Rầm rộ thị trường mua – bán bài báo quốc tế

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Chia sẻ với PV Dân trí, một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH cho biết, trong khoảng 2-3 năm gần đây đã xuất hiện “thị trường mua – bán” bài báo quốc tế, mà bản thân ông đã được “mời chào” vài lần.

Sau khi Dân trí đưa tin về “ Một ứng viên giáo sư trường ĐH Kinh tế quốc dân: Năm 2020 có 27 bài báo quốc tế ” và “ Công bố quốc tế tăng vọt của ứng viên giáo sư: Liệu chất lượng có đảm bảo? ”, nhiều nhà khoa học đã chia sẻ thêm với phóng viên Dân trí về hiện nay có tình trạng mua - bán bài báo quốc tế.

Quảng cáo rầm rộ

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học Xã hội cho biết, trong khoảng 2-3 năm gần đây đã xuất hiện  “thị trường mua – bán” bài báo quốc tế, mà bản thân ông đã được “mời chào” vài lần. “Có lần thì tôi nhận được email, nhưng gần đây còn thấy họ có cả trang web, Fanpage và chạy quảng cáo trên Facebook”.

Qua thông tin của nhà nghiên cứu này, chúng tôi đã vào được một website của một “đơn vị bán bài” như vậy với địa chỉ: https://thongke.club.

Tại đây, website này quảng cáo, họ là một “Dịch vụ hỗ trợ đăng bài báo quốc tế đạt chuẩn ISI – Scopus” với chi phí rất chi tiết:

Với bài báo thuộc nhóm Q4 trong danh mục Scopus, chi phí sẽ là 30 triệu VND/bài và thời gian có bài là trong vòng 6 tháng.

Với bài báo ở mức độ khó hơn Q3, Q2, Q1 thì mức giá tăng dần lên 50 triệu VND, 100 triệu VND và 200 triệu VND.

Với các báo khó hơn, thời gian để bài được đăng cũng nâng dần lên 12 tháng, 24 tháng. Đơn vị này cũng ghi rõ, thông tin trên chỉ là tham khảo, “nếu các bạn có nhu cầu đăng bài báo quốc tế, các bạn đừng ngần ngại hãy liên hệ ngay với chúng tôi, để được tư vấn nhiều hơn”, kèm theo thông tin liên lạc chi tiết kèm theo như email, số điện thoại (tất nhiên không có địa chỉ và tên người nhận).

Rầm rộ thị trường mua – bán bài báo quốc tế - 1
Rầm rộ thị trường mua – bán bài báo quốc tế - 2
“Bảng giá” chi tiết kèm thời gian trả bài

Để tạo niềm tin cho “người mua”, đơn vị này cũng đăng thêm bên cạnh nhiều bài viết chuyên môn, để chứng tỏ “uy tín”, ví dụ như: “Mười mẹo đăng bài báo khoa học – mách bạn”, “thống kê ứng dụng trong nghiên cứu thú y”, “Phân biệt trung bình, trung vị, phân vị” ….

Rầm rộ thị trường mua – bán bài báo quốc tế - 3
Bài viết học thuật nhằm tạo niềm tin với “người mua”

Tổ chức bài bản

Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học Xã hội này nhận định, đây không thể là dịch vụ của một vài người được “vì họ quảng cáo có thể công bố các bài trên mọi lĩnh vực, từ khoa học tự nhiên, đến khoa học xã hội với tất cả các chuyên ngành hẹp”.

Để làm được bài báo ở nhiều ngành, lại có cả bài ở mức độ rất khó như bài thuộc nhóm Q1, thì đây “hẳn phải là một nhóm đông, liên ngành, có trình độ và có tổ chức” – vị này nhận định.

Qua tìm hiểu từ website của đơn vị này, cũng có thể thấy, nhận xét của nhà nghiên cứu Khoa học xã hội kể trên là hợp lý, bởi trong mục “Về chúng tôi”, đơn vị này đã tự giới thiệu là “nơi hội tụ các thành viên có am hiểu chuyên sâu về nghiên cứu định lượng và phương pháp nghiên cứu khoa học.

Với lực lượng đội ngũ nhân sự và cộng tác viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Lĩnh vực hoạt động chính của chúng tôi là về kinh tế, tài chính, marketing, quản lý, quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh, quản lý đất đai, y tế công cộng, giáo dục, vv….”

Rầm rộ thị trường mua – bán bài báo quốc tế - 4
Thông tin giới thiệu về dịch vụ mua bán bài báo quốc tế

Học mô hình nước ngoài

Trao đổi phóng viên Dân trí về “mô hình dịch vụ” kể trên, một Phó giáo sư khác thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên cho biết, ông cũng không lạ khi thấy Việt Nam cũng bắt đầu xuất hiện những hình thức vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp này.

Vị PGS này cho biết, những “dịch vụ” tương tự, cũng đã xuất hiện nhiều ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển, mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia ….

Cùng với phóng viên Dân trí, vị PGS này đã thử trực tiếp tìm kiếm trên mạng xã hội, và không quá khó khăn để tìm ra các “dịch vụ” tương tự.

Ví dụ, một quảng cáo với số điện thoại liên lạc đầu số +91 (Ấn Độ), có lời chào mời rất hấp dẫn “Rõ ràng là việc đăng công bố của bạn nhanh hơn là việc bạn tự viết nó”.

Một quảng cáo khác có thiết kế bắt mắt và lời mời hấp dẫn không kém, dường như cũng đến từ Ấn Độ: “Bài báo bị từ chối, đừng lo lắng, chúng tôi ở đây để giúp bạn hoàn thiện chúng”.

Rầm rộ thị trường mua – bán bài báo quốc tế - 5
Một quảng cáo viết bài báo quốc tế thuê từ Ấn Độ
Rầm rộ thị trường mua – bán bài báo quốc tế - 6
Một quảng cáo viết bài báo quốc tế thuê từ Ấn Độ

Khó kiểm soát

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, cả 2 nhà nghiên cứu thuộc lĩnh vực Khoa học Xã hội và Khoa học Tự nhiên đều nhận định rất khó kiểm soát những “dịch vụ kiểu như thế này”.

“Bởi nếu ta có thể dẹp nó ở Việt Nam thì người ta sẽ lại mua nó từ nước ngoài. Mà mua ở Ấn Độ không được, người ta lại mua từ Trung Quốc” – PGS trong lĩnh vực Khoa học Tự nhiên cho biết.

Tuy vậy, cả 2 nhà nghiên cứu đều đồng tình với việc, giải pháp tốt nhất để ngăn chặn hiện tượng mua – bán này là sự công tâm, khách quan và năng lực của Hội đồng Giáo sư từ cơ sở đến Hội đồng Giáo sư ngành và Nhà nước.

Những Hội đồng này có vai trò gác cổng, ngăn chặn những nhà khoa học “dỏm”, sẵn sàng mua bài để chen chân và leo cao trong con đường học thuật.