Gen Z "kiệt sức" vì áp lực học giỏi, kiếm tiền, cuộc sống mơ ước

Phương Thảo

(Dân trí) - Gen Z ở thời đại công nghệ 4.0 không chỉ đơn thuần là mục tiêu "học giỏi, có việc làm ổn định" mà còn là "thành công, kiếm nhiều tiền, có một cuộc sống mơ ước".

Khi guồng quay của cuộc sống ngày càng diễn ra mạnh mẽ áp lực cơm áo, gạo tiền đè nặng thì việc phải cố gắng, nỗ lực là điều tất yếu. Gen Z ở thời đại công nghệ 4.0 cũng vậy không chỉ đơn thuần là mục tiêu "học giỏi, có việc làm ổn định" mà còn là "thành công, kiếm nhiều tiền, có một cuộc sống mơ ước". Thế nhưng vô hình chung những mục tiêu này đã khiến Gen Z trở nên "kiệt sức" với mục tiêu của bản thân mình.

Làm bạn với Deadline

Gen Z kiệt sức vì áp lực học giỏi, kiếm tiền, cuộc sống mơ ước - 1

Gen Z "kiệt sức" vì áp lực phải thành công.

Khái niệm "Deadline" dần đã không còn trở nên xa lạ với nhiều bạn trẻ. Có thể bắt gặp cụm từ này thường xuyên trong những cuộc nói chuyện của Gen Z điển hình như "Deadline là bao giờ nhỉ?", "Deadline là thứ 2 tuần sau bạn nhé".

Thế nhưng điều này phản ánh một điều các bạn trẻ có quá nhiều mục tiêu, kế hoạch cho bản thân mà đôi khi cảm thấy bị "ngộp" trong khối lượng công việc của chính mình. Bạn Hà Linh (Sinh viên năm 3 Học viện Ngoại Giao) chia sẻ: "Cuộc sống của mình xoay quanh là deadline mình làm bất kể công việc gì đều cần có deadline. Bởi deadline khiến cho mình cảm thấy cần có trách nhiệm với công việc hơn. Thế nhưng đôi khi mình cảm thấy sợ vì "deadline dí" quá nhiều khiến bản thân bị stress"

Ở Anh, có đến 74% người trẻ nói rằng họ bị stress tới mức không thể chịu được một trong những nguyên nhân đó đến từ công việc. Gen Z thường xuyên tạo cho mình một thói quen bận rộn bằng việc luôn tạo ra deadline.

Deadline tạo cho họ cảm giác có kỷ luật với bản thân và cho những người xung quanh thấy rằng họ đang rất bận rộn và làm việc vô cùng chăm chỉ.

"Áp lực" từ chính mục tiêu của bản thân và bạn bè đồng trang lứa

Gen Z là thế hệ của toàn cầu hóa với sự phát triển không ngừng của xã hội, đòi hỏi các bạn phải trau dồi từng ngày để không bị bỏ lại ở phía sau. Vô hình điều này cũng tạo nên những áp lực từ việc phải thành công hay từ kỳ vọng quá cao ở bản thân.

Bạn Cảnh Quân (Sinh viên năm 3 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) chia sẻ: Vấn đề này luôn đi theo mình ngay từ khi còn là học sinh rồi. Mình nghĩ không chỉ riêng mình mà các bạn trẻ gen Z khác hầu như ai cũng như vậy. Thời đại này đòi hỏi chúng mình phải thực sự giỏi và phải có mục tiêu cực kỳ cao. Bản thân mình luôn mong muốn được mọi người công nhận về khả năng.

Hàng ngày, việc luôn phải chạy đua với "deadline" khiến cho chính bản thân mình kiệt sức, stress. Tệ hơn là điều đó khiến bản thân quên mất việc dành thời gian để chăm sóc bản thân và mọi người xung quanh.

Gen Z kiệt sức vì áp lực học giỏi, kiếm tiền, cuộc sống mơ ước - 2

Cảnh Quân (Sinh viên năm 3 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn).

ThS Đinh Hồng Anh (Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: "Theo tôi thứ áp lực nhiều nhất mà họ phải chịu đựng đó là "peer pressure" - áp lực đồng trang lứa. Khi đó cá nhân chịu ảnh hưởng của những người thuộc cùng nhóm xã hội (cùng độ tuổi, cùng lớp, cùng lĩnh vực hoạt động, môi trường sống...) và phải thay đổi hành vi, suy nghĩ hay thậm chí là giá trị của họ để phù hợp với các chuẩn mực của nhóm và để không có cảm giác thua kém, tự ti. Không xem một bộ phim tất cả mọi người đều bàn tán sẽ bị cho là tối cổ, ăn mặc không trendy bị cười nhạo quê mùa…"

Những người trẻ mang trong mình cái "tôi" rất lớn. Họ khao khát được khẳng định mình, được thể hiện bản thân. Nhất là trong thời đại số, họ càng có nhiều cơ hội và phương tiện để dễ dàng thể hiện mình hơn. Đôi khi họ nhìn vào những hình ảnh hào nhoáng, thành công của bạn bè, anh chị đi trước và tự đặt ra những áp lực và kỳ vọng cho bản thân rằng họ phải làm được giống như vậy. Cuốn vào guồng quay công việc là cách để họ "lăn xả" trong hành trình khẳng định mình.

