Giáo viên 8X gieo chữ ở biên giới Việt - Lào

(Dân trí) - Giáo viên là những tri thức trẻ tình nguyện tại Đoàn kinh tế quốc phòng 4 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An). Học trò là những bà, những mẹ người Khơ-mú ở xã biên giới Mường Ải (Kỳ Sơn, Nghệ An). Lớp học là nhà sinh hoạt cộng đồng của bản. Hằng đêm, giữa núi rừng tĩnh mịch của vùng biên giới Việt - Lào vẫn vang lên tiếng học bài…

Lớp học xóa mù chữ ở biên giới Việt - Lào

Soi đèn tìm chữ

Từ gần 3 tháng nay, đều đặn 19h30 hằng ngày, các mẹ, các bà thuộc 2 bản Xốp Xăng, Xốp Lau (xã Mường Ải) rọi đèn pin đến nhà sinh hoạt cộng đồng bản Xốp Lau đi học. Họ, người chưa từng biết chữ, người đã từng đi học nhưng cái khó cái khổ của cuộc sống đã khiến số chữ ít ỏi học được trước kia rơi rụng đi đâu hết nên đến đây tìm chữ. Các học viên hầu hết thuộc thế hệ 8X, số ít thuộc thế hệ 9X nhưng khuôn mặt già trước tuổi, hằn lên sự vất vả, thiếu thốn. Thế nhưng, khi trang vở mở ra, những khuôn mặt khắc khổ ấy cúi xuống, cặm cụi đưa từng nét bút lại thấy bừng lên vẻ đẹp kỳ lạ…

Lớp học xóa mù chữ tại bản Xốp Lau (xã biên giới Mường Ải, Kỳ Sơn, Nghệ An)
Lớp học xóa mù chữ tại bản Xốp Lau (xã biên giới Mường Ải, Kỳ Sơn, Nghệ An)

Đứa lớn nhà chị Moong Thị Phen (SN 1993) năm nay 3 tuổi, đứa bé mới hơn 1 tuổi nhưng chị Phen chưa bỏ một buổi học nào. Chị Phen khoe, hai đứa nhỏ được chồng ở nhà trông nom cho.

“Mình phải đi học chữ chứ. Hồi trước nhà mình nghèo quá, cũng chưa suy nghĩ được nhiều nên mình không được đi học. Giờ các cô giáo đến tận bản dạy chữ cho, dạy buổi tối, mình không phải lên rẫy thì mình phải cố mà đi học cái chữ, sau này con mình đi học, mình còn biết chữ mà chỉ cho con nữa”, chị Phen tâm sự.

Chị Lữ Thị Thơi học đến lớp 3 thì nghỉ do nhà quá nghèo. Số chữ ít ỏi học được trước kia rơi rụng dần trong cuộc vật lộn sinh tồn với cái đói và mấy đứa con nheo nhóc. Chị Thơi đến lớp học xóa tái mù chữ, say sưa học như hồi tuổi lên 6 lên 7.

“Mình học không nhanh bằng các bạn, cũng không biết đặt dấu cho đúng chữ nên đọc cũng hay sai, các cô giáo phải bày lại nhiều lần mới nhớ. Đầu mình bây giờ học cái chữ cũng khó nhưng khó mấy cũng phải cố chứ. Chị em trong bản đều biết chữ mà mình không biết thì xấu hổ lắm. Biết chữ thì đọc được cả sách, học thêm được nhiều thứ lắm đấy”.

Đội viên tình nguyện Đoàn kinh tế quốc phòng 4 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An) đưa từng nét chữ cho các học viên.
Đội viên tình nguyện Đoàn kinh tế quốc phòng 4 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An) đưa từng nét chữ cho các học viên.

