Giáo dục là một “quá trình” không phải là một “cuộc đua”

“ Giáo dục là một “quá trình” không phải là một “cuộc đua”. Mỗi trẻ có những thời điểm phát triển và tốc độ phát triển khác nhau. Chúng tôi luôn coi mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt và tôn trọng sự khác biệt ở mỗi trẻ” - Đó là triết lý giáo dục của Trường Mầm non Harvard Nhỏ - Hà Nội.

Nhà giáo Nguyễn Thị Hiếu, Hiệu trưởng trường Mầm non Harvard Nhỏ - Hà Nội chia sẻ quan điểm của nhà trường là không tạo áp lực cho trẻ phải đạt các chỉ tiêu phát triển hay thành tích, và không chú trọng truyền đạt “kiến thức” mà coi trọng việc phát triển các kỹ năng tư duy, kỹ năng học tập và nghiên cứu cho trẻ.

Thiết kế chương trình với bản sắc riêng

Hiệu trưởng - Nhà giáo Nguyễn Thị Hiếu cho biết, trường Mầm non Harvard Nhỏ áp dụng Chương trình giáo dục Đa nền tảng, chú trọng đến 3 nền tảng chủ yếu tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển toàn diện của trẻ là Thể chất, Phẩm chất và Kỹ năng (kỹ năng tư duy và kỹ năng xã hội).

Giáo dục là một “quá trình” không phải là một “cuộc đua” - 1

Học sinh phát triển kỹ năng tư duy qua các giờ học thực hành

Chương trình giáo dục Đa nền tảng của trường Mầm non Harvard Nhỏ được phát triển trên nền tảng Chương trình khung Giáo dục mầm non Việt Nam, nhưng được định hướng và thiết kế lại theo triết lý và các phương pháp giáo dục hiện đại đang được áp dụng tại Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội - UNIS Hanoi (United Nations International School of Hanoi).

Chương trình được xây dựng và hỗ trợ triển khai bởi đội ngũ chuyên gia giáo dục giàu kinh nghiệm với chuyên gia phát triển chương trình từ trường UNIS Hanoi, có 16 năm kinh nghiệm công tác tại UNIS Hanoi và 10 năm kinh nghiệm quản lý Chương trình Hỗ trợ Giáo dục Mầm non Hà Nội do UNIS Hanoi tài trợ.

Do đó, các đặc điểm nổi bật của Chương trình giáo dục tại Harvard Nhỏ là Chương trình mang tính mở: được thiết kế linh hoạt, xuất phát từ nhu cầu, sự hứng thú và phù hợp với vốn kinh nghiệm cá nhân của trẻ. Đồng thời, cho phép trẻ đưa ra các ý tưởng, các quan điểm cá nhân; tạo cơ hội cho trẻ thử nghiệm và đưa ra các kết luận của riêng mình; cho phép trẻ thể hiện suy nghĩ của mình bằng nhiều cách khác nhau….

Giáo dục là một “quá trình” không phải là một “cuộc đua” - 2

Giáo dục là một “quá trình” không phải là một “cuộc đua” - 3

Sự tự tin sẽ giúp trẻ phát triển khả năng tư duy sáng tạo của mình

Sử dụng nghệ thuật là phương tiện học tập

Nhà giáo Nguyễn Thị Hiếu cho biết, nhà trường sử dụng các loại hình Nghệ thuật (mỹ thuật, âm nhạc, múa, kịch …) như một “phương tiện học tập” nhằm phát triển tư duy và khả năng sáng tạo, phát triển cảm xúc, phát triển khả năng ngôn ngữ của trẻ. Vì vậy, nhà trường luôn nỗ lực đưa giáo dục nghệ thuật ở cấp độ chuẩn mực với các giáo viên chuyên biệt được đào tạo đúng chuyên ngành vào chương trình chính khoá. Kế hoạch hợp tác giữa trường Mầm non Harvard Nhỏ và Học viện Âm nhạc Young Hit Young Beat trong năm học tới chính là một nỗ lực gần đây nhất của nhà trường trong việc theo đuổi định hướng này.

Giáo dục là một “quá trình” không phải là một “cuộc đua” - 4

Ở trường, trẻ được học thông qua các phương pháp dạy và học tích cực.

Phương pháp Kích thích tư duy (Inquiry Based Learning): nhấn mạnh vào việc trẻ chủ động tìm hiểu vấn đề thông qua các trải nghiệm thực tiễn và tự giải nghĩa, tự xây dựng vốn hiểu biết cho bản thân. Phương pháp này cũng phát triển tính độc lập ở trẻ để trẻ mạnh dạn thử cái mới trong quá trình học tập mà không sợ sai.

