Bộ GD&ĐT nói gì về việc dừng dạy văn hóa trong trường nghề gây khó học sinh

Nhật Hồng Đình Cường

(Dân trí) - Ngày 29/3, Bộ GD&ĐT đã lên tiếng về việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT và Chương trình Giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT kết hợp với dạy nghề cho HS tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS).

Bộ GDĐT nói gì về việc dừng dạy văn hóa trong trường nghề gây khó học sinh - 1

Hơn 300.000 học sinh gặp "khó"

Như Dân trí đã đưa tin, hiện cả nước có hơn 300.000 học sinh THPT đang vừa học văn hóa, vừa học nghề. Thay vì phải kéo dài thời gian học tập với 3 năm THPT và 2 - 4 năm cao đẳng hay đại học thì chỉ sau 3 năm vừa học văn hóa, vừa học nghề, các em có thể bước chân vào thị trường lao động với đầy đủ kỹ năng của người thợ trình độ trung cấp.

Việc dạy văn hóa trong các cơ sở GDNN đang được thực hiện ổn định, thuận lợi cho học sinh học văn hóa và học nghề ngay tại trường nghề thì nay Bộ GD&ĐT qui định việc học văn hóa phải chuyển về các Trung tâm GDTX, trong khi hệ thống này hiện nơi đã sát nhập, nơi giải thể và nhiều trung tâm cơ sở vật chất không đảm bảo, năng lực quản lý yếu kém.

Mặt khác, học sinh vừa tốt nghiệp lớp 9 vào học tại các cơ sở GDNN có thể lực còn nhỏ, tâm sinh lý chưa trưởng thành lại phải di chuyển giữa hai trung tâm để hoàn thành việc học nghề và văn hóa song song vừa bất tiện và nguy cơ không đảm bảo về an toàn giao thông (tại các địa phương, trung tâm giáo dục thường xuyên thường cách xa trường nghề).

Với quan điểm đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu và gần đây nhất là Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép các trường trung cấp, cao đẳng đủ điều kiện được dạy văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề hệ trung cấp.

Tuy nhiên đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành được quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN theo quy định của Luật Giáo dục.

Việc đặt quyền lợi của học sinh đang theo hệ đào tạo 9+ là quan trọng nhất và cần có sự linh hoạt để không thiệt thòi cho các em, ảnh hưởng đến việc đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và tay nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ GD&ĐT đang soạn thảo Thông tư?

Trước vấn đề trên, trả lời phóng viên Dân trí, ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên - Bộ GD&ĐT cho biết, Luật Giáo dục 2005, Luật Giáo dục sửa đổi 2009 và Luật Dạy nghề 2006 đã có quy định: Giáo dục nghề nghiệp gồm có Trung cấp chuyên nghiệp và Dạy nghề, trong đó dạy nghề có 3 trình độ là sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề;   

Giáo dục đại học gồm các trình độ cao đẳng, đại học, thạc sỹ và tiến sỹ; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chương trình khung về đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp; Cơ quản lý nhà nước về dạy nghề quy định chương trình khung cho từng trình độ đào tạo nghề.

Chương trình khung về đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã có  quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho đối tượng học sinh có bằng tốt nghiệp THCS vào học trình độ Trung cấp chuyên nghiệp.

Ông Minh giải thích, Luật giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội ban hành năm 2014 và có hiệu lực từ 01/7/2015. Tại khoản 4 Điều 33 Luật giáo dục nghề nghiệp có quy định: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng.

Mặc dù Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực từ 01/7/2015, nhưng để đảm bảo phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới đang được xây dựng trong giai đoạn 2015-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có đủ cơ sở khoa học để ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng.

Ngày 23/6/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 2691/BGDĐT-GDĐH về việc phối hợp một số hoạt động trong giáo dục nghề nghiệp, theo đó tại mục 3 của Công văn đã hướng dẫn: "cho phép các trường cao đẳng, trung cấp tổ chức giảng dạy và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT (theo quy định tại Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT về chương trình khung Trung cấp chuyên nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo) mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng.

Theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho đối tượng học sinh có bằng tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sau khi đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được người đứng đầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

 Giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT được sử dụng để theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

"Việc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học phải tích lũy để học trình độ cao đẳng, căn cứ chương trình giáo dục phổ thông mới đã ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang soạn thảo Thông tư Quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Dự kiến Thông tư này sẽ ban hành trong năm 2021 để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện việc dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS vào học trình độ trung cấp có nguyện vọng học lên trình độ cao đẳng theo đúng quy định của Pháp luật" - ông Minh nói. 

Bộ GDĐT nói gì về việc dừng dạy văn hóa trong trường nghề gây khó học sinh - 2

Ông Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên - Bộ GD&ĐT

Tổ chức giảng dạy Chương trình GDTX cấp THPT trong các trường nghề ra sao?

Về việc tổ chức dạy giảng dạy Chương trình GDTX cấp THPT trong các trường trung cấp và cao đẳng để cấp bằng tốt nghiệp THPT (Chương trình văn hóa 7 môn bắt buộc và 2-3 môn khuyến khích), ông Hoàng Đức Minh cho biết, theo quy định tại Luật Giáo dục 2019, Chương trình GDTX cấp THPT là chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân.

Người học học hết Chương trình GDTX cấp THPT đủ điều kiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, nếu đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp THPT;

Trường hợp người học không dự thi tốt nghiệp THPT hoặc thi không đạt yêu cầu thì người đứng đầu trung tâm GDTX cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Ông Minh cho rằng, quy định tại Luật Giáo dục 2019, chỉ có trung tâm GDTX là cơ sở giáo dục duy nhất có chức năng, nhiệm vụ thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều năm nay đã ban hành các văn bản chỉ đạo và hướng dẫn về việc phối hợp giữa các trung tâm GDTX và các trường trung cấp, cao đẳng để thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhu cầu học tập của người dân.

Thực tế, tại các địa phương phần lớn các cơ sở giáo dục đã và đang thực hiện thực hiện Chương trình GDTX cấp THPT theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo này.