Quảng Trị:

Gian nan chuyện dạy học vùng cao

(Dân trí) - Trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, các thầy vẫn “đồng cam, cộng khổ” để “gieo” chữ Bác Hồ cho trẻ em vùng cao, nơi mà học sinh chưa được tiếp cận với tiến bộ của khoa học, trình độ dân trí còn thấp, điều kiện đi lại hết sức gian nan.

Trong chuyến công tác lên các xã miền núi của huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, chúng tôi có dịp ghé thăm trường TH&THCS A Vao. Đây là ngôi trường được xếp vào nhóm khó khăn nhất của huyện Đakrông.

Cũng giống như bao điểm trường miền núi khác mà chúng tôi từng chứng kiến, thật khó có thể kể hết những vất vả mà giáo viên và học sinh nơi đây đã và đang trải qua: điều kiện học tập thiếu thốn, phòng học còn tạm bợ, xuống cấp, cơ sở vật chất phục vụ học tập chưa đáp ứng đủ, việc đi lại của các em học sinh rất trắc trở… Chính vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy và học của cả giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, bằng niềm tin và trách nhiệm của người đứng trên bục giảng, các thầy, cô đã cố gắng bám trường, bám lớp, miệt mài “gieo” con chữ cho các em, đẩy lùi “giặc dốt” và cố gắng đưa sự nghiệp giáo dục ở miền núi xích lại gần hơn với miền xuôi.

Gian nan chuyện dạy học vùng cao
Những ngôi trường chật chội, xuống cấp như thế này là nơi chắp cánh tương lai cho bao thế hệ học sinh vùng cao.

Thầy Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng Trường TH&THCS A Vao cho biết, do địa hình cách trở nên học sinh trên địa bàn phải đi bộ tới trường. Về mùa mưa phải có giáo viên, hoặc phụ huynh đưa đón, nếu không thì các em phải nghỉ học để đảm bảo an toàn. Ngoài điểm trường trung tâm còn có một số điểm trường lẻ khác ở Tân Đi 2, 3, Khe Chuông, Ro Ró 1, Ba Lin, Kỳ Nơi, A Sau. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất tại những điểm trường này cũng còn thiếu thốn khá nhiều. Phòng học vẫn còn chật chội, xuống cấp, nơi ăn chốn ở của giáo viên còn tạm bợ. Những năm qua, dù đã được cấp trên quan tâm trang cấp thêm một số trang thiết bị, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu dạy và học.

Giữa trưa nắng cháy bỏng rát, anh Hồ Văn Nô - Phó Bí thư xã đoàn A Vao dẫn chúng tôi men theo con suối Ba Lin để đến với bản Tân Đi 2. Hơn một giờ đi bộ, vượt qua nhiều ngọn núi cao, chúng tôi mới có mặt tại điểm trường lẻ đặt tại bản này. Thấy chúng tôi, thầy Hồ Văn Phùng nở nụ cười thân thiện rồi chia sẻ: “Các anh chưa quen địa hình vùng này mà dám lặn lội đường xa đến đây thì thật đáng quý. Điều kiện dạy và học ở đây còn vất vả, thiếu thốn nhiều lắm. Mùa nắng còn đỡ chứ về mùa mưa thì dường như bị cô lập hoàn toàn”.

Điểm trường Tân Đi 2 chỉ có 1,5 phòng và cũng đã xuống cấp nhiều, nửa phòng còn lại là nơi ăn nghỉ của giáo viên. Cũng như các vùng khác, trình độ dân trí của bà con ở đây còn thấp nên rất khó bắt kịp với miền xuôi. Hơn nữa là sự bất đồng về ngôn ngữ, để truyền đạt được kiến thức cho học trò, người đứng lớp cần phải biết 2 thứ tiếng. Em nào hiểu tiếng Việt thì thầy nói tiếng Việt, em nào chưa thạo thì phải truyền đạt bằng tiếng địa phương. Chính vì vậy, ngoài việc phân chia nhóm lớp theo trình độ, cũng phải phụ thuộc vào sự am hiểu của các em đối với ngôn ngữ đại chúng. Thành thử giáo viên cũng phải đa năng, cùng một lúc phải dạy cho nhiều đối tượng.

Thương học trò, thầy Phùng sẵn sàng ở lại và gắn bó với học sinh vùng cao.
Thương học trò, thầy Phùng sẵn sàng ở lại và gắn bó với học sinh vùng cao.

“Điểm trường Tân Đi 2 có 56 học sinh, ngoài những em có lực học nổi trội, tiếp thu được bài thì số còn lại vẫn còn chậm và phải phụ đạo nhiều. Đa phần các em khi lên lớp học, được giáo viên uốn nắn, chỉ bảo thì hiểu và giải được các bài tập đơn giản. Còn về đến nhà, do không được phụ huynh kèm cặp thêm nên kiến thức cũng “trả lại cho thầy” luôn, ngay cả việc đọc chữ cũng quên do ở nhà quen nói tiếng địa phương. Hôm sau lên lớp, thầy phải bắt tay giảng lại từ đầu. Đối với học sinh vùng cao, vận động được các em đến trường đã khó rồi, còn dạy cho các em biết đọc, biết viết, thông thạo tiếng Việt thì cần phải nỗ lực nhiều nữa” thầy Phùng, dạy lớp 1 nói.

