Giáo dục gặp khó khi những hiện tượng như Khá “bảnh” được “tâng bốc”

(Dân trí) - Thời đại 4.0 mang đến những cơ hội nhưng cũng kéo theo trào lưu, những giá trị "loạn chuẩn" như hiện tưởng Khá 'bảnh" được tâng bốc chính là thách thức của văn hóa và giáo dục.

Tọa đàm "Giải pháp giáo dục nào cho thời loạn chuẩn" do Viện Giáo dục IRED tổ chức tại TPHCM ngày 22/5 đã chỉ ra những thực trạng và thách thức của giáo dục trong thời đại công nghệ. 

Tại đây, nhiều nhà giáo, phụ huynh không giấu được sự hoang mang, lo lắng khi giáo dục con trẻ trước sự thay đổi chóng mặt đến choáng ngợp của đời sống xã hội, những mặt trái được phô bày, phanh phui với hàng loạt sự việc. 

Giáo dục gặp khó khi những hiện tượng như Khá “bảnh” được “tâng bốc” - 1

Phụ huynh và nhà giáo mang những hoang mang, lo lắng trong giáo dục trẻ

Hàng loạt sự việc được nhắc đến như gian lận thi cử ở Hà Giang, chuyện thỉnh vong ở chùa Ba Vàng ở Quảng Ninh, hãm hiếp bạn học ở Quảng Trị, chuyện học sinh đánh bạn dã man ở Hưng Yên, rồi chuyện “giang hồ mạng” Khá "bảnh", hiện tượng Phúc XO được tâng bốc, tung hô... 

Đây là những sự việc không "che đậy" được con trẻ và phải dạy trẻ ứng xử, nhìn nhận thế nào là một bài toán khó đối với mỗi bậc làm che mẹ và nhà giáo. 

Nhà giáo dục Giản Tư Trung cho biết, chính ông và những người cùng thế hệ từng "hoảng" trước hiện tượng người trẻ bỏ thi đi đón thần tượng, hôn ghế thần tượng... 

Ông đánh giá hàng loạt sự việc, hiện tượng tiêu cực, bạo hành xảy ra trong thời gian qua đó là sự "loạn chuẩn". Thời đại 4.0 chúng ta nhắc đến nhiều khía cạnh công nghệ, kinh tế, chính trị nhưng khía cạnh văn hóa, giáo dục lại ít được đề cập dù đó là vấn đề cha mẹ, thầy cô quan tâm nhất. Có thể nói văn hóa, giáo dục đã không theo kịp để "ứng biến" với thời đại. 

Trong cơn “cuồng phong” biến động đó của thời đại, mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, nhiều niềm tin bị đổ vỡ. Điều này khiến con người ta trở nên hoang mang, không rõ đâu là đúng - sai, phải - trái, chân - giả, thiện - ác, chính - tà...

Học cách sống đàng hoàng với thời đại 

Nhà giáo dục Giản Tư Trung thừa nhận, chưa bao giờ, chưa có thời đại nào mà cha mẹ và thầy cô lại gặp nhiều thách thức trong việc dạy giáo dục trẻ như hiện nay.

Chúng ta phải dạy con, dạy trò sống thế nào trong bối cảnh nêu trên? Làm sao để giúp các bạn trẻ phát triển đủ nhanh nhạy để theo kịp thời đại, đủ tỉnh táo để không “loạn chuẩn” và đủ vững vàng để góp phần kiến tạo những chuẩn mực mới cho chính mình và xã hội? Đây không chỉ là câu hỏi của mỗi gia đình, nhà trường mà là câu hỏi mang tính thời đại. 

Giáo dục gặp khó khi những hiện tượng như Khá “bảnh” được “tâng bốc” - 2

Nhà giáo dục Giản Tư Trung cho rằng mỗi người phải học cách sống đàng hoàng với thời đại

Con trẻ đang gặp những ngộ nhận hết sức nguy hiểm, giữa tự do và hoang dã, giữa chân thật và trơ trẽn, giữa cá tính và quái tính, giữa hãy là chính mình (be myself) với suy nghĩ  "tôi là trên hết" (me first) của sự ích kỷ... Và vai trò, trách nhiệm của phụ huynh, người thầy làm làm sao giúp con trẻ định hình bản thân theo hướng tích cực. 

"Bố mẹ hãy sống lương thiện và chăm chỉ, thì sẽ không lo con lạc lối", ông Giản Tư Trung

Theo ông Trung, chúng ta không nên nhìn xã hội bằng “màu đen”, cũng không nên tô bằng “màu hồng”, mà hãy tập cách nhìn bằng “màu đúng” của nó. Chỉ khi ta nhìn xã hội bằng tư duy thì ta mới có thể biết phải làm gì với nó và sống đàng hoàng với nó.

Đối với mỗi người bố, người mẹ, ông Giản Tư Trung cho rằng không phải là "dạy" mà là "sống". Bố mẹ hãy sống lương thiện và chăm chỉ thì sẽ không lo con lạc lối. 

Giải pháp ở quy mô rộng hơn được đặt ra là gia đình và nhà trường cần hướng đến một nền giáo dục khai phóng (bao gồm khai minh và khai tâm) với các câu hỏi: "Tại sao phải học và học để làm gì", "Học gì để đạt được mục tiêu đó" và "Học như thế nào". 

Hoài Nam