Gần 300 trẻ mầm non tranh tài bé với làn điệu dân ca

Trần Lê

(Dân trí) - Gần 300 trẻ mầm non đến từ 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hồ hởi tham gia Hội thi "Bé với làn điệu dân ca".

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa, hội thi "Bé với làn điệu dân ca" cấp tỉnh, cấp học mầm non, năm học 2022-2023 nhằm giúp trẻ hình thành kỹ năng cơ bản về hoạt động âm nhạc, biết vận dụng các kỹ năng để thể hiện tác phẩm âm nhạc và phát triển ở trẻ khả năng thẩm mỹ, tư duy, thực hiện những kỹ năng cơ bản về hoạt động âm nhạc.

Gần 300 trẻ mầm non tranh tài bé với làn điệu dân ca (Video: Trần Lê).

Đồng thời, hình thành cho trẻ sự yêu thích, biết cảm thụ âm nhạc đối với làn điệu dân ca; giáo dục cho trẻ tình yêu quê hương, đất nước; góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; giáo dục thẩm mỹ, phát huy năng khiếu, sự sáng tạo của trẻ; tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhà trường.

Ngoài ra, thông qua Hội thi nhằm tuyên truyền, vận động, thu hút sự quan tâm của các ban, ngành, đoàn thể xã hội, phụ huynh của trẻ về ý nghĩa, tầm quan trọng của dân ca đối với trẻ mầm non…

Sở GD&ĐT yêu cầu Hội thi phải được tổ chức đảm bảo nghiêm túc, khách quan, chính xác, công bằng và đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, mang lại ý nghĩa thiết thực; đảm bảo các điều kiện về vệ sinh; tạo không khí vui vẻ, ấn tượng đối với trẻ, phụ huynh và cộng đồng.

Trước đó, các nhà trường đã tổ chức Hội thi cho các nhóm, lớp. Tiếp đó, các Phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức hội thi, mỗi đơn vị lựa chọn đoàn tham dự hội thi cấp tỉnh.

Gần 300 trẻ mầm non tranh tài bé với làn điệu dân ca - 1

Các bé Mầm non huyện Triệu Sơn tại Hội thi "Bé với làn điệu dân ca".

Sau thời gian lựa chọn, tích cực tập luyện, Hội thi cấp tỉnh được khai mạc với sự tham gia của 27 đoàn. Mỗi đơn vị tối đa 10 trẻ mẫu giáo 5 tuổi.

Chương trình biểu diễn của đội có ít nhất 3 bài và nhiều nhất là 5 bài hát dân ca. Thể hiện giọng hát hay, đúng giai điệu, nhịp điệu, phong cách biểu diễn tự tin...; mỗi đội tự giới thiệu về đội của mình và thể hiện một chương trình văn nghệ có nội dung: Ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, con người, yêu cuộc sống, yêu làn điệu dân ca... phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.

Hát các bài dân ca vùng miền, trình bày theo lời cổ phù hợp với độ tuổi và phong cách âm nhạc, có thể biểu diễn ca khúc được lấy chất liệu từ các làn điệu dân ca, khuyến khích các bài hát dân ca hoặc mang âm hưởng dân ca của địa phương mình.

Thanh tra Sở GD&ĐT được giao giám sát công tác tổ chức Hội thi, phối hợp với Ban Tổ chức và các bên liên quan giải quyết khiếu nại của các đơn vị (nếu có).

Đối với các tác phẩm mới hoặc tự sáng tác, thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm về nội dung, tính pháp lý trước cơ quan chức năng. Khuyến khích sử dụng các tác phẩm đã tham dự cuộc vận động sáng tác ca khúc về ngành giáo dục.

Không được hát hộ, thu sẵn lời ca trong các tiết mục có hát, nếu dùng băng, đĩa nhạc đệm thay cho dàn nhạc thì không được dùng băng, đĩa đã có phần lời (kể cả hát bè, đọc lời bình) của bài hát. Các đoàn dự thi không được sử dụng chất nổ, chất dễ gây cháy, lửa, các loại pháo (pháo hoa, pháo phụt, pháo giấy, pháo trang kim, pháo điện...) để tạo hiệu ứng sân khấu.

Ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân và có vai trò quan trọng trong việc tạo cơ sở ban đầu cho sự phát triển toàn diện nhân cách của thế hệ trẻ. Hội thi "Bé với làn điệu dân ca" đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh được thực hiện trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Theo ông Dĩnh, Hội thi đã diễn ra sôi nổi, hào hứng từ tháng 12/2022, có 100% trường mầm non đã tổ chức Hội thi cấp trường; 27/27 đơn vị đều tổ chức hội thi cấp huyện, thị xã, thành phố, có 645, với 5.859 trẻ tham gia dự thi.

Hội thi cấp tỉnh diễn ra trong 2 ngày 23 và 24/3, có 270 thí sinh là các cháu lớp mẫu giáo 5-6 tuổi đại diện cho 678 trường mầm non tham gia.