Giảng viên, Đại sứ nghề Đỗ Công Nguyên: "Muốn hơn người phải khổ hơn người"

Lệ Thu

(Dân trí) - Đại sứ nghề Đỗ Công Nguyên nhấn mạnh, để có công việc tốt, vị trí cao, khẳng định được bản thân bạn trẻ cần nghiêm túc, có mục tiêu rõ ràng, không ngại khó, ngại khổ, sai làm lại, thất bại đứng lên.

Có nhiều con đường khác nhau để đi đến thành công

Khi Đỗ Công Nguyên tốt nghiệp cấp 3 (năm 2000), điều kiện hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn (làm nông nghiệp thuần túy, chị gái đang học đại học) nên  anh tạm gác việc học lên tiếp mà quyết định đi làm kiếm tiền hỗ trợ gia đình.

"Khi đó (năm 2001), mình quyết định Nam tiến để lập nghiệp. Trong hai năm ở trong Miền Nam - miền đất hứa, mình đã rất chật vật với việc tìm kiếm việc làm, hết đi nuôi tôm, xây dựng, làm thép, khuân vác, in quần áo,... nhưng cũng chỉ đủ tiền chi tiêu và dành dụm được chút ít vì là lao động phổ thông, không được đào tạo bài bản", anh Nguyên nhớ lại.

Giảng viên, Đại sứ nghề Đỗ Công Nguyên: Muốn hơn người phải khổ hơn người - 1

Giảng viên kiêm đầu bếp Đỗ Công Nguyên (áo xanh, giữa) được tôn vinh một trong các Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam. 

Trong quá trình làm việc, Công Nguyên luôn trăn trở suy nghĩ về hiệu quả công việc, kỹ năng làm việc, tính chuyên nghiệp, hiểu biết về nghề... Muốn vậy, phải được học, được đào tạo bài bản. Và anh hiểu, đã đến lúc mình phải học nghề một cách bài bản, nghiêm túc qua trường lớp.

Năm 2002, anh trở về miền Bắc để tìm cho mình một ngôi trường theo học. Cùng thời điểm này chị gái anh đã tốt nghiệp đại học, hoàn cảnh gia đình cũng bớt khó khăn hơn. Công Nguyên lựa chọn học nghề nấu ăn tại trường Trung học nghiệp vụ Du lịch Hà Nội (nay là trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội).

Nói về lý do đến với nghề đầu bếp, anh Nguyên đáp: "Sau một thời gian suy nghĩ, tìm hiểu về nhu cầu xã hội, khả năng, thế mạnh của bản thân (chịu khó, tỷ mỉ, hay nấu ăn ở gia đình, sáng tạo món ăn) và tư vấn của người đi trước,... mình đã lựa chọn nghề bếp.

Ngay lúc đó, mình tâm niệm rằng, có nhiều con đường khác nhau để đi đến thành công. Có thể học đại học, học cao đẳng, trung cấp, sơ cấp,… miễn là khi học thì học nghiêm túc, chăm chỉ, chịu khó, học đi đôi với hành và học mọi lúc, mọi nơi. Còn khi nào có điều kiện, mình sẽ học cao hơn để nâng cao trình độ, học quản lý, điều hành...".

Khi xác định học nghề bếp, tiếp xúc với công việc (thực phẩm, món ăn, đi chợ, chặt thái...) Công Nguyên thấy mỗi ngày trôi qua mình thêm yêu nghề và tự nhủ với bản thân: Phải yêu nghề như yêu mình, phải làm cho nó (nghề bếp) ngấm vào máu, chảy trong tim để rồi đam mê nghề bếp của anh ngày một nhiều.

Khi lần đầu được vinh danh là Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam năm 2020, anh Công Nguyên đã tích cực tham gia các hoạt động nghề nghiệp của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) như các hội nghị, hội thảo, tham gia trong ban chuyên gia nghề nấu ăn.

Ngoài ra, anh thường xuyên có những trao đổi, chia sẻ với các em học sinh, sinh viên về tầm quan trọng của nghề, ý thức đối với nghề, nâng tầm kỹ năng nghề và luôn động viên, kết nối với các doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các bạn sinh viên có cơ hội tiếp cận với thực tế, nhằm nâng cao trình độ của các em sinh viên.

Giảng viên, Đại sứ nghề Đỗ Công Nguyên: Muốn hơn người phải khổ hơn người - 2

Đỗ Công Nguyên lần đầu được vinh danh là Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam năm 2020.

Mức lương khởi điểm 700.000 đồng/tháng

Khi học tại trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, Công Nguyên được nhà trường cử đi thực tập cuối khóa tại khách sạn (Khách sạn Hilton Hanoi Opera). Xác định đây là cơ hội rất tốt để tiếp cận thực tế, hỏi học các đầu bếp giỏi và thể hiện khả năng của bản thân, trong quá trình thực tập Nguyên đã rất nỗ lực, cố gắng, chịu khó và nghiêm túc.

"Trong thời gian này, mình đã được khách sạn ký hợp đồng học việc, rồi hợp đồng thử việc cho đến hợp đồng chính thức. Ngoài ra, ngoài việc công việc ở khách sạn, mình cũng đi học, đi làm thêm ở bên ngoài để nâng cao trình độ, hiểu biết như đi rửa bát cho một nhà máy ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), làm phục vụ cho tiệc cưới, hoặc đi chở thực phẩm (các công việc này vừa để học hỏi thêm kiến thức, kiếm thêm thu nhập và tìm kiếm cơ hội tốt hơn)", anh chia sẻ.

