“Giáo dục những điều cao siêu, quên dạy trẻ làm người bình thường”

Hoài Nam

(Dân trí) - "Chúng ta giáo dục học trò cao siêu quá, hướng đến những thứ to tát quá mà quên mất điều làm thế nào để trẻ sống như một người bình thường".

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương, tác giả cuốn "Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản" vừa đạt giải Sách hay 2020 chia sẻ tại diễn đàn giáo dục "Trường học kiến tạo" diễn ra mới đây tại TPHCM. 

“Giáo dục những điều cao siêu, quên dạy trẻ làm người bình thường” - 1

Các nhà quản lý giáo dục, giáo viên tham dự diễn đàn 

Áp chế vô hình trong giáo dục 

Ông Nguyễn Quốc Vương cho biết, có rất nhiều yếu tố giáo dục tác động đến con trẻ. Gia đình, nhà trường, truyền thông và đặc biệt tất cả đều chịu tác động bởi không khí, áp chế vô hình trong xã hội. 

Không khí, áp chế vô hình của xã hội tác động đến giáo dục rất lớn. Ở trường học, chúng ta quan tâm nhiều đến chương trình, nội dung giáo dục, thầy cô nhưng chính thứ vô hình trong giáo dục mới là thứ điều chỉnh hành vi, tư duy, trí tuệ của đứa trẻ một cách ghê gớm. 

“Giáo dục những điều cao siêu, quên dạy trẻ làm người bình thường” - 2

Nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Quốc Vương 

"Giáo viên, phụ huynh đều nói, chúng tôi không dạy con tôi làm điều xấu thế này thế kia. Nhưng chính các hành vi, cử chỉ, bầu không khí, văn hóa trong cuộc sống hàng ngày, hàng giờ tác động trong vô thức đứa trẻ, dẫn dắt đứa trẻ làm điều đó. 

Môi trường vô hình tác động rất mạnh mà không cần ai nói, ai cấm. Ở cơ quan, sếp hỏi "Các đồng chí có ý kiến gì không?". Không ai có ý kiến thì điều vô hình đó đã điều chỉnh chúng ta, chứ sếp không nói: "Tôi cấm các anh ý kiến".  

Những áp chế vô hình đó "tắm" đứa trẻ, tác động lớn hơn nhiều những cái hiển thị như chương trình này, giáo trình kia, giáo viên tốt nghiệp thế này..." - ông Vương nêu quan điểm.

Có sự đối đầu giữa công dân và nhà trường 

Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương, người đưa mô hình trường học kiến tạo về Việt Nam chia sẻ, dường như có một điều gì đó vô hình trong giáo dục, như một bóng ma làm tất cả mọi người đều sợ hãi.

Những người muốn đổi mới không dám đổi mới. Hiệu trưởng, giáo viên có nhiều nỗi sợ, sợ cơ chế, sợ phụ huynh, sợ đủ thứ...

“Giáo dục những điều cao siêu, quên dạy trẻ làm người bình thường” - 3

ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương

Cha mẹ cũng mang nỗi sợ, kể cả bỏ ra rất nhiều tiền vào ngôi trường nào đó, vẫn mang một nỗi sợ liệu con mình có được đối xử tốt hay không, có ổn không? 

Và cộng đồng giờ đây có thêm một nỗi sợ là sợ mạng xã hội, cực kỳ sợ!

Ông Nguyễn Quốc Vương cho hay, có một hiện tượng thú vị trong giáo dục trên quy mô toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam là có sự đối đầu giữa công dân và nhà trường. 

Hầu hết trên thế giới, giáo viên là công chức, viên chức. Họ đảm nhận hai vai trò vừa là người dẫn dắt xã hội vừa là công chức, viên chức. Phần lớn giáo viên ở Việt Nam trong vô thức thừa nhận mình là một công chức. 

Trong vô thức, khi phụ huynh đối đầu với giáo viên, họ không xem giáo viên là người dẫn dắt con mình, họ xem đó là cuộc đấu tranh giữa công dân và người đại diện cho quyền lực. 

Phụ huynh khi có cơ hội họ sẽ tấn công giáo viên, nhà trường, còn trường học cũng dùng áp chế để giải quyết mối quan hệ đó. 

