Giáo sư trẻ nhất năm 2022: "Tôi bất ngờ"

Hoài Nam

(Dân trí) - PGS.TS Lê Văn Cảnh nói khi biết mình là giáo sư trẻ nhất năm 2022 đã khiến ông bất ngờ. 9 năm trước, ông cũng là phó giáo sư trẻ nhất tại ĐH Quốc gia TPHCM.

PGS.TS Lê Văn Cảnh, sinh năm 1979, Phó hiệu trưởng ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) là Giáo sư trẻ nhất năm 2022 theo công bố của Hội đồng giáo sư Nhà nước. Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông đã kể về quá trình học tập của mình cũng như thời gian cho gia đình và con cái.

Giáo sư trẻ nhất năm 2022: Tôi bất ngờ - 1

PGS.TS Lê Văn Cảnh - Giáo sư trẻ nhất năm 2022 (Ảnh: N.N).

"Với tôi, về nước là một lựa chọn đúng đắn"

- Thưa ông, trong 383 ứng viên GS, PGS năm nay do Hội đồng giáo sư Nhà nước vừa công bố, ông là người trẻ tuổi nhất. Ở tuổi 43, ông có cảm xúc gì khi đón nhận thông tin này?

PGS.TS Lê Văn Cảnh: Hôm đó tôi họp đến tận chiều. Khi rời phòng họp, tôi nhận được rất nhiều tin nhắn chúc mừng từ bạn bè, người quen. Lúc này, tôi mới biết thông tin mình là giáo sư trẻ nhất năm nay. 

Khi nghe tin, tôi và gia đình rất vui vì quá trình phấn đấu của mình được ghi nhận. Đây được xem như cột mốc đối với người làm khoa học. 

Là người trẻ nhất năm nay khiến tôi rất bất ngờ. Các năm trước có người trẻ hơn, có hồ sơ đạt tiêu chuẩn, có các công bố quốc tế. 

Giáo sư trẻ nhất năm 2022: Tôi bất ngờ - 2

PGS.TS Lê Văn Cảnh bất ngờ vì mình là Giáo sư trẻ nhất năm nay (Ảnh: Trần Đạt).

Tôi thấy mình may mắn. Nhưng tôi cũng hiểu sự may mắn chỉ đến khi mình đã đủ nỗ lực. Không ngẫu nhiên mà điều may mắn đến với mình. 

Khi tôi làm tiến sĩ ở Anh, người thầy hướng dẫn của tôi trở thành giáo sư theo tiêu chuẩn châu Âu khi mới 32 tuổi. Sự hội nhập của khoa học Việt Nam với thế giới, tôi nghĩ ngày sẽ càng nhiều nhà khoa học trẻ đạt được tiêu chuẩn giáo sư của Nhà nước mình. 

-Theo chương trình đào tạo 300 thạc sĩ - tiến sĩ của Thành ủy TPHCM, ông nhận được học bổng toàn phần để làm nghiên cứu tiến sĩ tại ĐH Sheffield (Anh). Học bổng này, với nhiều người là cơ hội nhưng cũng có thể là sự đánh đổi. Với ông thì sao? 

PGS.TS Lê Văn Cảnh: Việc đi học tiến sĩ hay không là một quyết định mà tôi phải đưa ra sự lựa chọn. Thời điểm đó, nếu chọn đi học, điều kiện kinh tế sẽ không được như đi làm.

Chương trình này đến khi tôi học xong thạc sĩ, muốn chuyên tâm để ổn định cuộc sống, lo cho gia đình, con cái. Hơn nữa, khi đó tôi cũng có khá nhiều cơ hội, được giữ lại ở trường, được quy hoạch các vị trí... 

Tôi không mường tượng đi học rồi sau này sẽ như thế nào. Thôi thúc muốn được bước ra ngoài để vừa học vừa biết xã hội ngoài kia phát triển thế nào đã quyết định đến lựa chọn của tôi. 

- Ông có kỷ niệm hay ký ức nào ở khoảng thời gian đó muốn kể lại với mọi người?

PGS.TS Lê Văn Cảnh: Đó là đầu tiên tôi được lên máy bay bay ra nước ngoài. Vé máy bay của tôi transit (quá cảnh) ở Thái Lan nhưng khi sang đây, không hiểu lỗi gì đó nên vé của tôi không được bay tiếp. Tôi phải ở lại qua đêm và được một bạn người Myanmar giúp đỡ để bay. 