Hơn 10 năm dạy học ở những địa bàn khó khăn nhất, thầy Phùng đã hy sinh niềm hạnh phúc riêng tư để miệt mài “cắm” bản dạy chữ cho học trò. Thầy tâm sự: “Cũng vì tình thương với học sinh, không muốn các em bị mù chữ rồi phải gắn bó với nương rẫy mà cái nghèo vẫn cứ đeo bám, nên tôi sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn để ở lại dạy chữ cho các em. Nhà mình ở cách đây hơn 100 km, vì vậy mọi việc đều phó thác cho vợ chăm lo, kể cả dạy dỗ con cái. Cũng vì trách nhiệm, tâm huyết với nghề nên bản thân tôi cũng tự nhủ phải nỗ lực nhiều hơn nữa”.

Ngoài các buổi học chính khóa, các thầy giáo tại đây phải tích cực dạy phụ đạo thì mới hy vọng các em nhớ được lâu, hiểu được bài. Buổi sáng, khi lớp 1 và lớp ghép 3+5 học chính khóa thì 2 lớp còn lại học phụ đạo. Trong phòng sinh hoạt của giáo viên, một góc nhỏ phía cửa sổ được các thầy kê 2 bàn xoay mặt vào nhau để các em ngồi học. Nhiều em không có chỗ thì ngồi lên giường ngủ của thầy. Lớp còn lại mượn một phần diện tích dôi dư của lớp mẫu giáo ngay cạnh để học. Cứ thế, một buổi chính khóa, một buổi phụ đạo, các thầy dìu dắt học trò dần vững bước trên con đường đến với tri thức. 

Thương học trò, thầy Phùng sẵn sàng ở lại và gắn bó với học sinh vùng cao.
Nhờ sự quan tâm, gần gũi của thầy mà các em học sinh trở nên thân thiện, mến thầy và yêu trường, yêu lớp hơn.

Thầy Lê Ngọc Tuân (quê ở huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị), dạy lớp ghép 3+5, chia sẻ: “Gọi là phụ đạo nhưng ở đây không có thù lao như dưới xuôi. Thương thầy giáo, nhiều học sinh biếu thầy bó rau rớn hay bắp chuối để thầy tiếp thêm năng lượng, thế là vui lắm rồi. Nhưng vui nhất vẫn là thấy học trò đến trường mỗi ngày. Bài học hôm trước thầy dạy, hôm sau hỏi lại vẫn nhớ, trò quý thầy mà chăm học, không phụ công thầy là mừng. Sáng dạy chính khóa, trưa soạn bài, chiều phụ đạo, ở đây lấy việc dạy học làm niềm vui”. 

Những năm trước, chiều đến các thầy cô còn phải đến từng nhà động viên học sinh đi học, không ít phụ huynh còn to tiếng với giáo viên rằng “Hắn không ưa đi học thì thầy vận động làm gì”. Dù gian nan nhưng các thầy không nản chí, thường xuyên đến hỏi thăm, động viên và tâm sự để phụ huynh hiểu tầm quan trọng của con chữ. Nhờ đó, nhận thức của bà con dần thay đổi, phụ huynh quan tâm hơn đến việc học của con em.

Hơn 4 năm cắm bản ở các điểm trường lẻ, thầy giáo Hà Ngọc Hiếu hiểu rõ lực học của học trò ở vùng cao Đakrông như bà con nắm rõ từng lối mòn lên nương rẫy. “Tiếng Việt các em nói chưa rành mạch, nghe, hiểu hạn chế đã gây khó khăn lớn trong việc truyền đạt kiến thức đến học trò. Điều đáng quý là học trò ở đây rất quý và nghe lời giáo viên. Khi các thầy vận động phụ huynh và động viên các em đi học thêm để củng cố kiến thức, các em đến lớp rất chăm chỉ. Nếu mình cố gắng tận tâm, tích cực phụ đạo thêm cho các em thì chắc chắn chất lượng sẽ được nâng lên”.

Sự trưởng thành của các em học sinh có sự đóng góp tâm huyết của những người thầy, người cô.
Sự trưởng thành của các em học sinh có sự đóng góp tâm huyết của những người thầy, người cô.

Đều là những giáo viên trẻ, lại công tác xa gia đình, người thân, nhưng anh Tuân, anh Hiếu luôn xem học trò như những đứa em nhỏ trong gia đình và luôn tận tình giúp đỡ các em học yếu để lực học ngang bằng với bạn bè. Cũng chính sự quan tâm, gần gũi đó mà các em học sinh trở nên thân thiện, mến thầy và yêu trường, yêu lớp hơn.

Trao đổi với PV, thầy hiệu trưởng Nguyễn Quang Huy cho biết: “Hơn 98% bà con là dân tộc thiểu số Pa Kô. Học sinh có học lực và tiếp cận kiến thức chậm nên từ nhiều năm nay, nhà trường động viên giáo viên tích cực phụ đạo để nâng cao chất lượng dạy và học. Các giáo viên cũng thương học trò nên tự giác dạy thêm cho những em có học lực yếu. Nhờ phụ đạo mà chất lượng dạy và học của nhà trường trong những năm gần đây được nâng lên đáng kể”. 

Đăng Đức