Châu Á:

Gia tăng vấn nạn ép buộc nữ sinh phải bỏ học và tảo hôn trong dịch Covid-19

(Dân trí) - Một tổ chức từ thiện đã cảnh báo hàng nghìn trẻ em gái vị thành niên trên khắp Đông Nam Á và Thái Bình Dương đang bị buộc phải nghỉ học và kết hôn, một phần là do đại dịch Covid-19.

Một báo cáo mới của tổ chức Plan International Australia đã nêu bật tầm quan trọng của giáo dục trung học đối với trẻ em gái, đồng thời nêu chi tiết về nguy cơ gia tăng và tác động lâu dài của việc ép buộc tảo hôn, kết hôn sớm và trong khu vực.

Gia tăng vấn nạn ép buộc nữ sinh phải bỏ học và tảo hôn trong dịch Covid-19 - 1
Plan International cho biết đường dây trợ giúp trẻ em của Ấn Độ đã chứng kiến mức tăng 17% các vụ tảo hôn từ giữa năm ngoái. Ảnh: Tauseef Mustafa / AFP / Getty Images

Giám đốc điều hành của tổ chức từ thiện bình đẳng giới, Susanne Legena, nói với Guardian: "Nguyên nhân trọng tâm của tảo hôn là quan điểm cho rằng trẻ em nữ là gánh nặng kinh tế. "Khi các cô gái kết hôn, họ được xem như người lớn và việc học hành của họ thường dừng lại. Công việc của các em lúc đó là trở thành một người vợ và một người mẹ".

Năm ngoái, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phát hiện ra rằng trong 4 năm tới có thể chứng kiến 250.000 trẻ em gái vị thành niên trên khắp Đông Nam Á và Thái Bình Dương phải đối mặt với những cuộc hôn nhân sớm và cưỡng bức.

Tại Indonesia trong nửa đầu năm 2020, số lượng đơn đăng ký kết hôn ở độ tuổi vị thành niên cao hơn gấp hai lần rưỡi so với con số của cả năm 2012, Plan International cho biết. Năm ngoái, khoảng 33.000 cô gái đã kết hôn ở độ tuổi còn rất trẻ.

Báo cáo cho thấy hơn 1,2 triệu trẻ em gái từ mầm non đến trung học phổ thông ở Đông Á và Thái Bình Dương có thể bỏ học do hậu quả của đại dịch, làm tăng thêm 15 triệu trẻ em gái đã không đăng ký đi học trước coronavirus. Khoảng 40 triệu trẻ em gái ở Đông Á và Thái Bình Dương không thể tiếp tục học qua hình thức học trực tuyến.

Theo khảo sát của Plan International, gần một nửa trong số 1.200 trẻ em gái từ 15-24 tuổi được khảo sát trong một báo cáo trước đó cho biết họ lo lắng về cơ hội quay lại trường học của mình.

Ngoài ra, đại dịch cũng có ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe, tâm lý của các em gái, nhiều em ở khu vực Thái Bình Dương nói rằng "đôi khi, khá thường xuyên hoặc luôn lo lắng hoặc căng thẳng hay cảm thấy cô đơn trong giai đoạn dịch Covid-19".

Theo báo cáo, "Trẻ em gái bị ép kết hôn sớm có nhiều khả năng phải trải qua cảnh nghèo đói, bạo lực và mang thai sớm, đe dọa tính mạng và sức khỏe của họ". Bà Legena cho biết, việc nghỉ học cũng làm gián đoạn việc giáo dục sức về khỏe sinh sản và tình dục của trẻ em gái. Bà cũng cho biết đa số các em gái đều muốn tiếp tục và hoàn thành con đường học thức của mình và cảnh báo đại dịch sẽ làm mất đi một thế hệ nữ giới nếu cứ để điều đó tiếp diễn.

Tại Ấn Độ nói riêng, báo cáo cho thấy tình trạng tảo hôn gia tăng không chỉ do tác động kinh tế của đại dịch đối với thu nhập của các hộ gia đình, mà còn do những hạn chế về khoảng cách xã hội khiến việc tổ chức đám cưới nhỏ hơn, ít tốn kém hơn được chấp nhận nhiều hơn.

Theo Ngân hàng Thế giới, trước đại dịch, 5 triệu người ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương dự kiến sẽ rơi vào tình trạng dưới mức nghèo khổ vào năm 2020. Với tác động của đại dịch, dự kiến sẽ thêm 33 triệu người vào con số đó, đánh dấu sự gia tăng đầu tiên ở tình trạng nghèo chung của khu vực trong hai thập kỷ.