Chuyến bay sang Anh của tôi trễ nên mọi người bên đó không biết tôi sang hay không. Từ sân bay về trường vài trăm cây số phải đi xe bus. Nhưng khổ nỗi, lúc này người ta chỉ bán vé qua thẻ, còn tôi chỉ tiền mặt.

Giáo sư trẻ nhất năm 2022: Tôi bất ngờ - 3

Với PGS.TS Lê Văn Cảnh trở về nước làm việc là lựa chọn đúng của cuộc đời (Ảnh: Trần Đạt).

Tôi nhìn thấy một người có thể giúp đỡ mình mua vé giúp. Người này trao đổi với nhân viên xe bus và nói lại với tôi cứ lên xe rồi trả sau. Khi trò chuyện tôi mới biết người giúp mình là một giáo sư ở Đại học Oxford. 

Khi lên xe, cô nhân viên sắp xếp một chỗ rất yên tĩnh cho tôi nằm ngủ, giữ giúp hành lý. Cô nhân viên không lấy tiền vé. Khoảng 3-4h hôm đó, nhân viên và tài xế giúp tôi mang hành lý xuống, hỗ trợ tôi gọi điện thoại gọi người quen.

Kỷ niệm này gắn với tôi suốt cuộc đời với những suy nghĩ về con người, về cách ứng xử, về sự nhân văn. 

- Được biết, sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ, ông được ĐH Sheffield giữ lại để nghiên cứu sau tiến sĩ. Rồi khi ông đưa gia đình sang Anh sinh sống, không nhiều người nghĩ ông sẽ quay về nước? 

PGS.TS Lê Văn Cảnh: Lúc sang Anh, mong muốn lớn nhất của tôi là đưa gia đình sang đây. Nhưng thật ra học bổng chỉ đủ để mình tôi chi phí sinh hoạt. 

Sang được một thời gian, khi công việc nghiên cứu đã tương đối đáp ứng kỳ vọng, tôi sắp xếp đi làm thêm để có thêm nguồn tài chính. Một năm sau khi sang Anh, tôi đã mạnh dạn đón vợ con đoàn tụ. 

Học xong tiến sĩ, tôi tiếp tục có cơ hội nghiên cứu sau tiến sĩ tại 3 trường đại học. Tôi biết rõ nếu ở lại, cơ hội học tập của con cái sẽ tốt hơn, nhưng tôi nghĩ bản thân sẽ phải quay về.

Tôi được Nhà nước hỗ trợ để đi học, hiểu rằng trách nhiệm của mình là quay về để đóng góp phần nào cho đất nước. Ngoài ra, nếu ở Anh, tôi rất khó gần gũi với bố mẹ.  

Tôi cũng tìm hiểu và biết ĐH Quốc tế là trường sử dụng tiếng Anh, có điều kiện nghiên cứu khoa học... Đó là những lý do, điều kiện thôi thúc tôi quay về. 

Giờ đây đất nước chúng ta đã có nhiều sự thay đổi, phát triển. Ở nước ngoài giá trị vật chất sẽ tốt hơn nhưng ở quê hương, tôi có những giá trị nhất định về mặt tinh thần. 

Và đến lúc này, với tôi đó là một lựa chọn đúng!

- Theo ông vì đâu nhiều nhà khoa học e ngại việc quay trở về nước?

PGS.TS Lê Văn Cảnh: Tôi về nước có một lợi thế. Ở lĩnh vực của mình, tôi chỉ cần máy tính là có thể xoay xở được.

Ở Việt Nam, điều kiện kinh tế tác động đến việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Các anh, chị nghiên cứu khoa học khi ra nước ngoài có điều kiện rất tốt về cơ sở vật chất, phòng nghiên cứu, thí nghiệm, môi trường nghiên cứu... 

Còn khi về nước, họ sẽ phải xem xét các điều kiện làm việc ra sao. Bởi nhiều lĩnh vực nghiên cứu đòi hỏi trang thiết bị, máy móc, phòng ốc rất lớn.

Giáo sư trẻ nhất năm 2022: Tôi bất ngờ - 4

Nhà khoa học, quản lý mong muốn bạn trẻ dấn thân theo đam mê nghiên cứu khoa học (Ảnh: FBNV).

