Quảng Nam:

Giấc mơ lập trình viên của cô gái tật nguyền

(Dân trí) - Vừa sinh ra, đôi chân cô gái đã bị tật, năm nay 21 tuổi, cô chỉ cao gần 1m. Vượt lên hoàn cảnh, cô cố gắng học tập, bước chân vào giảng đường đại học nuôi giấc mơ trở thành lập trình viên. Cô gái ấy là Nguyễn Thị Phượng, hiện là sinh viên năm thứ 4 ĐH Sư phạm Đà Nẵng.

Đôi chân tật nguyền

 

Cô gái tật nguyền Nguyễn Thị Phượng, sinh năm 1993, tại thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình khó khăn, cả cha mẹ Phượng đều đi bán vé số dạo.

 

Mẹ Phượng, Huỳnh Thị Xí, 49 tuổi, vốn là người đan chiếu rất giỏi, bà đã làm chiếu hơn 20 năm nay. Nhưng một đôi chiếu bán chỉ được 50 nghìn đồng, bà Xí đành bỏ nghề.

 

"Ngày xưa cứ rảnh, con Phượng cùng tôi dệt chiếu bán, vì nhà không có ruộng, cho đến bây giờ giá cả thấp quá, nên phải đi bán vé số dạo kiếm tiền qua ngay" - bà nói.

 

Còn cha Phượng, ông Nguyễn Văn Ba, 54 tuổi, ngày trước thường đi phụ hồ nhưng đến giờ tuổi đã cao, ông cùng với bà Xí đi bán vé số. Cả hai vợ chồng cứ 7 giờ sáng đi bán dạo đến 4 giờ chiều thì về. Ngày được thì bán được 50 chục tờ, mỗi tờ chỉ lời có 1.000 đồng. Nhưng hai vợ chồng vẫn lang thang khắp các ngả đường, hàng quán để bán…

 

Vợ chồng bà Xí dù nghèo vẫn cho con gái đến trường
Vợ chồng bà Xí dù nghèo vẫn cho con gái đến trường.

 

Số phận của vợ chồng này cũng quá nghiệt ngã, vừa sinh em Phượng, đôi chân đã không lành lặn, chân cao chân thấp, lại còn bị tật.

 

Bà Xí kể: "Tôi không hiểu sao con gái tôi lại như vậy, nhà tôi không ai tham gia chiến tranh, hay gì, đứa con trai đầu Nguyễn Văn Thương, sinh 1989, vẫn bình thường, giờ nó đi làm thuê ở Hội An, nhưng đến con Phượng thì lại như vậy, vừa sinh ra, tôi chỉ cầm đôi chân con mà khóc…".

 

Sau đó, vợ chồng bà đã đưa con đi chữa trị khắp nơi, bà nói: "Người ta bảo nếu lắp chân giả vì con hồi đó con nhỏ, nếu lắp, sợ xương không phát triển được, nên khuyên tôi cứ để như vậy".
 

Và từ đó, bà Xí tập cho con đi bằng hai đầu gối, đôi bàn chân bé xíu cứ teo lại, bà lại tập mang dép cho con, mặc dù lớn đến 22 tuổi, Phượng vẫn mang đôi dép của một đứa trẻ 6 tuổi.

 

Bà Nguyễn Thị Sâm, người hàng xóm gần nhà, cho biết: "Dù gia cảnh khó khăn, bà Xí cùng ông Ba thay nhau đưa con đến trường, chặng đường kéo dài theo tuổi già của ông bà. Bé Phượng không phụ lòng ba mẹ, em đã bước chân vào cánh cửa đại học…".

 

Vợ chồng bà Xí nuôi vài con gà để có thêm tiền
Vợ chồng bà Xí nuôi vài con gà để có thêm tiền.