Chị Lữ Thị Hồng Mai năm nay 33 tuổi nhưng đã lên chức bà ngoại được 3 năm nay. Chị Mai cũng chưa từng biết chữ. Chị Mai khá kiệm lời khi kể về mình nhưng nói chuyện học chữ thì hồ hởi lắm. “Chồng mình bảo đi học đấy. Chồng mình biết chữ, hai con đều được đi học chữ, mỗi mình là không biết thôi. Tối nào ăn cơm muộn, sợ không đến lớp kịp giờ, chồng mình còn rửa bát cho vợ đi học đó”. Tôi hiểu niềm vui của chị Mai bởi lẽ, ở vùng biên giới này chuyện tưởng chừng nhỏ nhoi như đàn ông rửa bát giúp vợ còn hiếm hơn cả tìm đường lên trời.

Chị Hoa Thị Chiến (SN 1981) có 3 đứa con, đứa lớn đã học lớp 11, đứa thứ 2 học lớp 8, đứa út mới 4 tuổi. Chị Chiến chưa từng đi học, chưa biết mặt chữ. Nghe tin Đoàn kinh tế quốc phòng 4 mở lớp xóa mù tại bản, chị Chiến quyết tâm đi học chữ. “Chồng mình cũng động viên, các con cũng động viên nên mình phải đi học cái chữ. Mình nhiều tuổi rồi, cái tay cầm cuốc, gùi lúa quen rồi, cầm cái bút khó lắm nhưng phải cố thôi. Giờ mình viết được tên mình rồi, viết được tên chồng, tên con nữa, vui lắm”.

Sau hơn 2 tháng tham gia lớp xóa mù chữ, học viên Cụt Thị Hồng Mai đã có thể tự viết được tên và thông tin cá nhân.
Sau hơn 2 tháng tham gia lớp xóa mù chữ, học viên Cụt Thị Hồng Mai đã có thể tự viết được tên và thông tin cá nhân.

Nghe vợ nói, anh Lữ Phò Lâm - chồng học viên Hoa Thị Chiến cười: “Vợ không biết chữ thì thiệt thòi lắm, con cái học giỏi mà mình không biết chữ thì làm sao được. Phải biết cái chữ về còn bày thêm cho con học, một mình bố không hướng dẫn được cho cả 3 đứa con một lúc. Vợ đi học mình thấy vui lắm. Đi học thì biết chữ, biết chữ thì biết nhiều cái, đi ra ngoài cũng mạnh dạn hơn trước”.

Lên biên giới xóa mù chữ

Lớp xóa mù chữ tại bản Xốp Lau (Mường Ải) là lớp xóa mù thứ 3 do Đội tri thức trẻ tình nguyện Đoàn kinh tế quốc phòng 4 - Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An tổ chức tại khu vực biên giới 2 nước Việt - Lào. Lớp xóa mù ở Xốp Lau có 21 học viên. Cuối năm 2015, 1 lớp xóa mù chữ với sự tham gia của 33 học viên được tổ chức ở bản Pủng (cũng thuộc xã Mường Ải). Trước đó, một lớp xóa mù chữ cũng được triển khai tại bản Liên Sơn (xã Na Ngoi).

Dạy chữ xóa mù, đòi hỏi các tình nguyện viên phải hết sức nhẫn nại và tâm huyết.
Dạy chữ xóa mù, đòi hỏi các tình nguyện viên phải hết sức nhẫn nại và tâm huyết.

"Nói thì nghe đơn giản nhưng để tổ chức được 1 lớp học không hề đơn giản vì nhận thức của đồng bào về sự học chưa cao. Việc vận động các mẹ, các bà đến lớp mất rất nhiều thời gian nhưng khi đã đến lớp thì các học viên rất có trách nhiệm, chuyên cần và tiếp thu khá nhanh.

Tham gia lớp học, các chị em được miễn phí hoàn toàn sách, bút. Kết thúc chương trình, các chị được Phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ. Bên cạnh học chữ, các học viên còn được trang bị kiến thức về pháp luật, Luật bảo vệ biên giới, Luật phòng chống ma túy…”, Trung tá Nguyễn Sỹ Toàn - Phó Chủ nhiệm chính trị Đoàn kinh tế quốc phòng 4 cho biết.

