"Giải cứu" thí sinh 27 điểm trượt đại học có "phá luật"?

Lê Phương

(Dân trí) - "Những thí sinh có điểm thi dưới 27 nhưng chưa trúng tuyển nguyện vọng nào thì sao? Vì sao phải ưu ái cho những thí sinh không thực hiện các quy định có lợi cho chính mình? - TS Đức Nghĩa nêu vấn đề.

27 - 29 điểm vẫn trượt ĐH, thí sinh chủ quan hay "ảo tưởng"?

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong kỳ xét tuyển vừa qua có 165 thí sinh đạt 27 điểm thực (cho tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên không trúng nguyện vọng xét tuyển nào, 3 trong số đó có tổng điểm trên 28.

Giải cứu thí sinh 27 điểm trượt đại học có phá luật? - 1

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học (ảnh minh họa)

Trong 165 em, có 51 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường khối dân sự. 114 em xét tuyển vào các trường công an, quân đội (bao gồm cả 61 em như Bộ GD-ĐT đã cung cấp thông tin trước đó với điểm xét tuyển - đã cộng điểm ưu tiên, điểm học bạ - đạt từ 29,5 điểm xét trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng nào).

Việc thí sinh đạt trung bình 9 điểm trở lên mỗi môn vẫn trượt đại học khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, xót xa. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phụ trách công tác tuyển sinh của các trường đại học (ĐH) nhìn nhận ở góc độ khác.

Theo Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng tuyển sinh và truyền thông trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM, từ đầu năm có rất nhiều hoạt động tư vấn truyền thông tuyển sinh nên không thể cho rằng các em không có thông tin. Trước khi thí sinh được thay đổi nguyện vọng, các trường cũng đã công bố số chỉ tiêu còn lại.

"Vậy tại sao không trúng tuyển, đơn giản là các em không quan tâm đến mọi lời khuyên nhủ. Bên cạnh đó, nhiều em bị chi phối bởi phụ huynh nên đặt các nguyện vọng vào những nơi vô vọng", ông Quán nêu quan điểm.

Các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, điểm chuẩn không tự nhiên xuất hiện cũng không phải trường đại học tự đặt ra. Đó kết quả của quá trình xét tuyển dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh, điểm thi của thí sinh và số lượng đăng ký vào ngành học và chỉ tiêu có trước, điểm chuẩn có sau.

Như vậy, khi đăng ký vào một trường, một ngành nào đó, bản thân thí sinh phải hiểu ngành học đó, tìm hiểu ngành đó còn bao nhiêu chỉ tiêu, phổ điểm tổ hợp đó ra sao, điểm chuẩn năm rồi ra sao để còn biết mà đặt cơ hội cho mình.

Ông Quán cho rằng rõ ràng "luật chơi" đã có hết, phải chăng thí sinh chủ quan và "ảo tưởng" với số điểm của mình mà trượt đại học một cách đáng tiếc.

"Giải cứu" thí sinh 27 điểm trượt đại học không tuân "luật chơi"?

Là một chuyên gia trong lĩnh vực tuyển sinh đại học, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng điểm chuẩn đại học theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay trên bình diện chung là bình thường, nếu nhìn dưới góc độ kỹ thuật của quy định xét tuyển.

Tuy nhiên, thực tế năm 2021 có hai vấn đề nổi cộm là một số ít ngành có điểm trúng tuyển trên 30 điểm; một số thí sinh điểm rất cao nhưng trượt hết các nguyện vọng (theo phương thức xét từ điểm thi tốt nghiệp THPT).

Giải cứu thí sinh 27 điểm trượt đại học có phá luật? - 2

Một số ít thí sinh điểm cao đã không điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng để bảo đảm quyền lợi và cơ hội trúng tuyển của chính mình (Ảnh minh họa).

Ở vấn đề thứ nhất, theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, trong hơn 3.000 ngành tuyển sinh ở gần 250 trường đại học, chỉ có 3-4 ngành có điểm chuẩn trên 30 điểm. Lý do là những ngành này ít chỉ tiêu nhưng có rất đông thí sinh đăng ký xét tuyển và lại là các thí sinh có điểm thi cao nên đã đẩy điểm chuẩn trúng tuyển lên rất cao.

Theo quy chế tuyển sinh, thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thậm chí được điều chỉnh đến 3 lần, được quyền đăng ký thêm nguyện vọng.

"Minh chứng là trong đợt điều chỉnh nguyện vọng vừa qua có đến 45% thí sinh điều chỉnh, và có đến gần 85.000 nguyện vọng được bổ sung thêm. Tuy nhiên, một số ít em điểm cao đã không điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng để bảo đảm quyền lợi và cơ hội trúng tuyển của chính mình", ông Nghĩa nói.

Ông Nghĩa cũng bày tỏ băn khoăn trước việc Bộ GD- ĐT yêu cầu các trường ĐH xét trúng tuyển "giải cứu" cho 165 thí sinh.

Điều này tưởng như rất nhân văn nhưng lại đưa đến những vấn đề "dắt dây" khác phá vỡ các quy định quy chế tuyển sinh.

"Những thí sinh có điểm thi dưới 27 nhưng chưa trúng tuyển nguyện vọng nào thì sao? Vì sao lại phải "ưu ái" cho những thí sinh không thực hiện các quy định có lợi cho chính mình? Và hơn nữa, các thí sinh hoàn toàn có thể tham gia các đợt xét tuyển bổ sung sắp tới của nhiều trường ĐH theo quy định mà hoàn toàn không cần đến "gói giải cứu" của Bộ", ông Nghĩa nêu quan điểm.

Trưởng phòng tuyển sinh của một trường ĐH lớn ở TPHCM, cho rằng, các trường đại học phải tuyển sinh theo cam kết đã được đưa ra trong đề án tuyển sinh đại học, nên không thể nào tuyển sinh thêm được nữa. Đó là lý do các trường đại học không tuyển sinh được thí sinh điểm cao trúng tuyển, mặc dù rất muốn có nhiều thí sinh điểm cao.