“Đừng để hươu chạy lầm đường”

(Dân trí) - Bao lâu nay, chúng ta cứ hô hào “cấm yêu” ở tuổi mới lớn. Nhưng thử hỏi, việc cấm đó có hiệu quả gì không? Hay chỉ là ở lời hô khẩu hiệu, vì thực tế các em vẫn lén lút yêu đương.

Bắt đầu từ khi ra đời, chúng ta phải học biết bao kỹ năng. Chẳng có ai mà tự động thành thạo ngay được. Đơn giản như việc học đi: vấp ngã, lại đứng dậy, đi tiếp, để rồi biết đi… Cũng như thế với tất cả các kỹ năng khác.

Chuyện học yêu cũng giống như vậy. Nhưng học yêu lại cũng khác ở chỗ, “học phí” của nó phải trả bằng những va vấp đau đớn mà nhiều khi sẽ trở thành những “vết sẹo” khó xóa mờ, nhất là với các em gái đang chập chững trước ngưỡng cửa trưởng thành.

Gần đây, chúng ta đọc được trên báo nhiều vụ yêu đương tuổi mới lớn để lại hậu quả, thậm chí là một số vụ thầy giáo quan hệ tình cảm với học trò phải đi phá thai. Đọc xong, chúng ta thảng thốt, rồi quay sang trách cứ các em gái đó thật hư đốn, buông thả; hoặc chửi rủa các ông thầy giáo đó là sa đọa, vô đạo đức.

Suy cho cùng, khi một việc xảy ra, thì các bên đều có lỗi, chứ không riêng gì ai. Việc xảy ra với các em gái đó cũng có thể sẽ là việc xảy ra với một em gái nào đó ở rất gần ta, là họ hàng, người thân quen của ta. Bởi lẽ trong một ngày dài 24 tiếng, ngoài thời gian ở nhà, các em trải qua phần lớn thời gian ở ngoài khuôn viên gia đình, ai biết được các em sẽ làm gì khi đó? Đành rằng chúng ta phải có niềm tin vào sự tử tế, đạo đức của người khác - những người giao lưu với con em chúng ta, nhưng rốt cuộc, một sự chuẩn bị, sự phòng vệ ngay từ bản thân con em chúng ta sẽ hiệu quả hơn và chủ động hơn.

Bao lâu nay, chúng ta cứ hô hào “cấm yêu” ở tuổi mới lớn. Nhưng thử hỏi, việc cấm đó có hiệu quả gì không? Hay chỉ là ở lời hô khẩu hiệu, vì thực tế các em vẫn lén lút yêu đương. Bao lâu nay, người ta vẫn cứ băn khoăn “có nên vẽ đường cho hươu chạy”. Thực ra, hươu đến lúc muốn chạy thì hươu vẫn cứ chạy, dù có biết đường hay không. Vậy cho nên, nếu hươu được vẽ đường đúng thì hươu sẽ đỡ tốn thời gian, công sức hơn, không phải sửa chữa hậu quả khi chạy nhầm đường.

Trong chuyện “vẽ đường” này, cần sự đóng góp của cả hai phía: gia đình và nhà trường.

Nhà tâm lý người Mỹ, tiến sĩ Kevin Leman cho rằng, nếu cha mẹ không sẵn lòng thảo luận về tình dục, con gái bạn sẽ đi tìm câu trả lời từ nơi khác, và bạn sẽ hoàn toàn mất kiểm soát về những gì nó nghe được.

Nhiều nhà tâm lý, chuyên gia tư vấn tâm huyết với giáo dục thanh thiếu niên cũng có chung mong mỏi về việc giới trẻ được học các kỹ năng cuộc sống ở trường học như cách nấu ăn, quản lý tiền bạc, quản lý cân nặng, cách đối nhân xử thế, cách giao tiếp, cách hẹn hò…

Nữ giáo viên, tác giả, diễn giả truyền động lực người Mỹ Louise L. Hay (1926-2017) từng trăn trở: “Thay vì phải học thuộc lòng ngày tháng của những cuộc chiến, nếu trẻ được dạy cách suy nghĩ, cách yêu thương bản thân, cách có những mối quan hệ lành mạnh, cách trở thành những bậc cha mẹ sáng suốt, cách xử lý tiền bạc và cách trở nên khỏe mạnh, như vậy chẳng phải sẽ vô cùng tuyệt vời sao? Rất ít người trong chúng ta được dạy cách đối mặt với những khía cạnh khác nhau như thế trong cuộc sống. Nếu biết cách, chắc hẳn ta đã giải quyết mọi việc khác đi.”

Nguyên Chi