Một số bạn Genz chia sẻ với tôi: Khi họ đi làm thêm, "Overtime" - làm thêm giờ chính là khái niệm được coi như "quy luật ngầm" ở nơi họ làm việc dù có muốn hay không. Bởi khi cả công ty đều làm thêm giờ và bạn lại không thì bạn sẽ bị đánh giá là thiếu nỗ lực và không cố gắng."

Quả thật, đôi khi chính từ những mục tiêu tưởng chừng sẽ là động lực để cố gắng ấy lại vô hình chung biến thành áp lực. Gen Z tự ra những "KPI" cho chính mình phải luôn cố gắng thế nhưng những điều ấy khiến các bạn bị kiệt sức. Họ luôn trong trạng thái phải hoạt động hết công suất, nỗ lực không ngừng nghỉ vì phải hoàn thành mục tiêu, kế hoạch của bản thân hay xung quanh có quá nhiều bạn bè bằng tuổi mình họ thật sự giỏi hơn mình.

Những điều này không cho phép các bạn có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân bởi nếu dừng lại rất có thể họ đang bị "thụt lùi".

Hiện nay đa phần những bạn trẻ bị "kiệt sức" vì phải chạy đua để bắt kịp xu hướng phát triển của Thế giới. Mọi thứ diễn ra một cách "chóng mặt" khiến GenZ phải tự ý thức được bản thân phải thích nghi nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.

Thế nhưng, những điều này đang cảnh báo tình trạng trầm cảm ở nhiều bạn trẻ vì phải làm việc quá nhiều dẫn đến việc không có thời gian chăm sóc bản thân và có thời gian cho những hoạt động khác.

Hãy ngưng đánh giá người thành công là một người bận rộn

Gen Z kiệt sức vì áp lực học giỏi, kiếm tiền, cuộc sống mơ ước - 3

Tỉ lệ GenZ mắc những bệnh như stress, trầm cảm,... ngày càng gia tăng mạnh mẽ. Đặc biệt, người trẻ mắc ung thư ở Việt Nam đang có dấu hiệu "trẻ hóa" một trong những nguyên nhân gây nên là do lối sống thiếu khoa học vì phải làm việc quá nhiều.

Họ luôn "nỗ lực đến kiệt sức" vì những ý nghĩ "bằng tuổi mình" hay "con nhà người ta". Họ đang bị áp lực bởi sự kỳ vọng quá nhiều đôi khi không phải từ những người xung quanh mà từ chính bản thân họ. Những bạn trẻ đang dần bị "kiệt quệ" về cả sức lực và tâm hồn bởi chính những áp lực đang đè nặng lên họ.

Thế nhưng liệu họ có đang đúng khi suy nghĩ thành công là phải làm việc quá nhiều? Liệu làm việc đến 2, 3h sáng có giúp họ kiếm nhiều tiền hơn, thành công hơn. Có một thực tế rằng, các công ty, tập đoàn sẽ tìm cách sa thải nếu như nhân viên ngã bệnh vì kiệt sức. Họ luôn tìm được người thay thế nếu như nhân viên vì không chịu được áp lực dẫn đến nghỉ việc.

Chính như điều này khiến GenZ rơi vào một vòng xoáy của công việc. Họ điên cuồng làm mọi việc, nỗ lực hoàn thành công việc được giao gấp nhiều lần so với người khác chỉ với mong muốn được sếp đánh giá tốt về mình. Thế nhưng những bạn trẻ ít ai có thể dừng lại để suy nghĩ: "Công việc này có đang tốt với mình", "Liệu mình có đang bỏ quên điều gì không?"

Dành lời khuyên cho các bạn trẻ ThS Đinh Hồng Anh (Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ: "Gen Z ngày nay có sự độc lập nhất định, điều đó càng dễ dàng hơn với sự trợ giúp của công nghệ.

Mỗi người đều có vận tốc và đích đến riêng, bên cạnh công việc, tập trung nhiều hơn vào phát triển bản thân sẽ giúp các bạn trẻ kiểm soát được hành vi, cảm thấy vui vẻ hơn trong cuộc sống và ít bị phụ thuộc, ảnh hưởng bởi những người xung quanh.

Ta không thể tự tàn phá chính mình bởi những áp lực. Lựa chọn kỹ càng về bạn bè, người yêu, với những người mình theo dõi trên mạng xã hội, những giá trị mà mình tin tưởng hay phản ứng của bản thân trước những vấn đề… cũng là cách điều hướng cuộc sống."