 

Đường đến lập trình viên

 

Đến thăm em tại Đại học Sư phạm Đà Nẵng, tôi khá bất ngờ khi em nói sẽ ra đón tôi tại cổng ký túc xá, em đứng trước mắt tôi, đi bằng hai đầu gối, em có thể lên xuống cầu thang, bước lên thềm nhà, vừa đi em nói: "Em ra đón chị không sao đâu, em học ở tận tầng 5, phải đi cầu thang bộ, em vẫn lên được mà".
 
Em Nguyễn Thị Phượng ngồi học tại Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng
Em Nguyễn Thị Phượng ngồi học tại Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng.

 

Được biết, để có thể đi được bằng hai đầu gối, Phượng đã mất nhiều thời gian. Phượng kể lại, từ lớp 1 đến lớp 5, ba mẹ em chở em trên chiếc xe đạp đến trường, sau đó cõng em vào tận lớp học, vì đến lớp 5, đôi chân em vẫn không thể đủ cứng cáp để bước đi. Cứ như thế, ba mẹ Phượng thay con gái làm đôi chân, dù trời nắng trời mưa, vẫn cõng con lên tận bàn học và tan trường lại đón con về.

 

Bà Xí nói: "Tôi chỉ mới đi bán vé số 3-4 năm nay, từ khi con Phượng vào đại học, chứ trước kia, chỉ ở nhà làm chiếu, để có thời gian đưa con đến trường".

 

Những lúc ba mẹ không đến đón được, Phượng lại được cô giáo chủ nhiệm đưa về. Rồi những năm lớp cấp 2, 3, Phượng được người ta tặng cho chiếc xe lắc, và em học đi xe lắc, tự mình đến trường, cô giáo, bạn bè giúp Phượng ngồi vào bàn.

 

Cho đến tận vào đại học, người bạn cùng phòng, cùng lớp, Trương Thị Đức Dung vẫn giúp Phượng ngồi lên bàn học suốt gần 3 năm đại học.

 

Gian nan nhất vẫn là những ngày thi đại học, Phượng nói: "Ngày đó, đôi chân em sưng tấy do đi nhiều, em gần như không thể đi được, nhưng cô giáo, gia đình em khuyên em cứ đi thi vì bỏ lỡ một năm là bỏ lỡ một cơ hội".

 

Ngày thi môn Toán, rồi đến môn Lý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, Lưu Trang đã dẫn em lên tận ĐH Đà Nẵng đề xuất miễn thi.

 

Phượng nhớ lại: "Mặc dù em được miễn thi đại học, thuộc hệ tuyển thẳng, nhưng em vẫn đi thi, sau đó, được thầy phó hiệu trưởng dẫn lên Ban hội đồng đề nghị miễn thi, mặc dù em đã thi xong Toán, Lý".

 

Bây giờ Phượng hiện là sinh viên năm 4 ngành Tin học. Em tâm sự: "Em muốn làm giáo viên nhưng vì đôi chân không thể đi lại được, nếu đi lâu, em sẽ bị sưng tấy, nên em muốn làm lập trình web, chỉ làm văn phòng là chủ yếu".

 

Cũng thời gian học đại học, cô gái này đã xin đi làm thêm tại Ban Truyền thông cho Trung tâm Vinatex. Thấy ước mơ đã thành hiện thực, chia sẻ cảm xúc những năm cuối đại học, Phượng cho biết: "Em thấy mình may mắn, em đã chạm đến ước mơ của mình bằng đầu gối chân, dù gian nan, không thể chạy nhảy, chơi thể thao, nhưng em đã tiến gần đến mơ ước của mình".

 

Thầy Nguyễn Thanh Tuấn, giáo viên chủ nhiệm, cho biết: "Em Nguyễn Thị Phượng là một sinh viên tàn tật nhưng có ý chí học tập, em được đặc cách thi vào đại học. Nhà trường đã tạo điều kiện miễn học phí năm đầu tiên và các năm sau thì tùy vào khả năng kết quả học tập để miễn giảm. Em luôn cố gắng để học tập và luôn đạt nhiều thành tích tốt".

 

Nguyễn Trang

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!