Bạn đọc viết:

“Giá như người thầy được phép đánh giá thẳng tay”

(Dân trí) - Giá như người thầy được phép đánh giá thẳng tay, cho điểm thẳng thắn với những bài làm chưa đạt yêu cầu và xếp loại trung thực học sinh chưa đủ năng lực lên lớp thì biết đâu guồng quay của giáo dục đã khác...

Đọc bài viết “Giáo viên ôm cục tức khi phụ đạo học sinh yếu kém trong hè” của cô giáo Loát Trần trên báo Dân trí, tôi đồng cảm nhiều điều về nỗi lòng của người trong cuộc.

Mỗi dịp hè về, giáo viên chúng tôi lại nhen nhóm một nỗi lo cùng muộn phiền không nhỏ. Nỗi lòng ấy gắn liền với lớp “đại học chữ to” - chúng tôi vẫn thường gọi đùa nhau như thế mỗi khi nhận nhiệm vụ ôn tập, tổ chức thi lên lớp cho các em học sinh yếu kém của năm học trước.

Năm trước, tôi cùng đồng nghiệp của mình được phân công ôn tập cho khoảng 10 em của ba khối 6, 7, 8. Sức học yếu, các em đã không hoàn thành được chương trình năm học và buộc phải thi lại trong hè. Và dù thiếu điểm ở khá nhiều môn nhưng theo quy định, các em thường được chỉ định ôn tập, làm bài kiểm tra lần 2 ở hai môn Văn và Toán. Thế là trong khi các bộ môn khác thảnh thơi dịp đầu năm thì giáo viên hai bộ môn Văn, Toán lại quay cuồng ôn luyện cùng các em.

Nhận nhiệm vụ, chúng tôi nào lười biếng hay chối bỏ việc ôn tập cho các em. Nhưng thú thật, chẳng ai muốn đứng lớp “đại học chữ to” này cả. Mỗi ngày, theo lịch ôn tập, giáo viên đến và chờ học sinh đến mỏi cổ, thầy tìm trò đến đỏ con mắt vẫn chẳng thấy tăm hơi.

Thế là, giáo viên phải ra sức vận động học sinh đến lớp bằng mọi cách: điện thoại, nhờ bạn bè nhắn nhủ và đường cùng là tìm đến nhà huy động các em đến lớp. Tuy nhiên, tạo nề nếp chuyên cần của lớp học và nhắc nheo nhéo lịch học bên tai chỉ mới là sự phiền muộn đầu tiên.

Nỗi lo lớn nhất của giáo viên nhận nhiệm vụ ôn tập thi lại cho học sinh chính là chất lượng bài kiểm tra của các em lần này có đạt hay không. Đa số học sinh rơi vào lớp học này thường là sức học quá yếu, hoặc là ham chơi vắng học quá nhiều nên thiếu các cột điểm kiểm tra.

Với nền tảng kiến thức đã thiếu hụt quá nhiều như thế, chỉ qua một tuần ôn tập theo kiểu “bữa đực bữa cái”, cơ sở để học sinh làm bài và vượt qua đợt kiểm tra lần hai thường rất hiếm hoi. Thế nhưng, theo chỉ tiêu đăng ký và “thông điệp ngầm” từ ban giám hiệu, nhiều giáo viên buộc phải bấm bụng cho các em hoàn thành bài kiểm tra.

Phương án đơn giản nhất để học sinh có thể đạt điểm trên trung bình là ôn gì ra nấy. Chương trình một năm học rút ngắn lại thành một vài bài, một vài câu và học sinh chỉ cần ôn luyện dạng bài đó, câu văn kia là có thể hoàn thành bài kiểm tra.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng suông sẻ như thế. Có những “ca khó” buộc giáo viên phải “mắt nhắm mắt mở” cho qua. Đó là khi giáo viên đã chỉ định kiến thức này kia rõ rành rành, học sinh dẫu “trúng tủ” trăm phần trăm nhưng vẫn không làm được bài bởi năng lực hạn chế.

Những người bạn của tôi trong ngành đã từng đau đáu nỗi niềm khi buộc phải cho học sinh làm bài lần ba, lần bốn miễn sao đủ điểm lên lớp. Ôi! Căn bệnh thành tích trong giáo dục làm người thầy phải quay cuồng trong mớ bòng bong giữa chất lượng thật và ảo, đánh giá thật và giả.

Căn bệnh thành tích ấy làm lòng người giằng xé ở ranh giới mong manh giữa trung thực và giả dối. Để rồi bao người đã phải đặt bút phê những con điểm không hề có thật mà lòng đau nhói, canh cánh muộn phiền?

Giá như người thầy được phép đánh giá thẳng tay, cho điểm thẳng thắn với những bài làm chưa đạt yêu cầu và xếp loại trung thực học sinh chưa đủ năng lực lên lớp thì biết đâu guồng quay của giáo dục đã khác. Học sinh chăm học hơn bởi các em biết sợ không học sẽ không lên lớp. Và người thầy cũng sẽ tràn đầy nhiệt tâm dạy thật, thi cử thật, đánh giá thật…

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!