Giáo viên: Điểm trung bình môn Vật lý từ 5-6, Giáo dục công dân sẽ từ 7 - 8

Hoàng Linh

(Dân trí) - Nhiều giáo viên cho biết, đề thi tốt nghiệp THPT môn Vật lý học sinh cơ bản có thể đạt 5 đến 6 điểm và môn Giáo dục công dân dự đoán phổ điểm từ 7 đến 8,5 điểm.

Giáo viên: Điểm trung bình môn Vật lý từ 5-6, Giáo dục công dân sẽ từ 7 - 8 - 1

Nhiều thí sinh than đề Bài thi Khoa học Tự nhiên khó hơn năm trước. (Ảnh Đỗ Linh)

Vật lý có nhiều câu hỏi lạ

Cô Đặng Thị My, giáo viên Vật lý, Trường THPT Lục Ngạn số 1, tỉnh Bắc Giang nhận xét với mã đề 216 có nhiều câu lí thuyết, học sinh cơ bản có thể đạt 5 đến 6 điểm.

Mã 216 từ câu 31 bắt đầu có tính phân loại cao, câu 36 dao động điện từ là câu lạ đối với nhiều học sinh.  Phần vận dụng cao vẫn rơi vào các chương trọng tâm là dao động điều hòa, sóng cơ, dòng điện xoay chiều.

Có 4 câu thuộc chương trình lớp 11, học sinh nếu không nắm chắc kiến thức cơ bản có thể nhầm câu thuộc chương Dòng điện trong các môi trường. Đề này khó đạt phổ điểm cao như năm ngoái, ít điểm 9-10.

Ma trận đề thì có 4 câu lớp 11, dao động điều hòa 7 câu, Sóng cơ 6 câu, Điện xoay chiều 7 câu, dao động điện từ 4 câu, ánh sáng - lượng tử 7 câu, hạt nhân 5 câu.

Đề phân loại rõ ràng từng mức độ, nhiều câu lạ, muốn đạt 8 điểm, học sinh phải nắm chắc lí thuyết, không sai câu ở mức độ đầu, vì từ câu 33, 34 mức độ khó tăng dần lên.

Cô Đặng Thị My cho rằng, nhìn chung đề thi đảm bảo mục tiêu xét tốt nghiệp và có tính phân hóa để các trường đại học chọn được thí sinh có chất lượng.

 Đề thi Giáo dục công dân khá "dễ thở"

Về đề thi Giáo dục Công dân, TS. Nguyễn Thị Hoa Phượng, Phó Hiệu trưởng trường THPT Hai Bà Trưng, Tp Huế nhận xét, đề thi hay, có tính thời sự, gần gũi với học sinh.

Nội dung các câu hỏi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12 và một số bài trong chương trình học kỳ I của lớp 11. Với mã đề 310 có 4 câu ở trong chương trình lớp 11 (gồm các câu: câu 90, 91,101, 108), những câu này chủ yếu ở mức độ nhận biết và thông hiểu, tập trung ở 4 nội dung về hàng hóa (câu 90), tiền tệ (câu 101), quy luật giá trị (câu 91), cạnh tranh (câu 108), 36 câu còn lại thuộc chương trình Giáo dục công dân lớp 12.

Nội dung các câu hỏi trong đề thi Tốt nghiệp môn Giáo dục công dân năm học 2021 của Bộ GDĐT không có câu hỏi trong phần tinh giản theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

So với đề thi các năm trước, đề thi năm nay không khó, mức độ đề phù hợp với tình hình thực tế học sinh đã có thời gian học online và ôn tập gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đề  thi bám sát với ma trận đề minh họa năm 2021 của Bộ GDĐT đã công bố. Đề thi có sự phân bổ mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao phù hợp. Với mức độ đề năm nay, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản là có thể đạt được 8 điểm. Tuy nhiên, nếu học sinh không nắm được chuẩn kiến thức, kỹ năng thì cũng khó đạt được điểm khá, giỏi.