Thu nhập ổn định mới có thể gắn bó với đam mê 

- Ông vừa làm công tác chuyên môn nghiên cứu khoa học và dạy học vừa làm công tác quản lý. Mọi người vẫn hay nói với nhau, một người làm chuyên môn tốt thì không nên làm quản lý. Ông thấy điều này có đúng với mình?

PGS.TS Lê Văn Cảnh: Đây là một câu hỏi hay mà một vị giáo sư cũng từng đặt ra với tôi. Với tôi, một lúc không thể làm tốt hai nhiệm vụ mà là sự sắp xếp cùng nỗ lực rất lớn. 

Công việc quản lý có nhiều việc đột xuất không nằm trong kế hoạch, cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, với tôi nghiên cứu là một đam mê. Nhiều khi tôi không có thời gian nghiên cứu nhưng những dịp đồng nghiệp có công bố, tôi gặp gỡ nói chuyện thì đam mê lại trỗi dậy. 

Tôi vẫn sắp xếp thời gian gặp gỡ các bạn sinh viên trong nhóm nghiên cứu, trao đổi các ý tưởng nghiên cứu. Nỗ lực hơn nữa là viết các bài báo, chỉnh sửa các bài báo cho các bạn. 

Giáo sư trẻ nhất năm 2022: Tôi bất ngờ - 5

Vừa làm chuyên môn vừa làm quản lý, PGS.TS Lê Văn Cảnh cho rằng đó là nỗ lực, phải biết cách tối ưu hóa thời gian (Ảnh: Trần Đạt).

Nhiều thầy cô làm nghiên cứu cũng được tín nhiệm vào các vị trí quản lý. Tôi cũng như mọi người, phải nỗ lực để cân đối, tối ưu hóa thời gian, hài hòa các nhiệm vụ của mình. Cố gắng từng chút, từng chút chứ còn hoàn toàn tập trung duy trì cả hai nhiệm vụ cùng lúc là rất khó. 

- Năm 2013, ông giành giải thưởng Quả Cầu Vàng và được bổ nhiệm phó giáo sư. Khi đó ông chia sẻ mong muốn "góp phần phát triển khoa học công nghệ và giáo dục nước nhà vươn đến hội nhập quốc tế". Giờ đây nhìn lại, ông thấy mong muốn năm đó của mình đang ở đâu? 

PGS.TS Lê Văn Cảnh: Thời điểm đó, tôi là phó bộ môn. Giờ nhìn lại, tôi thấy mình có cơ hội thực hiện mong muốn đó trong vai trò quản lý là phó hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu khoa học và các chương trình liên kết nước ngoài. 

Trong vai trò quản lý, tôi quan tâm đến những chính sách tạo điều kiện, động viên để giáo viên trẻ có thể tiếp tục gắn bó với nghiên cứu cũng như thu hút những nguồn tài trợ từ bên ngoài cũng như thúc đẩy hợp tác giáo dục với các trường đại học danh tiếng trên thế giới. 

Tôi cũng ấp ủ các doanh nghiệp quan tâm hơn đến ứng dụng nghiên cứu khoa học, có những đầu tư ban đầu cho người làm nghiên cứu. 

- Vậy còn bây giờ, là Giáo sư trẻ nhất năm nay, ông mong muốn điều gì? 

PGS.TS Lê Văn Cảnh: Khi ra nước ngoài học, nhiều sinh viên của Việt Nam thể hiện năng lực rất tốt. Chính các bạn đó ở trong nước lại rất ít cơ hội. 

Nguồn lực con người rất quan trọng trong phát triển khoa học. Làm sao để phát huy hết khả năng nghiên cứu đổi mới sáng tạo của từng người, từng sinh viên, từng nhà khoa học trẻ. Làm sao để các bạn trẻ quyết tâm, dấn thân theo đam mê nghiên cứu khoa học - một công việc có tính rủi ro rất cao. Đó là những điều thôi thúc tôi. 

- Với mong muốn các bạn trẻ theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, ông nghĩ thế nào vấn đề giữa đam mê và cơm áo gạo tiền? Chúng ta chứng kiến không ít nhà khoa học đã "bẻ lái" sang hướng đi khác. 

PGS.TS Lê Văn Cảnh: Trừ những người gia đình có điều kiện, còn ai cũng phải mang nỗi lo cơm áo gạo tiền. Chỉ khi có mức thu nhập có thể ổn định cuộc sống mới tạo được sự gắn bó, theo đuổi đam mê. Giữa nghiên cứu khoa học và sự lo toan cho cuộc sống sẽ ảnh hưởng rất nhiều, nếu có theo đuổi cũng rất khó để gắn bó lâu dài. 