Chính nhờ tinh thần nghiêm túc, chăm chỉ học hỏi mọi lúc mọi nơi, ra trường Công Nguyên tìm thấy nhiều cơ hội việc làm (về khách sạn, nhà hàng, công ty dịch vụ ăn uống...). Trong khi đó, một số bạn bè cùng lớp của anh cũng khá khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, thậm chí phải "rẽ" sang một công việc khác.

Mức lương thời điểm đó Công Nguyên nhận là 700.000 đồng/tháng và tăng dần lên 940.000 đồng/tháng, còn nếu đi làm thêm bên ngoài thì 45.000 đồng/ngày.

Công Nguyên cho rằng, mức lương đó cũng xứng đáng cho vị trí công việc và công sức của anh bỏ ra: "Nếu so với các đầu bếp lâu năm thì có thể là thấp, nhưng mình nghĩ, với một người mới ra trường, kiến thức còn hạn chế, kinh nghiệm tích lũy chưa nhiều thì mức thu nhập đó với cá nhân mình là chấp nhận được.

Quan trọng với mình đó là cơ hội để mình học tập, tiếp cận thực tế và trải nghiệm bản thân để nâng tầm kỹ năng của mình lên tầm cao. Thực tế mình đã có cơ hội để học hỏi các đầu bếp chuyên nghiệp, các kiến thức rộng lớn của nghề - đó với là "mức lương" mà mình mong muốn nhất".

Anh thực tập và làm ở khách sạn Hilton Hanoi Opera từ năm 2002 đến 2009. Trong quá trình làm việc, Công Nguyên thăng tiến dần dẫn từ thực tập sinh, đến hợp đồng giúp việc, hợp đồng đào tạo và nhân viên chính thức cấp 3, sau đó tăng lên cấp 2. Trong quá trình làm việc tại khách sạn, Công Nguyên có cơ hội được đi học tập tại Nhật Bản.

Năm 2004, anh Nguyên vinh dự được tuyển thẳng vào đại học khi giành Huy chương Vàng trong Kỳ thi tay nghề quốc gia và Kỳ thi tay nghề ASEAN. Năm 2005, anh quyết định vừa đi làm vừa đi học đại học, theo đuổi chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp khách sạn du lịch của Trường ĐH Thương mại. 

Đến cuối năm 2009, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Nguyên tham gia thi và trúng tuyển làm giảng viên khoa Khách sạn - Du lịch của trường Đại học Thương mại.

Giảng viên, Đại sứ nghề Đỗ Công Nguyên: Muốn hơn người phải khổ hơn người - 3

Anh Nguyên hiện là giảng viên khoa Khách sạn - Du lịch của trường Đại học Thương mại.

Đại sứ nghề Đỗ Công Nguyên khẳng định: "Để việc có được công việc tốt, vị trí cao, khẳng định được bản thân... bạn trẻ cần có sự nghiêm túc ngay trong quá trình học. Cố gắng liên tục, học và làm việc có mục tiêu rõ ràng, học mọi lúc mọi nơi, không ngại khó, không ngại khổ, sai làm lại, thất bại đứng lên và không lùi bước".

Giảng viên, Đại sứ nghề Đỗ Công Nguyên: Muốn hơn người phải khổ hơn người - 4
Giảng viên Đỗ Công Nguyên có tay làm bếp "5 sao".

Tận dụng "thời gian vàng" của cuộc đời để học tập, làm việc

Anh Công Nguyên cho biết, thực ra hai công việc (giảng viên và đầu bếp) có mối quan hệ qua lại, hỗ trợ nhau rất tốt, đặc biệt đối với ngành Quản trị khách sạn mà anh đang giảng dạy. Kiến thức, trải nghiệm thực tế bên sẽ giúp cho bài giảng hay hơn, những ví dụ cũng sinh động hơn.

Việc đi làm đầu bếp bên ngoài cũng là cơ hội để anh học hỏi thêm, cập nhật kiến thức mới, xu hướng mới,… phục vụ cho công việc chính là giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Thương mại. Ngoài ra, kiến thức trên giảng đường cũng rất tốt cho công việc bên ngoài, trong phương pháp truyền tải kiến thức.

Tuy nhiên, việc bố trí sắp xếp phải khoa học để không làm ảnh hưởng tới công việc giảng dạy, dành sự ưu tiên cho công việc giáo viên và việc học tập để nâng cao trình độ, hoàn thiện bản thân để phục vụ cho sự nghiệp giáo dục.

Giảng viên, Đại sứ nghề Đỗ Công Nguyên: Muốn hơn người phải khổ hơn người - 5

Đến nay, giảng viên kiêm đầu bếp Công Nguyên đã đào tạo, dẫn dắt được nhiều học trò có được việc làm, chỗ đứng tại các nhà hàng, khách sạn hoặc làm chủ doanh nghiệp.

Với các bạn trẻ theo đuổi học nghề và muốn có được thành công, Đại sứ nghề Đỗ Công Nguyên nhắn gửi: "Các bạn trẻ khi đã xác định được nghề mình học, phải học thật nghiên túc, có mục tiêu rõ ràng, học đi đôi với hành, học mọi lúc mọi nơi. Hãy coi nghề mình theo học là nghề mình lập nghiệp, tiến thân.

Ngoài ra phải tìm ra phương pháp học, cách học phù hợp, phải luôn nhìn về phía trước để mà cố gắng, tận dụng "thời gian vàng" của cuộc đời để học, hãy tạo ra các nhóm học tập, cùng nhau phấn đấu. Ngoài học chuyên môn thì việc học ngoại ngữ, học giao tiếp, học cách ứng xử với không gian mạng, học cách thể hiện bản thân, học các ứng xử với môi trường xung quanh là rất quan trọng.

Hãy phải biết đứng dạy khi vấp ngã, phải học cách chịu trách nhiệm về hành động của mình và đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ".

"Muốn hơn người phải khổ hơn người", anh khẳng định.