Giáo dục mầm non là phát huy năng lực tiềm ẩn của trẻ

Nhật Hồng

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ GD&DT Ngô Thị Minh đã nhấn mạnh như vậy tại buổi tọa đàm “Giới thiệu giáo dục sáng tạo trong giáo dục mầm non: "Hướng tiếp cận Reggio Emilia Aproach®” tại Hà Nội vào ngày 09/10.

Buổi tọa đàm nhằm giới thiệu mô hình giáo dục sáng tạo ở bậc mầm non, hiện thực hóa danh hiệu “Thành phố sáng tạo” do Bộ GD&ĐT, Đại sứ quán Ý tại Hà Nội, Tổ chức Reggio Children (Ý) phối hợp cùng Global Embassy tổ chức.

Reggio Emilia Approach® là hướng tiếp cận trong giáo dục mầm non đề cao tiềm năng và sự sáng tạo của trẻ. “Hướng tiếp cận này đã có mặt tại hơn 140 quốc gia khác nhau, với điều kiện về lãnh thổ, ngôn ngữ, địa lý, khí hậu, con người, văn hoá khác biệt.

Giáo dục mầm non là phát huy năng lực tiềm ẩn của trẻ - 1

Các đại biểu và giáo viên mầm non tham dự buổi tọa đàm

Vốn được áp dụng tại các trường công lập tại Ý, Reggio Emilia Approach® có thể được áp dụng ở bất kì nơi đâu, từ công lập đến tư thục, ở nơi có điều kiện hay không có điều kiện, thành thị hay vùng sâu vùng xa, đồi núi hay đồng bằng. Những nguyên vật liệu, dụng cụ học tập được các trường vận động quyên góp từ các nhà máy, gia đình, cộng đồng.

Buổi tọa đàm đã giới thiệu triết lý về giáo dục sáng tạo và vai trò cần thiết của nó trong thế kỷ 21, bên cạnh đó giới thiệu lịch sử, những giá trị cốt lõi của hướng tiếp cận Reggio Emilia Approach®.

Tại buổi tọa đàm, ông Ted Farraday, Phó Chủ tịch Tổ chức Embassy Education chia sẻ: “Giáo dục sáng tạo là gì? Là rượu cũ trong bình mới? Là rượu mới trong bình cũ? Một hình thức mới của giáo dục chăng? Là cách giáo dục khiến học sinh trở nên sáng tạo? Hay là giáo dục với những người thầy cô sáng tạo? Hay là giáo dục nghệ thuật, vì nhiều người cho rằng sáng tạo phải đi liền với những bộ môn âm nhạc, nhảy múa, điện ảnh, hội họa hay bất kỳ thể loại nghệ thuật nào.

Theo ông Ted Farraday, nói một cách đơn giản, giáo dục sáng tạo là một hướng tiếp cận mang tính triết lý tác động đến tư duy người học, mang đến cho tất cả học sinh những trải nghiệm rộng lớn, cởi mở và tiềm năng. Nó đặt năng lực sáng tạo của đứa trẻ vào trung tâm của việc học, và mang tất cả những phương pháp sư phạm, những kinh nghiệm, nguồn lực để kích hoạt và phát triển nhận thức của các em.

Mục tiêu của giáo dục sáng tạo là tạo nên những học trò được giáo dục tốt nhất, toàn diện và sâu sắc nhất, có khả năng thành công và hạnh phúc trong một thế giới biến động, bất định và phức tạp”.

Giáo dục mầm non là phát huy năng lực tiềm ẩn của trẻ - 2

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, tinh thần của hướng tiếp cận này là giáo dục dựa trên việc phát huy năng lực tiềm ẩn của trẻ, tôn trọng và yêu thương trẻ thơ, tạo điều kiện tốt nhất về môi trường để trẻ trải nghiệm và phát triển.

Theo Thứ trưởng Minh, chương trình khá phù hợp, tương đồng với giáo dục mầm non của Việt Nam hiện nay là quan điểm giáo dục "Lấy trẻ làm trung tâm". Cách tiếp cận này thông qua những vật dụng giản dị trong thiên nhiên, như cây cỏ và đất sét, hoa lá, củ quả... và cách thiết kế môi trường gần gũi, thân thiện, tinh tế, giàu tình cảm, tạo điều kiện giúp trẻ em phát huy tính sáng tạo, linh hoạt, phát triển tình cảm, ngôn ngữ... và đặc biệt không tốn chi phí cho việc mua các trang thiết bị.

Như vậy có thể vận dụng cách tiếp cận này cho các trường ở những vùng điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, là một lợi thế so với một số phương pháp GDMN yêu cầu nhiều giáo cụ, học liệu. Nội dung của chương trình phù hợp với một số mục tiêu trong Chương trình giáo dục mầm non Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Minh giao cho Vụ Giáo dục Mầm non, Viện Khoa học giáo dục, các trường sư phạm có đào tạo giáo viên mầm non nghiên cứu kỹ, trao đổi, chia sẻ để có thể tìm hiểu được những nội dung cốt lõi, ưu điểm củc Hướng tiếp cận này để có thể vận dụng phù hợp vào tình hình thực tế  giáo dục mầm non một cách phù hợp, hiệu quả.