Việc các nhà khoa học "bẻ lái" sang con đường khác là điều vô cùng đáng tiếc. Để đào tạo được người có khả năng nghiên cứu vô cùng tốn kém. Để phát triển và có nền tảng để cạnh tranh với nước bạn, nguồn lực con người trong nghiên cứu cực kỳ quan trọng. 

Giáo sư trẻ nhất năm 2022: Tôi bất ngờ - 6

Năm 2013, TS Lê Văn Cảnh nhận giải thưởng Quả Cầu Vàng, cùng là năm ông được bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư trẻ nhất ĐH Quốc gia TPHCM (Ảnh: ĐH Quốc gia TPHCM).

- Nếu không theo con đường này, ông nghĩ mình sẽ là ai?

Gắn bó với giáo dục, với sinh viên là cái nghiệp của tôi. Tôi mong có thể truyền động lực cho các bạn trẻ, mong mình có thể trải những bước đệm để các bạn bước xa hơn. 

- Trong vai trò một người thầy, ông muốn nói điều gì với học trò? 

PGS.TS Lê Văn Cảnh: Tôi mong các bạn hãy hạn chế thế giới ảo, dùng thời gian cho đời sống thật nhiều hơn, sống hết với đam mê của mình. Đừng sa vào các thú vui giải trí ảnh hưởng đến con đường tương lai của các bạn. 

Tôi thấy các bạn đang dùng thời gian cho không gian ảo quá nhiều. Điều này tác động đến suy nghĩ, sinh hoạt hàng ngày của các bạn. Không gian này làm các bạn xa rời với đời sống chung của sinh hoạt xã hội. 

Tôi rất thích nhìn thấy các bạn trẻ "vác ba lô lên và đi". Đến một không gian mới, con người sẽ có năng lượng mới và sẽ có động lực hơn. 

Nghĩ về nghiên cứu khi đưa con đi chơi 

- Gần đây, mọi người đề cao việc cân bằng giữa công việc và gia đình. Nhưng dường như ông giành hết thời gian cho công việc nghiên cứu và quản lý? 

PGS.TS Lê Văn Cảnh: Chúng ta buộc phải sắp xếp, muốn có thêm thời gian thì phải thức khuya hoặc dậy sớm. Tôi hay thức khuya. 

Thỉnh thoảng cuối tuần tôi cũng giành thời gian đi chơi cùng gia đình. Trong lúc đi chơi cùng gia đình, tôi vẫn giành một không gian nhất định suy nghĩ về nghiên cứu (cười). 

Nói vậy chứ, mọi người vẫn hay đùa với tôi là "giáo sư chơi tennis". Thể thao giúp chúng ta thư giãn rất tốt, có nhiều vấn đề khi làm việc tôi nghĩ không ra lại xuất hiện khi trên đường đi chơi thể thao. 

Hồi ở Anh, khi việc nghiên cứu quá căng thẳng, stress, tôi sẽ ra ngoài đi khám phá, thoát khỏi môi trường nghiên cứu. 

- Ông đối diện thế nào với việc mình là một người cha nhưng không có nhiều thời gian cho con?

PGS.TS Lê Văn Cảnh: Đó là điều tôi để trong lòng. Tôi làm giáo dục nhưng lại có ít thời gian dạy dỗ các con. Giáo dục không thể đặt hoàn toàn cho thầy cô mà phải bằng sự đồng hành của cha mẹ. Tôi trăn trở về việc làm sao có thời gian nhiều nhất để hỗ trợ con cái học hành, phát triển những đam mê, năng lực, phẩm chất riêng của con. 

- Nếu một ngày nào đó được bổ nhiệm chức danh giáo sư, việc đầu tiên ông làm sẽ là gì?

PGS.TS Lê Văn Cảnh: Tôi về nhà. Xuất thân từ một vùng quê (ở Đại Lộc, Quảng Nam), được ba mẹ tạo điều kiện cho học tập, khi gặt hái được kết quả nào đó tôi sẽ trở về với gia đình. Có thể sắp tới tôi sẽ có một chuyến du lịch cùng vợ con. 

- Trân trọng cám ơn ông!

 Hoài Nam