Nhìn chung, theo cô Phượng, đề thi đánh giá được năng lực học sinh. Các câu hỏi vận dụng chiếm 25% (10 câu cuối) có thể phân hóa được học sinh đạt điểm 9-10, đặc biệt là các câu ở mức độ vận dụng cao (các câu 111, 114, 118, 120) đòi hỏi học sinh không chỉ nắm vững kiến thức bài học, có kỹ năng phân tích và giải quyết tình huống mà còn phải chú ý đọc thật kỹ đề ra mới làm đúng.

Đề thi năm nay có những câu hỏi khá thú vị, ví dụ câu 96, 113, 114, đòi hỏi học sinh phải nắm vững kiến thức bài học, đọc thật kỹ đề ra mới làm đúng đáp án.

Có nhiều câu hỏi tình huống hay, có tính thời sự, nhất là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao là những tình huống gắn liền với thực tiễn cuộc sống, gần gũi với học sinh. Ví dụ: câu 110, 120 đề cập đến công tác phòng chống dịch covid -19 và ủng hộ quỹ vacxin phòng, chống dịch covid -10.

Cô Phượng cho biết, đề thi khá dễ thở với thí sinh đúng tiêu chí là Kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng vẫn có độ phân hóa. Dự đoán phổ điểm từ 7 đến 8,5 điểm.

Còn cô Dương Thị Thúy Nga, Trường ĐHSP Hà Nội nhận định, đề thi tốt nghiệp THPT môn GDCD năm 2021 không có câu hỏi đánh đố, lắt léo. Cách diễn đạt câu hỏi thi khá rõ ràng, tường minh, khả năng phân hóa của đề thi khá tốt.

Đề thi có cấu trúc phù hợp, bám sát đề minh họa của Bộ GD&ĐT đã công bố. Số câu hỏi thi tập trung chủ yếu ở lớp 12 (36 ~ 90%) và được phân bổ ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận cao phù hợp,

Độ khó của đề giảm nhẹ hơn so với một số năm trước, nhưng đề thi vẫn đáp ứng yêu cầu đánh giá kiến thức cơ bản đồng thời vẫn đảm bảo các yêu cầu phân hóa học sinh thông qua các câu hỏi vận dụng.

Với đề thi năm nay, cô Nga cho rằng, những học sinh nắm vững kiến thức cơ bản có thể dễ dàng đạt điểm 7,8. Tuy nhiên, để đạt điểm 9,10 thì học sinh phải có kĩ năng phân tích và khả năng tư duy logic, vận dụng kiến thức vào đời sống.

Nội dung các câu hỏi trong đề thi bám sát các yêu cầu cần đạt về kiến thức, kĩ năng của  chương trình môn học.

Các câu hỏi ở mức độ nhận biết so với các năm trước đã giảm được việc ghi nhớ kiến thức đơn thuần mà học sinh vẫn dễ dàng lấy được điểm là một trong những điểm hay của đề thi năm nay (VD: câu 90, 95, 105 của mã đề 310).

Theo cô Nga, khá nhiều câu hỏi bám sát các vấn đề thực tiễn, giúp học sinh thể hiện được kĩ năng vận dụng hiểu biết để giải quyết những tình huống phát sinh trong đời sống hàng ngày cho chính mình và những người xung quanh (VD các câu: 110, 114 mã đề 310).

Câu 120 (mã đề 313) yêu cầu học sinh nhận xét, đánh giá được hành vi đúng, sai (cả ở góc độ đạo đức và pháp luật) xoay quanh các mối quan hệ gia đình, bạn bè, người thân. Trên cơ sở đó giúp học sinh biết điều chỉnh đưa ra lựa chọn phù hợp với quyền và nghĩa vụ của mình. Đây là một dạng câu hỏi có nội dung không mang tính 1 chiều (chỉ đúng, hoặc chỉ sai), dạng câu này khá phù hợp với việc đánh năng lực học sinh, đặc biệt là năng lực điều chỉnh hành vi.