Giả nghèo để vay sai gần 10 tỷ đồng

(Dân trí) - Hơn 900 hộ khai man là nghèo để vay vốn ưu đãi dành cho HSSV khó khăn và cũng đã xuất hiện trường hợp vay vốn xong rồi nghỉ học, nhưng Bộ GD-ĐT quyết không “làm khó” những HSSV có nhu cầu vay vốn để học tập thật sự.

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Sơ kết 2 năm thực hiện chương trình tín dụng đối với HSSV theo Quyết định số 157 của Thủ tướng Chính phủ” tổ chức sáng nay, 16/6.
 
Giả nghèo để vay sai gần 10 tỷ đồng - 1

Sinh viên đi xác nhận vay vốn học tập

913 hộ khai man nghèo, vay sai gần 10 tỷ đồng

Vay vốn xong rồi nghỉ học

Ông Hoàng Đức Phụng, hiệu trưởng trường CĐ nghề Đắc Lắc cho biết, sau 2 năm thực hiện việc cho HSSV vay vốn đã xuất hiện những trường hợp học sinh vay vốn xong rồi nghỉ học. Tình trạng này không nhiều, chỉ vài trường hợp nhưng khiến cho trường hết sức băn khoăn vì không thể quản lý.  

Một khảo sát ngẫu nhiên của Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp trên 30 sinh viên thì thấy có 2 sinh viên sử dụng vốn vay chưa đúng mục đích: mua sắm  phương tiện đi lại và dùng tiền để trị bệnh cho mẹ.

Tình trạng này cũng xuất hiện ở một số trường nghề của TPHCM.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, doanh số cho HSSV vay ưu đãi tính đến ngày 30/4/2009 đạt 13.517 tỷ đồng. Dư nợ sau 2 năm triển khai là 13.669 tỷ đồng. Số hộ gia đình hiện đang vay vốn là 1.247 nghìn hộ với 1.335 nghìn HSSV. Tuy nhiên, nhiều địa phương đã thực hiện cho vay sai đối tượng lên tới 10 tỷ đồng với 913 hộ. Sau khi kiểm tra, kiểm điểm, xử lý cá nhân vi phạm thì đến thời điểm 30/4/2009 đã thu hồi được khoảng một nửa.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH cho biết, nguyên nhân dẫn đến cho vay sai đối tượng là do việc bình xét chưa đúng đối tượng được vay vốn. Bên cạnh đó, UBND xã còn nể nang, tình cảm và một phần do nhận thức chưa đúng chính sách đã xác nhận sai đối tượng.

Đại diện ĐH Đà Nẵng đề nghị: “Siết chặt thủ tục để cho vay đúng người, đúng đối tượng, quản lý thu hồi nợ. Đặc biệt, thiết lập đường dây nóng để HSSV và phụ huynh phản ánh việc xét cho vay ở các địa phương, các Ngân hàng CSXH”.

Đề nghị không tính lãi suất trong thời gian đang học

Tại Hội nghị, ý kiến của nhiều trường ĐH đề nghị Chính phủ tăng mức cho vay vì mức vay hiện tại quá thấp, trong khi giá cả thị trường có nhiều biến động.

Đại diện ĐH Lao động - Xã hội kiến nghị: “Nên nâng mức vốn vay lên 1,2 triệu/tháng và gia hạn thời gian hoàn trả vốn vay cho HSSV sau khi tốt nghiệp ra trường dài hơn, có thể từ 18-24 tháng”.

Đại diện ĐH Đà Nẵng thì đề nghị bỏ lãi suất trong thời gian đang học, chỉ tính lãi suất khi ra trường, có như vậy, sinh viên mới yên tâm học tập.

Đại diện trường ĐH Cần Thơ kiến nghị Ngân hàng CSXH nên xem xét điều chỉnh mỗi năm thực hiện việc xác nhận cho vay tín dụng đào tạo một lần, nhằm giảm bớt chi phí đi lại và tiết kiệm thời gian cho sinh viên. Bên cạnh đó, mỗi năm một lần Ngân hàng thông báo cho cơ sở đào tạo danh tính các sinh viên đã được vay vốn tín dụng học tập để làm cơ sở tuyên truyền, giáo dục ý thức các em sử dụng nguồn tiền vay hiệu quả.

Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu trước ngày 30/7/2009 các địa phương rà soát lại chương trình cho vay để khắc phục hạn chế như cho vay sai đối tượng, tránh vay  trùng lặp...

Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng CSXH nghiên cứu điều chỉnh mức cho vay căn cứ vào vấn đề trượt giá, cho vay tương ứng với mức học phí, đảm bảo không có HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính.

Được biết, theo kế hoạch, học kỳ I năm học 2009-2010, Ngân hàng CSXH sẽ giải ngân là 5.000 tỷ đồng, dự kiến bắt đầu giải ngân từ ngày 15/8 đến 15/11/2009.

 Hồng Hạnh - Hiếu Hiền