Giáo viên dán miệng học sinh và quyết định “hỏa tốc” của Bộ trưởng về game online

(Dân trí) - Giáo viên phải nghỉ việc vì dán băng dính “dọa” 6 em học sinh ở Trường tiểu học Hoàng Liệt, Hà Nội; Game online vào trường và quyết định “hỏa tốc” của Bộ trưởng... là một trong những sự kiện giáo dục nổi bật tuần qua.

Cần thay đổi chuẩn giáo viên

Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại hội thảo về “Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, khung năng lực nghề nghiệp giảng viên sư phạm và vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của các trường sư phạm” vừa được tổ chức tại Trường Đại học Quy Nhơn.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, vai trò đi đầu của các trường đại học sư phạm trọng điểm để nâng cao chất lượng là đội ngũ giáo viên. Do vậy, các trường sư phạm cần thay đổi mạnh mẽ cách tiếp cận và nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng hiện nay trên cơ sở tiếp cận chuẩn nghề nghiệp của giáo viên.

Đối với việc chỉnh sửa chuẩn nghề nghiệp, Bộ trưởng lưu ý, cần đảm bảo nguyên tắc khoa học, hiện đại, khắc phục những hạn chế của chuẩn hiện hành, tiếp cận với kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực nhưng gắn với thực tiễn phát triển nghề nghiệp của giáo viên Việt Nam.

Phụ huynh đồng loạt xin tha thứ cho cô giáo dán băng dính vào miệng HS

Ngày 8/12, phụ huynh lớp 3A8, Trường tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đồng loạt kí tên vào bức tâm thư xin tha thứ cho cô giáo Hồng Anh. Cô giáo này được phụ huynh phản ảnh đã dán băng dính vào miệng học sinh vì mất trật tự.

Theo tường trình của cô Hồng Anh, ngay sau khi sự việc xảy ra, cô đã trấn tĩnh và xin lỗi các em. Buổi tối hôm xảy ra sự việc, cô cũng chủ động gọi cho Trưởng Ban phụ huynh và xin lỗi phụ huynh các học sinh vì hành động nhất thời không kìm chế được nên đã có hành động sai trái.

Phụ huynh kí tên vào bức thư xin giảm kỉ luật cho cô giáo Hồng Anh
Phụ huynh kí tên vào bức thư xin giảm kỉ luật cho cô giáo Hồng Anh

Cô Hồng Anh cũng thừa nhận đã dán băng dính vào miệng khoảng 5-6 em nhưng chỉ mục đích nhằm dọa các em, sau đó cởi bỏ băng dính ra ngay. Đồng thời, cô đã tự viết đơn xin nghỉ việc.

Mặc dù phụ huynh có tâm thư nhưng theo quyết định của BGH nhà trường cũng như nguyện vọng xin nghỉ việc của cô giáo ngay từ đầu, cô Hồng Anh sẽ nghỉ việc như nguyện vọng.

Quyết định “hỏa tốc” của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 8/12, facebook của anh Trần Trọng An (Hoàng Mai, Hà Nội) có bài phản ánh liên quan đến game “Chinh phục vũ môn”. Được biết, anh An là người đã gửi tâm thư đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc Bộ cổ súy cho học sinh- đặc biệt là học sinh tiểu học, chơi game online thông qua cuộc thi “Chinh phục vũ môn”. Đặc biệt, trong đó có nhiều game bạo lực và nhiều phần yêu cầu phải nạp thẻ cào với mệnh giá từ 10.000 đồng đến 300.000 đồng.

Vụ công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết, cuộc thi trực tuyến “Chinh phục vũ môn” là cuộc thi tìm hiểu kiến thức tổng hợp giành cho học sinh phổ thông do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức từ năm học 2014-2015.

Cuộc thi Chinh phục vũ môn chính thức tạm dừng để rà soát và chờ ý kiến công luận.
Cuộc thi "Chinh phục vũ môn" chính thức tạm dừng để rà soát và chờ ý kiến công luận.

Còn theo Lãnh đạo Tập đoàn giáo dục Egroup, người sử dụng sẽ phải trả phí qua thẻ cào ở trong trường hợp như: sử dụng các bài học đặc biệt nâng cao; luyện tập nâng cao thêm ngoài thi thì mua vé cào bằng hình thức nạp thẻ. Việc nộp phí hoàn toàn tự nguyện.