Giáo dục là một “quá trình” không phải là một “cuộc đua” - 5

Phương pháp Tư duy hữu hình (Visible Thinking): khuyến khích trẻ thể hiện các kiểu tư duy khác nhau thông qua chuỗi các thói quen tư duy, để trẻ có khả năng biểu đạt suy nghĩ, ý tưởng của mình trở thành lời nói, hành động hoặc sản phẩm cụ thể. Dựa vào đó trẻ sẽ có năng lực đặt câu hỏi nghiên cứu, có định hướng giải quyết vấn đề, liên hệ giữa cái mới và cũ, có kỹ năng phản biện, tìm tòi, khám phá để không ngừng nâng cao hiểu biết và kinh nghiệm lên một trình độ cao hơn.

Giáo dục là một “quá trình” không phải là một “cuộc đua” - 6

Ngoài ra, nhà trường còn áp dụng linh hoạt, tổng hợp các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực khác như Bàn tay nặn bột, Dạy học theo dự án, Regio Emilia… để tạo ra môi trường học tập đa trí tuệ hiệu quả tương ứng với mỗi loại hình trí thông minh theo Thuyết đa trí tuệ của Howard Gardner.

Tạo môi trường ngôn ngữ cho trẻ

Nhà giáo Nguyễn Thị Hiếu cho biết, 70% vốn ngôn ngữ sử dụng hàng ngày của trẻ được phát triển trong giai đoạn 6 năm đầu tiên của cuộc đời. Đây là giai đoạn vàng để phát triển ngôn ngữ của trẻ. Chính vì vậy, chương trình tiếng Anh tại Trường mầm non Harvard Nhỏ giúp trẻ từ độ tuổi rất nhỏ có cơ hội đắm mình trong môi trường Anh ngữ như môi trường tiếng mẹ đẻ thứ 2 với sự giúp đỡ của các giáo viên bản ngữ nói tiếng Anh.

Trường mầm non Harvard Nhỏ áp dụng cả hai quan điểm dạy tiếng Anh và dạy bằng tiếng Anh. Với mỗi quan điểm này sẽ có chương trình và phương pháp dạy học khác nhau:

Dạy tiếng Anh (lớp tiếng Anh tăng cường): trẻ được tiếp xúc với tiếng Anh như một môn học qua các giờ học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, thời lượng 3 tiết/tuần.

Dạy bằng tiếng Anh (lớp song ngữ Anh-Việt): trẻ được học tập và sinh hoạt hoàn toàn trong môi trường tiếng Anh, lĩnh hội nội dung giáo dục bằng tiếng Anh, thông qua tiếng Anh với giáo viên bản ngữ, thời lượng 5 buổi/tuần.

Giáo dục là một “quá trình” không phải là một “cuộc đua” - 7

Điểm sáng của giáo dục mầm non Hà Nội

Hiệu trưởng – Nhà giáo Nguyễn Thị Hiếu cho hay, với chương trình hỗ trợ cho trẻ 5 tuổi hình thành và phát triển các kỹ năng tư duy, nhà trường đã giúp trẻ tự tin, đáp ứng được yêu cầu kiểm tra đầu vào khắt khe của các trường tiểu học chất lượng cao.

Đối với đội ngũ giáo viên, khi vào trường, các giáo viên sẽ được tham gia các khóa đào tạo chuyên môn, đào tạo kĩ năng làm chủ nhiệm lớp; văn hóa – quan điểm giáo dục – định hướng giáo dục của trường, các phương pháp dạy học tiên tiến… Ban giám hiệu nhà trường còn tạo điều kiện để giáo viên có thể tham gia các buổi trao đổi về những kiến thức chuyên môn, phương pháp, cách xử lí các tình huống sư phạm.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiếu cho biết, nhà trường liên tục theo dõi và đánh giá sự phát triển của trẻ thông qua một loạt các biện pháp và công cụ đánh giá. Việc đánh giá thường xuyên giúp giáo viên điều chỉnh nội dung và các hoạt động cho phù hợp đối với mỗi trẻ để trẻ có thể phát triển tốt nhất. Đây là cách tiếp cận theo quan điểm giáo dục hiện đại, chú trọng đến cả quá trình và kết quả.

Theo bà Nguyễn Thị Hiếu, những đứa trẻ khoẻ mạnh, tự tin, thân thiện, biết yêu thương, biết tôn trọng, có tư duy sáng tạo, có kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, có khả năng hợp tác của ngày hôm nay, sẽ có cơ hội cao nhất để trở thành những con người sống hạnh phúc và có ích cho xã hội mai sau.