Giáo dục Lịch sử: Báo động từ những bài thi ngô nghê

Đề thi ĐH môn Lịch sử năm nay không khó, nhưng khi chấm bài, các giáo viên vô cùng thất vọng về sự ngô nghê đến… khó hiểu của các thí sinh. Vấn đề dạy và học môn Sử ở trường phổ thông đang ẩn chứa nhiều bất ổn, thậm chí hết sức nguy hiểm.

Điểm thi rớt thảm hại

 

Chất lượng bài của thí sinh và điểm số khiến giáo viên chấm rất bất ngờ, đặc biệt trong bối cảnh môn Lịch sử (LS) vừa là môn thi tốt nghiệp trước đó ít lâu. Điểm trung bình môn LS trong hơn 9.000 bài đã vào sổ là  2,5 điểm; điểm cao 8-8,5 chỉ đếm được trên đầu ngón tay (các thầy cho biết, mọi năm điểm 7, 8, 9 nhiều “bát ngát”).

 

Hiện tượng này không chỉ diễn ra ở trường ĐH KHXH & NV (ĐHQG HN) mà trở thành “vấn nạn” chung của các trường khác như ĐH An ninh, ĐH Luật HN.

 

Trong khi đó, theo nhận xét của ông Vũ Quang Hiển, Chủ nhiệm bộ môn Đảng CSVN, Khoa Lịch sử trường ĐH KHXH & NV (ĐHQG HN): Đề năm nay không đòi hỏi phân tích chứng minh, chỉ mang tính học thuộc nên thí sinh chỉ cần nêu sự kiện là được điểm.

 

Cười ra nước mắt

 

Qua bài thi LS có thể thấy kiến thức lịch sử và kiến thức về văn hoá, xã hội, địa lý... của thí sinh nói chung rất kém. Đây là nhận xét của phần lớn những người chấm thi.

 

Có thí sinh không biết sông Hiền Lương ở đâu; có thí sinh viết một cách hào hùng về trận “Điện Biên Phủ trên không” diễn ra ở... Điện Biên; Nhật đã thành lập chính phủ... Trần Bình Trọng còn trận Phay Khắt Nà Ngần của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là ở... Lào.

 

Ngoài ra, nhầm lẫn về nhân vật và địa danh cũng là lỗi thí sinh thường mắc. Có thí sinh viết một cách hồn nhiên rằng: VN giúp Lào đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn-Pốt; Lào tuyên bố độc lập do Xi-ha-núc làm Chủ tịch; Hòa thượng Thích Quảng Đức thắt cổ tự tử ở Ngã Tư Sở...

 

Còn diện thí sinh làm thơ ca hò vè vào bài thi thì nhiều “vô thiên lủng”. Có những thí sinh còn tâm sự về hoàn cảnh gia đình, miêu tả chi tiết ông bố vũ phu, vô trách nhiệm, miêu tả ấn tượng của mình khi bị ông tát...; có thí sinh dành giấy mực và mấy tiếng đồng hồ để miêu tả tâm trạng choáng váng khi bị người yêu phản bội (!)

 

Một vị GS cho biết, có rất nhiều thí sinh không làm được bài xin điểm. “Thư xin điểm” gửi cho giám thị cũng nhiều: có thí sinh không xin điểm cao, chỉ xin 2 điểm để gỡ danh dự; có thí sinh lại “dũng cảm”: các thầy cô cứ mạnh tay cho em 0 điểm, rồi hứa hẹn về nhà sẽ học hành tử tế, hẹn gặp lại các thầy cô vào năm sau, ở trường thi này...

 

Nỗi đau người thầy

 

“Lúc đầu thấy bài kém và ngô nghê còn cười được, sau thì thấy đau. Chương trình giảng dạy vẫn thế, giáo viên vẫn thế, học sinh cũng vậy nhưng vì sao bây giờ chúng ta mới biết được sự thật đau lòng này?” - GS N. (ĐHKH XH & NV) thở than. “Đây chỉ là sự bộc lộ sự thật sau một quá trình coi thi nghiêm túc hơn, chấm thi đúng quy trình hơn, khi thí sinh không thể quay cóp, việc chấm thi cũng chậm và cẩn thận hơn rất nhiều”.

