Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đối thoại với hơn 200 nhà khoa học trẻ

Ngọc Diệp

(Dân trí) - Đây là buổi đối thoại đầu tiên giữa Ban Giám đốc cùng các nhà khoa học trẻ ĐH Quốc gia Hà Nội được tổ chức trong khuôn viên tổ hợp giảng đường HT2 tại Hòa Lạc.

Chiều 16/9, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) Lê Quân, Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà khoa học trẻ (VSL) cùng 2 Phó giám đốc Phạm Bảo Sơn, Nguyễn Hiệu đã có cuộc đối thoại cùng các nhà khoa học trẻ nhằm chia sẻ các thông tin về chính sách phát triển đội ngũ khoa học, tháo gỡ, giải đáp thắc mắc về các vấn đề liên quan tới hơn 200 nhà khoa học là cán bộ trẻ.

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đối thoại với hơn 200 nhà khoa học trẻ - 1

Đối thoại giữa Giám đốc ĐHQGHN với nhà khoa học trẻ.

Học bổng tiến sĩ 120 triệu đồng/năm

Tại buổi đối thoại, Giám đốc Lê Quân chia sẻ, cuộc gặp gỡ này với mục tiêu tăng cường hỗ trợ các nhà khoa học trẻ của ĐHQGHN trong việc nâng cao năng lực công bố, tháo gỡ các khó khăn trong việc tham gia chủ trì các đề tài/dự án khoa học công nghệ của ĐHQGHN; đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ khoa học.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhấn mạnh: "Với uy tín, vị thế ở trong và ngoài nước, cũng như bề dày truyền thống trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức, ĐHQGHN đã có nhiều quyết sách để phát huy nội lực và ươm mầm nhà khoa học trẻ.

Trong năm 2021, ĐHQGHN đã ban hành chính sách cấp học bổng cho tiến sĩ, thực tập sinh, tổng giá trị học bổng lên tới 120 triệu đồng/ học viên/năm. Gần đây là chương trình trao học bổng cho ngành khoa học cơ bản, chương trình dành cho sinh viên, giảng viên xuất sắc, mức học bổng lên tới 300 triệu đồng/suất. Chương trình quy đổi giờ giảng cho giảng viên khi làm nghiên cứu".

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đối thoại với hơn 200 nhà khoa học trẻ - 2

Nữ khoa học trẻ - ĐHQGHN.

Được biết, trong chiến lược phát triển, ĐHQGHN chú trọng đến việc chính sách đầu tư con người - đội ngũ nhà khoa học trẻ đang công tác tại ĐHQGHN. Cụ thể, trong phát triển nhà khoa học, các cá nhân tham gia các đề tài khoa học công nghệ từ cấp ĐHQGHN trở lên, thúc đẩy các nhà khoa học có nhiều bài báo công bố quốc tế, nhiều sản phẩm nghiên cứu được chuyển giao. Nhiều sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ, trong đó có sản phẩm tiềm năng được doanh nghiệp tài trợ và có khả năng thương mại hóa.

Chính sách trên nhằm khuyến khích các nhà khoa học trẻ phát triển tốt khả năng sáng tạo của bản thân và định hướng ươm mầm tài năng trẻ từ học sinh, sinh viên để có nhiều đóng góp sản phẩm nghiên cứu cho xã hội.

 "Ươm tạo nhà khoa học trẻ tại ĐHQGHN vừa là mục tiêu vừa là động lực để tăng cường các nguồn lực chất lượng cao, phát triển đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên, cộng tác viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học đang giảng dạy, nghiên cứu, học tập tại ĐHQGHN và các trường đại học uy tín trong nước và quốc tế" - Giám đốc Lê Quân chia sẻ. 

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đối thoại với hơn 200 nhà khoa học trẻ - 3

ĐH QGHN ươm tạo các nhà khoa học trẻ từ học sinh, sinh viên, học viên.

Theo đó, Đề án phát hiện và thu hút các mầm ươm khoa học từ 3 nhóm (học sinh chuyên, năng khiếu có học lực giỏi, xuất sắc) có nguyện vọng và được tuyển chọn tham gia chương trình ươm tạo từ trình độ đại học; sinh viên và học viên giỏi, xuất sắc, thạc sĩ, giảng viên trẻ chưa là tiến sĩ có nguyện vọng và được tuyển chọn tham gia chương trình ươm tạo trở thành nhà khoa học có trình độ tiến sĩ; giảng viên và nhà khoa học trẻ đã đạt trình độ tiến sĩ có nguyện vọng tham gia chương trình ươm tạo nhà khoa học trẻ trình độ sau tiến sĩ hoặc được tuyển dụng vào làm việc tại ĐHQGHN.

