Đừng để các em học sinh "sợ" tiết chào cờ

(Dân trí) - Hiện nay có một số đơn vị trường học chưa linh hoạt đổi mới nội dung trong tiết chào cờ mà vẫn thường là những lời răn dạy, quát nạt học trò làm cho tiết chào cờ trở nên khô khan, cứng nhắc, gây nhàm chán học sinh.

Hiện nay, ở các đơn vị trường học vẫn thường áp dụng theo một nội dung khô cứng đó là: đối với trường Tiểu học; THCS là Tổng phụ trách Đội, đối với trường THPT là Bí thư Đoàn trường điều khiển tiết sinh hoạt dưới cờ. Đầu tiên là chào cờ hát quốc ca, sau đó các thầy cô này nhận xét và xếp loại thi đua giữa các lớp trong tuần qua, rồi gọi tên những em học sinh vi phạm như: không thuộc bài, nghỉ học nhiều, vi phạm nề nếp học tập, lao động…đứng lên để quở trách và định hình thức kỉ luật… Sau đó giới thiệu đến Hiệu trưởng, Hiệu phó chuyên môn, Hiệu phó ngoài giờ lên lớp lên “phát biểu chỉ đạo” và cuối cùng là kết thúc buổi chào cờ!.

Chúng ta đều biết, một tiết học chỉ có 45 phút (đối với khối trường phổ thông) và 35 phút (đối với khối Tiểu học) mà thực hiện nghi thức rồi sau đó là có tới 3-4 vị lên “phát biểu chỉ đạo” thì còn đâu thời gian mà thực hiện các hoạt động ngoại khóa nữa.

Điều đáng bàn nhất là các vị lãnh đạo lên phát biểu thì toàn là giọng đao to búa lớn để chấn chỉnh học trò. Những em học sinh chưa ngoan thì không sao, chứ những em học sinh ngoan hiền, thầy cô bộ môn nghe những điều như vậy liệu có phù hợp và thiết thực? Chưa kể những điệp khúc “bài ca năm tháng” ca đi ca lại hoài thử hỏi tiết chào cờ sao không đơn điệu nhàm chán? Nhiều em học sinh hay vi phạm nội qui thường trốn học vào ngày thứ 2 đầu tuần bởi lẽ nếu các em vào dự chào cờ là phải đứng trước cờ, mà khi các em đã lớn rồi thì chuyện đứng trước cờ chưa hẳn là một biện pháp giáo dục hay.

Làm thế nào để tiết chào cờ không mất đi vẻ trang nghiêm mà vẫn tạo được sự thích thú cho học sinh và cả giáo viên là điều mà ban giám hiệu (BGH) và cán bộ Đoàn - Đội nên làm. Trong đó người đóng vai trò quyết định là thầy cô đảm nhận công tác Đoàn - Đội trong nhà trường và Hiệu phó phụ trách ngoài giờ lên lớp. Hai thầy cô này phải có những kế hoạch và định hướng cho nội dung của từng buổi chào cờ.

Chúng ta không nên cứ áp dụng một mô hình đã cũ. Trong BGH có ba người thì cần ngồi lại với nhau vào chiều thứ 7 tuần trước để thống nhất tuần tới triển khai cái gì, và chỉ cần một vị đại diện lên phát biểu ngắn gọn, có nhắc nhở nhưng có động viên, nhắn gửi để các em không chỉ “sợ” mà còn thấy lời thầy cô là động lực để phấn đấu. Bởi những việc không quan trọng, không cần thiết thì dành nội dung đó vào tiết sinh hoạt cuối tuần của lớp. Ngoài chào cờ thì các nội dung khác đã được BGH triển khai trong các cuộc họp chi bộ, họp Hội đồng sư phạm, họp tổ chuyên môn…

Những tiết chào cờ cần linh hoạt và thay đổi chủ đề, thay đổi nội dung. Sau khi thực hiện phần nghi thức, thời gian còn lại cần tổ chức cho các em tham gia các hoạt động sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, giao lưu, tư vấn, tuyên truyền pháp luật dưới các hình thức khác nhau như đối đáp, diễn kịch, kể chuyện… nhằm phát huy năng lực của học trò, cũng như thông qua các hoạt động đó mà lồng ghép giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em (phần này có thể giao cho các em trong liên Đội hoặc BCH chi Đoàn điều khiển). Và, điều tối kị là không nên cảnh cáo học sinh nhiều lần dưới cờ, điều này rất dễ gây cho các em mặc cảm, chán nản mà dẫn đến những hệ lụy xấu.

Một tiết chào cờ sẽ rất ngắn nếu so với một tuần học tập của các em trên lớp, và nó sẽ ngắn hơn nếu các thầy cô Đoàn - Đội biết tổ chức một cách ý nghĩa, thiết thực mang tính giáo dục. Nhưng, nó sẽ dài lê thê và nhàm chán nếu chúng ta cứ lặp đi lặp lại những hạn chế của học trò, bêu tên các em trước cờ và cứ vị này lên “chỉ đạo” lại đến vị khác “chỉ đạo” một cách nhàm chán không cần thiết.

Nguyễn Văn Khánh

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!