 

Điều ngạc nhiên là điểm Sử phổ thông lại rất cao. “Phải chăng là do quay cóp, dễ dãi, đến nay làm nghiêm túc mới bộc lộ?” - GS N. đặt vấn đề.

 

Nếu ở phổ thông mà dạy và học LS  theo kiểu này thì vô cùng nguy hiểm! Định hướng thi cử hiện nay cũng tác động đến HS: từ đầu năm học đến giữa học kỳ người ta nín thở xem có thi tốt nghiệp môn LS không; những môn “chính” thì tập trung vào dạy - học, những môn “phụ” thì dạy cầm chừng.

 

Tiến sỹ V. bày tỏ: “Công dân một đất nước phải dựa trên nền tảng LS  dân tộc mình mà đứng. Một dân tộc không thể phát triển trên nền tảng văn hoá lịch sử ngoại lai. Đã đến lúc phải báo động về vấn đề dạy và học LS ở trường phổ thông”.

 

Còn PGS TS Ngô Đăng Tri, Phó chủ nhiệm khoa Lịch sử, phụ trách chấm thi môn LS ở cả 3 trường ĐH kể trên kể về nỗi đau của các thầy là việc coi và dạy dỗ môn LS trong hệ thống giáo dục chưa đúng tầm; việc giáo dục truyền thống, LS của đất nước, của dân tộc cho công dân chưa đủ.

 

Các thầy đặt câu hỏi: Trong hội nhập ngày nay, nếu thiếu đi niềm tự hào dân tộc con người ta sẽ thiếu đi phẩm chất để đối phó, thiếu bản lĩnh để phấn đấu vì sự phồn thịnh của đất nước của dân tộc.

 

Đâu là giải pháp?

 

“Hiện nay giảng dạy và học môn LS phổ biến là thầy đọc... thầy nghe, vì học trò xem LS là môn “phụ” nên ngồi chép”, ông Vũ Quang Hiển thẳng thừng nói. Ông ngạc nhiên khi biết thông tin rằng có bạn đọc phản ánh là học sinh lớp 4 của ta đã phải cọ xát với kiểu đề thi: Em hãy cho biết sự khác nhau giữa nền giáo dục thời Lý Trần và thời Lê (đáp án là giáo dục thời Lý Trần chú trọng tới Phật giáo còn thời Lê chú trọng tới Nho giáo).

 

Theo ông, với môn LS ở một nước như Hàn Quốc thôi, kiến thức đã đến với học sinh bằng nhiều kênh thông tin khác nhau nên HS am hiểu và nắm được LS rất tốt. Trẻ em nước bạn có thể học LS qua các truyện tranh, phim ảnh. Trong khi đó, các kênh thông tin này của ta ít và không bài bản, không có hệ thống.

 

Trong bối cảnh hội nhập, nhiều quốc gia đang quảng bá mạnh mẽ không chỉ kinh tế mà còn giá trị tinh thần, văn hoá, lịch sử đất nước. Vì vậy, hãy coi việc giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống dân tộc và lịch sử không phải là chuyện để thi cử mà là để giáo dục phẩm chất tối thiểu cần thiết đối với một công dân.

 

Để làm được điều đó phải có giải pháp mang tính đồng bộ: các môn học phải được đối xử bình đẳng, không nên phân biệt môn chính, môn phụ (đặc biệt trong lúc chúng ta đang kêu gọi một nền giáo dục toàn diện). Tư tưởng phân biệt này không chỉ có ở HS mà xuất hiện ngay trong đầu các nhà quản lý ngành, trường học, giáo viên,…

 

Tìm cách đưa LS của dân tộc vào máu thịt công dân bằng nhiều kênh thông tin chính là giải pháp hữu hiệu nhất. Đó là ý kiến chung của các thầy đang ngày đêm tâm huyết với việc truyền niềm tự hào của một dân tộc tới lớp lớp thế hệ trẻ, những người chủ tương lai của đất nước. Mong rằng ngành GD-ĐT sẽ xem xét một cách nghiêm túc về vấn đề này.

 

Theo Hồ Thu

 Tiền phong