GenZ học tập bằng trồng cây, gom rác, lăn lộn thực tế

Trường Thịnh

(Dân trí) - Loạt trải nghiệm khác biệt như trồng cây, gom rác, trải nghiệm đời sống nông thôn đã giúp SV ĐH FPT trưởng thành từng ngày khi hiểu được ý nghĩa của sức lao động, nâng cao ý thức cộng đồng cũng như rèn luyện khả năng sáng tạo của mình.

ĐH FPT hay còn được gọi là trường học trải nghiệm của Gen Z vì sinh viên ngoài việc tích lũy kiến thức từ các giờ học trên giảng đường còn được nhúng mình trong hệ thống dày đặc các hoạt động trải nghiệm, được vùi mình vào thực tế để học hỏi.

GenZ học tập bằng trồng cây, gom rác, lăn lộn thực tế - 1

SV theo chân người dân địa phương trải nghiệm một ngày làm việc tại núi rừng Đông Bắc.

Mỗi năm, sinh viên ĐH FPT có thể đăng ký tham gia loạt chương trình trải nghiệm tại địa phương hoặc các tỉnh lân cận kéo dài từ 3 - 7 ngày. Không khó để bắt gặp hình ảnh sinh viên trường này hào hứng băng rừng lội suối, cuốc đất trồng rau, tự tay làm mỳ chũ, vắt sữa bò… trong các chương trình Trải nghiệm ở trường, nào là trải nghiệm Nông sản vùng cao Bắc Giang, Nông trường Mộc Châu, Làng nghề đan guột… Bởi đó chính là chuỗi hoạt động trải nghiệm đặc mà mỗi sinh viên đều có cơ hội tham gia trong quá trình là sinh viên ĐH FPT.

GenZ học tập bằng trồng cây, gom rác, lăn lộn thực tế - 2

SV tự tay lên luống trồng măng tây trong chuyến trải nghiệm Nông trường Mộc Châu.

Nguyễn Trường An - sinh viên chuyên ngành Quản trị Truyền thông đa phương tiện tự hào kể về những bài học chưa từng nghĩ tới khi trở thành SV ĐH FPT Hà Nội. Những trải nghiệm từ chương trình Field Trip hay iGo Club (CLB thiện nguyện) giúp cậu bạn hiểu hơn về cuộc sống xung quanh, có thêm kiến thức trong nhiều lĩnh vực. "Những ngày ăn - ngủ - làm việc cùng mọi người giúp mình học cách thích ứng với hoàn cảnh, tư duy sáng tạo hơn, dạn dĩ hơn trong mọi tình huống cũng như có thể lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng", An cho biết

"Còn nhớ thất bại đầu tiên mình gặp là khi tự ứng cử Leader team CTV iGo Club. Mình hiểu là do bản thân thiếu tự tin, kinh nghiệm nên đã tích cực tham gia các hoạt động, sự kiện của trường nhiều hơn. Sau nhiều lần "ngã sõng soài", mình đã chủ động nắm bắt cũng như tạo ra nhiều cơ hội cho bản thân. Nhờ những tháng ngày không ngại trải nghiệm cùng Trường, mình đã có thêm nhiều mối quan hệ mới, tự tin và trưởng thành hơn", An chia sẻ.

GenZ học tập bằng trồng cây, gom rác, lăn lộn thực tế - 3

Từ một người sống khép kín, Trường An dần có nhiều mối quan hệ mới và trở nên tự tin, trưởng thành hơn sau chuỗi ngày không ngại trải nghiệm.

Trần Lê Phương Yên - Cựu SV K13 chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH FPT Cần Thơ cảm thấy biết ơn khi có cơ hội trải nghiệm tại Lens On Mekong - dự án về môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long do tổ chức YSEALI tài trợ, diễn ra tại ĐH FPT Cần Thơ và ĐH Trà Vinh. Đó là khoảng thời gian giúp Phương Yên có những trải nghiệm độc nhất vô nhị, cảm nhận sâu sắc về tinh thần, trách nhiệm và sự tử tế của thế hệ trẻ Việt Nam.

Phương Yên cùng các sinh viên quốc tế tìm hiểu những vấn đề môi trường nhức nhối ở Đồng bằng Sông Cửu Long, đồng thời được thâm nhập thực tế đời sống nông dân miền duyên hải Trà Vinh và làm một bộ phim tài liệu ngắn về họ. Chỉ trong 3 ngày 2 đêm, Phương Yên liên tục được tham gia nhiều hoạt động teambuilding cũng như tham gia thử thách hoàn thành phim tài liệu lột tả cuộc sống và sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến người dân Trà Vinh trong vòng 7 tiếng.

GenZ học tập bằng trồng cây, gom rác, lăn lộn thực tế - 4

Phương Yên đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ "vài cái ống hút nhựa cũng không sao đâu" sau chuyến đi này.

Theo Phương Yên, bài học quý báu nhất mà cô bạn nhận được trong quá trình học tập và trải nghiệm tại ĐH FPT Cần Thơ chính là sự thấu hiểu. Mỗi người đều có một lý tưởng riêng và thứ Phương Yên cần làm là học cách chấp nhận, dung hòa thay vì cố áp đặt chúng lên tất cả mọi người. Nếu có sự thấu hiểu, không chỉ trong việc học hành, công việc mà còn trong các mối quan hệ xung quanh cũng sẽ trở nên "dễ thở" hơn.

Trước đó vào những năm 2012, những sinh viên đầu tiên học tập tại Đại học FPT tại Hòa Lạc đã được tham gia mô hình trồng rau sạch do Trường tổ chức. Mỗi nhóm sinh viên sẽ được trang bị nông cụ và cùng nhau lên luống, xới đất, xẻ rãnh theo hướng dẫn của kỹ sư nông nghiệp. Sau khi thu hoạch, sinh viên có thể bán lại rau cho nhà bếp. Ngoài ra, Đại học FPT cũng tổ chức nhiều khóa trải nghiệm cho sinh viên đi tới các nhà máy, nông trường để đóng gạch, trồng hoa, hái chè, chăn vịt… nhằm giúp các bạn tăng thêm kiến thức xã hội, vốn sống và trải nghiệm trước khi ra trường.