Ngày 9/12, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu tạm dừng cuộc thi, đồng thời yêu cầu TƯ đoàn- đơn vị chủ trì phối hợp rà soát toàn bộ cuộc thi “Chinh phục vũ môn”. Ngày 10/12, TƯ Đoàn chính thức có văn bản tạm ngừng cuộc thi từ 17h ngày 10/12 để rà soát lại toàn bộ các vấn đề mà dư luận phản ánh.

Harvard sự thật có bị thổi phồng?

Ngày 6/12, một bài viết về ĐH Harvard khiến nhiều người giật mình. Người ta nói, trong nhà ăn sinh viên của Harvard, rất khó để nghe được âm thanh nói chuyện, mỗi sinh viên đều mang theo pizza và nước ngọt, ai cũng đều vừa ăn vừa đọc sách hoặc là ghi chép. Rất hiếm thấy học sinh nào đó chỉ tập trung ăn mà không học, cũng rất ít thấy sinh viên nào vừa ăn vừa nói chuyện.

Harvard có thật sự bị thổi phồng?
Harvard có thật sự bị thổi phồng?

Ở Harvard, phòng ăn không chỉ là nơi dùng cho việc ăn uống, nó còn là một thư viện. Bệnh viện Harvard cũng như thế, yên tĩnh đến nỗi có bao nhiêu người cũng như một, không ai không đọc sách hay ghi chép. Bệnh viện cũng là một hình thức khác của thư viện...

Tuy nhiên, những trí thức Việt trẻ đã, đang học tập tại Đại học Harvard đều cho rằng, họ không hề thấy cảnh tượng “sinh viên ở nhà ăn không một tiếng động”, ai cũng “cày” tựa “siêu nhân” không kể ngày đêm trên bàn ăn, thư viện như miêu tả trong bài viết.

TP Hồ Chí Minh: Tạo điều kiện để dạy thêm đúng quy định

Liên quan đến quyết định cấm dạy thêm- học thêm của TP Hồ Chí Minh gây tranh cãi trong thời gian vừa qua, UBND TPHCM vừa có công văn gửi Sở GD&ĐT, UBND các quận huyện về tăng cường công tác tổ chức, quản lý, xử lý vi phạm trong hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố. Trong đó có yêu cầu các trường tạo điều kiện để giáo viên dạy thêm đúng quy định.

Ngoài ra, UBND TPHCM cũng yêu cầu các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất, và xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm không đúng quy định của các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân có liên quan...

Trước đó, TPHCM cũng đưa ra hàng loạt biện pháp chấn chỉnh việc dạy học thêm tràn lan.

Nhiều trung tâm “kích não” ngưng tuyển sinh

Sau khi các cơ quan chức năng tại TPHCM vào cuộc kiểm tra, lập biên bản, hàng loạt địa điểm dạy “kích hoạt não” đã tạm ngừng tuyển sinh, tháo gỡ các bảng hiệu. Dự kiến trong thời gian tới TPHCM sẽ tiến hành xử phạt hành chính các trung tâm này.

Nhiều trung tâm kích não đã ngưng tuyển sinh (ảnh minh họa)
Nhiều trung tâm "kích não" đã ngưng tuyển sinh (ảnh minh họa)

Tại Hà Nội, chi nhánh trung tâm “Trí tuệ Việt”, một trong những đơn vị có tổ chức lớp “kích não” với lời quảng cáo “giúp con trở thành thiên tài” gây ồn ào dư luận trong thời gian qua cũng đã đóng cửa. Theo nhân viên phụ trách trung tâm, lớp học dự kiến sẽ dời đến cuối tháng 12/2016. Các gia đình đã đóng tiền cho con em, nếu không muốn theo học, có thể liên lạc đến Trung tâm để hoàn trả chi phí.

Mặc dù vậy, theo ghi nhận của PV Dân trí, tại Hà Nội, Đà Nẵng và một số thành phố lớn, nhiều trung tâm “kích não” vẫn đang hoạt động.

Mỹ Hà