Ông Nguyễn Quốc Vương đề xuất, cần tăng cường dân chủ hóa trường công. Tự chủ không chỉ về tiền mà tự chủ về nội dung chương trình và tiếp đó là tự chủ về nhân sự, trường học có thể theo đuối triết lý giáo dục của mình mà không mâu thuẫn với cái cam kết lớn nhất giữa người dân và nhà nước là hiến pháp, tiếp đó là Luật Giáo dục. 

Về phân quyền, hành chính trong giáo dục cần tách rời với hành chính công để cơ quan hành chính công không được phép can thiệp vô lý vào trường học.

"Con tôi sinh ra ở Nhật, học mầm non ở Nhật về Việt Nam đi học bị sốc. Học một trường mầm non gần nhà, về con kể: Các bạn ị đùn, bị cô giáo đánh vào gan bàn chân. Cháu ấn tượng rất xấu về điều đó!", TS Nguyễn Quốc Vương.

Nhà nghiên cứu bày tỏ: "Vấn đề đau đầu nhất với nhiều trường học của chúng ta không phải là phụ huynh, học sinh mà chính là cơ quan thanh tra và kiểm tra. Trong triết lý của chúng ta, cơ quan hành chính giáo dục là kiểm soát, quản lý trường học, chưa phải là tư vấn và trợ giúp", 

Ông Vương đưa ra ví von, cảnh sát giao thông ở nước Nhật, họ sẽ vẫy cờ báo phía trước có bắn tốc độ, yêu cầu giảm tốc vì mục đích của họ là ngăn ngừa tai nạn chứ không phải để thu tiền phạt. 

Theo ông Vương, hiện tại giáo viên là người gánh tất cả sức nặng áp lực đè lên người. Như hiện tượng bạo lực học đường, giáo viên vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân. 

Điều thứ hai có thể làm, theo TS Nguyễn Quốc Vương, là phát triển giáo dục tư và giáo dục gia đình phải mạnh lên để trở thành đối trọng với giáo dục công, buộc giáo dục công phải thay đổi. 

Cần giáo dục đứa trẻ sống như một người bình thường 

TS Nguyễn Quốc Vương băn khoăn, chúng ta cần chú ý giáo dục đời sống hơn. Hiện nay, chúng ta đang giáo dục học trò cao siêu quá, hướng đến những thứ to tát quá mà quên mất một điều là làm thế nào để trẻ sống như một người bình thường. 

"Người bình thường là dám nói điều mình nghĩ, dám nói điều mình muốn nói, sống bằng lao động của mình, biết quan tâm đến người khác. 

Chúng ta rất ít người dám sống như người bình thường. Mọi người đang sống với con người ảo, lâu dần chúng ta không phân biệt được đâu là con người thật của mình, đâu là con người giả", ông Vương bày tỏ. 

Ông nhấn mạnh, giáo dục đời sống đơn giản là giáo dục tự lập trong sinh hoạt. Con người không tự lập trong sinh hoạt, dẫn đến không tự lập trong tư duy và có xu hướng trở thành con người nô lệ. 

Nói như ThS Uyên Phương, với phát triển kinh tế xã hội như ngày nay, chúng ta không thiếu những học sinh cao to, nói tiếng Anh lưu loát nhưng sự to khỏe chưa chắc đi kèm sự bền bỉ nếu không có sự bền vững từ bên trong. 

Kiến tạo ngôi trường hạnh phúc không cần nhiều tiền 

ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương nêu quan điểm, để tạo nên một ngôi trường hiệu quả, học sinh hạnh phúc không cần phải trường thật to, cơ sở vật chất thật đẹp, phải nhiều tiền mà phải là sự thay đổi từ chính bên trong.

Trường học cần 5 giá trị gieo trồng cho học sinh gồm: Đồng cảm; Tử tế; Hướng đến sự ưu tú - chất lượng cao trong mỗi việc mình làm; Biết giúp đỡ người khác; Biết lắng nghe - học hỏi.

6 trụ cột để kiến tạo nên một trường học hiệu quả và hạnh phúc gồm: Chương trình chuyên môn; Đào tạo con người, Quan hệ Nhà trường - Phụ huynh, Vận hành, Lãnh đạo, Quan hệ Nhà trường - Cộng đồng.