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đối thoại với hơn 200 nhà khoa học trẻ - 4

ĐHQGHN luôn theo dõi, tư vấn, kết nối để các nhà khoa học trẻ.

Đẩy mạnh công bố quốc tế, gắn nghiên cứu với thương mại

Lãnh đạo ĐHQGHN cho biết, ĐHQGHN luôn theo dõi, tư vấn, kết nối để các nhà khoa học trẻ sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ, sau tiến sĩ có thể tham gia mạng lưới nhà khoa học theo lĩnh vực chuyên môn và làm việc tại ĐHQGHN, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trong nước và quốc tế, góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ để phát triển đất nước. 

ĐHQGHN sẽ đẩy mạnh công bố quốc tế, đưa ra các đề xuất thiết thực để cùng hỗ trợ nhà khoa học trẻ nỗ lực thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học đi vào chiều sâu và gắn với thương mại hóa hơn trong thời gian tới.  

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đối thoại với hơn 200 nhà khoa học trẻ - 5

Giám đốc ĐHQGHN cho biết, sẽ rà soát đội ngũ tiến sĩ trẻ hiện là giảng viên đang công tác giảng dạy, nghiên cứu tại các đơn vị để có chính sách phù hợp, tạo môi trường cán bộ trẻ yên tâm công tác và nghiên cứu. 

Tới đây, ĐHQGHN tiếp tục thu hút nhà khoa học trẻ là tiến sĩ về công tác, đảm bảo được sự phát triển chung theo kế hoạch ban đầu.

Bên cạnh đó, ĐHQGHN chú trọng đổi mới sáng tạo nghiên cứu và chuyển giao trong đại học, đẩy mạnh nghiên cứu thế mạnh, mô hình khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp để tạo nền tảng vững chắc cho nhà khoa học trẻ ĐHQGHN.

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đối thoại với hơn 200 nhà khoa học trẻ - 6

Đại diện Ban Giám đốc ĐHQGHN giữ vai trò Chủ tịch Câu lạc bộ nhà khoa học trẻ.

Thành lập Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ

Tại buổi đối thoại, các nhà khoa học đã trao đổi các nội dung xoay quanh các vấn đề vướng mắc khi giảng viên thực hiện đề tài để công bố quốc tế như: chính sách hỗ trợ của ĐHQGHN với các lĩnh vực, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, y dược, đặc biệt nhiều lĩnh vực mới như kỹ thuật công nghệ, mỹ thuật ứng dụng, các ngành sáng tạo nghệ thuật; cơ sở dữ liệu dùng chung; quy định mã định danh quốc tế của ĐHQGHN; các văn bản hướng dẫn cụ thể trong quá trình làm nghiên cứu, hợp tác quốc tế; kết nối cộng đồng; tài trợ, …. 

Mọi thắc mắc của các nhà khoa học trẻ đã được Giám đốc ĐHQGHN, Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà khoa học Lê Quân giải đáp thỏa đáng.

Được biết, Câu lạc bộ Nhà khoa học ĐHQGHN (viết tắt là VNU-VSL)  là cầu nối trực tiếp của đội ngũ nhà khoa học với Ban Giám đốc ĐHQGHN. VSL là kênh thông tin để Ban Giám đốc ĐHQGHN tiếp nhận những ý kiến, đóng góp, trăn trở của đội ngũ cán bộ khoa học - lực lượng quan trọng nhất của đại học - với sự phát triển của ĐHQGHN.

Trong thời gian qua, VSL đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, cung cấp thông tin cho các nhà khoa học giao lưu với nhau, tiếp xúc với các đối tác trong và ngoài nước; kết nối tri thức, thiết lập và phát triển môi trường học thuật để phát huy tối đa năng lực cá nhân, nâng cao trình độ, trao đổi kinh nghiệm học thuật, giảng dạy và nghiên cứu khoa học, giao lưu, tiếp xúc với các doanh nghiệp, tham gia vào các nhiệm vụ, đơn đặt hàng nghiên cứu từ bên ngoài.

VSL đã trở thành diễn đàn để các nhà khoa học chia sẻ, bày tỏ mong muốn, nguyện vọng, đối thoại, trao đổi và giải quyết các nhiệm vụ chung của ĐHQGHN.

Đại diện Ban Giám đốc ĐHQGHN giữ vai trò Chủ tịch VSL. Ở mỗi giai đoạn, VSL đã có những điều chỉnh nội dung và cách thức hoạt động để phù hợp với tình hình phát triển của ĐHQGHN.