Nhất là vào những kì thi. Phụ huynh thường điện thoại thắc mắc về điểm số của con. GV giải thích rất cụ thể mà nhiều người vẫn ấm ức. Thậm chí, có phụ huynh còn vào tới trường để yêu cầu chấm công khai. GV dạy Văn đến là khổ vì mệt mỏi.

Bây giờ có rất nhiều phụ huynh cho rằng chấm Văn có gì mà khó. Chỉ cần trò chép dài và chữ đẹp là ô kê rồi. Chấm Văn thoáng một chút cũng không sao. Việc gì thầy cô cứ phải khó khăn với học trò làm gì. Chấm thoáng, cô vừa nhẹ người mà trò lại thích nữa. Như vậy có phải tốt hơn không. Việc gì thầy cô cứ phải làm khổ mình rồi khổ cả trò nữa.

Năm nay, vì tình hình Covid nên chúng tôi đều chấm bài trực tuyến. Đối với điểm kiểm tra thường xuyên, thầy cô sẽ kiểm tra miệng hoặc làm trắc nghiệm trên phần mềm Google form hoặc Azota.

Riêng 2 kì thi quan trọng là giữa kì và cuối kì thì Sở Giáo dục quy định bắt buộc môn Văn phải 50% trắc nghiệm và 50% tự luận. Sau khi trò làm xong trắc nghiệm trên phần mềm thì sẽ lấy giấy ra làm bài phần tự luận rồi chụp gửi theo file đính kèm.

Chép y văn mẫu

Thực tế, khi làm Văn kiểu này, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều điều bất cập. Hầu hết các bài làm của các em na ná nhau. Nhiều em sao chép y văn mẫu. Thậm chí, giống nhau từ dấu phẩy. Thầy cô chấm thấp thì phụ huynh làm khó. Mà chấm dễ thì không được. Thành thử, GV khổ tâm vô cùng khi chấm thi Văn trực tuyến kiểu này.

Chúng ta đều biết, đặc thù môn Văn không giống như môn Toán. Chấm Văn cũng không thể chính xác như chấm Toán. Khi làm Văn, các em phải có cách diễn đạt ý khác nhau. Mỗi em sẽ cảm nhận và sáng tạo theo ý của riêng mình. Người GV dạy Văn khi đọc sẽ biết ngay bài nào có chất văn.

Tuy nhiên, phụ huynh giờ họ đâu có đồng ý như thế. Họ luôn bênh và tin tưởng con mình. Thậm chí, ngày thi, phụ huynh còn ở bên để hỗ trợ con. GV chấm thấp điểm họ cũng điện thoại ý kiến. GV dạy Văn thật sự khó xử vô cùng.

Một thầy giáo dạy Văn cấp 3 gần nhà tôi tâm sự: Ước gì môn Văn cho kiểm tra trắc nghiệm 100% hết đi. Chứ kiểm tra tự luận trực tuyến kiểu này khó chấm quá.

Trò nào bây giờ cũng thông minh cả. Các em cứ sao chép y văn mẫu rồi chụp gửi cho GV. Chấm thấp thì phụ huynh ý kiến thầy khó khăn với trò. Mà chấm dễ thì đâu có được. Thật sự, tôi buồn vô cùng với kiểu chấm Văn mùa Covid như bây giờ.

Bản thân tôi hiện là một GV dạy Văn khối 9. Tôi cũng từng mệt mỏi vô cùng khi chấm Văn tự luận kiểu trực tuyến thế này. Các em cứ sao chép y văn mẫu rồi chụp lại gửi cho cô. Nhiều khi đọc bài sau giống y bài trước. Chấm Văn mà cười ra nước mắt. Thương trò, nhưng tôi vẫn không thể thoáng với các em được. Chấm dễ, các em sẽ mắc bệnh ảo tưởng rồi lơ là trong học tập.

Các em còn phải trải qua kì thi tuyển 10 nữa chứ. Mà chấm khó thì phụ huynh giận dỗi, trách mắng GV không tiếc lời... Thôi thì, chấm bài xong, tôi cũng khổ tâm hết sức mình.

Một mùa thi nữa lại về. Giờ tôi chỉ mong được đánh giá đúng sức học của các em. Làm sao để các em hiểu rằng không được sao chép ý tưởng của người khác. Khi làm Văn các em phải cảm nhận theo ý của riêng mình.

Chỉ mong sao phụ huynh hiểu mà thông cảm cho GV chúng tôi. Xin đừng quá quan trọng về điểm số của các con.