Phụ trách lớp học xóa mù chữ tại bản Xốp Lau là hai đội viên còn rất trẻ Võ Thị Kim Chi (SN 1991, quê huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) và Nguyễn Thị Mai (SN 1992, quê huyện Kỳ Sơn). Cả hai cô gái đều tốt nghiệp ngành sư phạm, trong thời gian chờ tìm việc đã tình nguyện lên Đoàn kinh tế quốc phòng 4 theo Dự án 174 (Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 2010 - 2020). Nếu như Mai lần đầu tiên phụ trách lớp Kim Chi đã có kinh nghiệm 2 năm dạy chữ.

Các học viên tại lớp học xóa tái mù chữ ở xã biên giới Mường Típ (Kỳ Sơn, Nghệ An).
Các học viên tại lớp học xóa tái mù chữ ở xã biên giới Mường Típ (Kỳ Sơn, Nghệ An).

“Cái khó nhất là các mẹ, các chị đều đi học muộn, tay cứng, đưa nét chữ rất khó khăn. Có những khi để viết một chữ O tròn trĩnh, đẹp và mềm mại phải mất đến cả tháng trời. Nhưng vui là các chị học rất chăm chỉ, kiên trì và chịu khó”, Nguyễn Thị Mai tâm sự.

Dạy chữ cho các mẹ, nhiều khi buộc các cô giáo phải thực sự mềm mỏng trong việc đánh giá sự tiến bộ của học viên. Tình nguyện viên Võ Thị Kim Chi kể: “Năm ngoái em dạy xóa mù ở bản Pủng, khi chấm điểm viết cho các học viên, em chấm mẹ Vi Mẹ Xuân (56 tuổi) 5 điểm. Nhìn điểm số, mẹ không vui và trách cô giáo chấm đắt quá. Lúc đó lại phải giải thích cho mẹ hiểu điểm số không phải là điều quan trọng, quan trọng là mẹ có thể viết được suy nghĩ của mình. Sau khi nghe giải thích mẹ có vẻ xuôi xuôi nhưng cũng không vui như bình thường. Kết thúc 3 tháng học, mẹ Xuân đọc viết thành thạo và được cấp giấy chứng nhận xóa mù chữ”.

Bộ đội biên phòng và cán bộ Đoàn kinh tế quốc phòng 4 kiểm tra vở viết của các học viên.
Bộ đội biên phòng và cán bộ Đoàn kinh tế quốc phòng 4 kiểm tra vở viết của các học viên.

Là giáo viên xóa mù nhưng đây chỉ là công việc kiêm nhiệm của các tình nguyện viên. Hằng ngày họ vẫn đảm nhiệm nhiệm vụ mà đơn vị giao như tăng gia sản xuất, chăn nuôi… Buổi trưa phải tranh thủ soạn giáo án để buổi tối lên lớp từ 19h30 đến 21h30. “Mưa gió rét mướt các mẹ, các bà đều kiên trì đến lớp, háo hức học nên mình không thể phụ tấm lòng của các học viên được.

Dạy ở Xốp Lau gần Đội (hiện Mai và Chi đang là quân số của Đội sản xuất số 2, Đoàn kinh tế quốc phòng 4) nên hết giờ dạy hai chị em về đội ngủ. Hồi dạy ở bản Pủng, từ lớp về đến Đoàn mất 10 cây số đường rừng. Đêm tối, lại đường sá đi lại khó khăn nên dạy xong, hai chị em ngủ lại trong đó, 5h sáng dậy, rẽ sương về đơn vị để làm các nhiệm vụ khác. Khó khăn, vất vả, thiếu thốn thì nhiều lắm nhưng niềm vui thì lớn hơn tất thảy, nhất là khi được nhìn những bàn tay chai sạn, nứt nẻ viết nên những dòng chữ tròn trịa, đẹp đẽ”, Kim Chi chia sẻ về niềm vui của mình.

Trong cái lạnh tê buốt của vùng biên giới, giữa đêm tĩnh mịch của núi rừng, tiếng đọc bài vẫn vang lên như thắp thêm niềm hi vọng thoát đói nghèo, thoát hủ tục lạc hậu của đồng bào nơi đây.

Hoàng Lam