Bạn đọc viết:

Đừng cởi trói nửa vời…

(Dân trí) - Bài viết “Học sinh TPHCM xin giảm áp lực cho thầy cô” trên báo Dân trí cùng những chia sẻ tâm sự của các em trong chương trình lãnh đạo thành phố gặp gỡ thiếu nhi đầu năm Kỷ Hợi 2019 có làm cho ai đó phải nặng lòng trăn trở về áp lực vô hình nơi học đường?

Áp lực học tập của học sinh, áp lực giảng dạy của thầy cô thời nào cũng có. Nhưng chưa bao giờ lại nóng hổi nhiều vấn đề nổi cộm như bây giờ. Người ta nói nhiều, bàn nhiều và kêu gọi vô số lần về việc “cởi trói” cho cả thầy lẫn trò thoát khỏi áp lực nhưng dường như mọi chuyện vẫn khá nửa vời.

Đúng như lời thổ lộ của em Võ Ngọc Thủy Tiên (Trường Nguyễn Văn Luông, Q.6, TPHCM) về áp lực thi đua của giáo viên:“Khi lên lớp thầy cô bị dồn nén, chạy đua về kiến thức làm cho HS rất khó để tiếp thu và gây sự mệt mỏi, căng thẳng cho thầy trò trong mỗi tiết học”.

Chỉ tiêu, thành tích, thi đua vẫn như con sóng ngầm trong giáo dục. Đầu năm nhà trường ấn định một loạt chỉ tiêu về học sinh khá giỏi, tỉ lệ lên lớp, chất lượng phong trào, mũi nhọn học sinh giỏi… Giáo viên buộc phải quay cuồng giảng dạy để đạt chỉ tiêu đề ra.

Khi áp lực bủa vây, làm sao người thầy lên lớp có thể an nhiên nở nụ cười tươi trong khi vẫn canh cánh lo về những chỉ tiêu chưa đạt? Làm sao người thầy có thể thăng hoa với bài giảng khi kỳ đánh giá thi đua, xếp hạng giữa lớp này và lớp kia sắp bắt đầu? Và bài giảng nào cũng dài, cũng cần đáp ứng đủ các yêu cầu cần đạt về kiến thức, có thể nào lơ là chút xíu, chiếm dụng thời gian ít nhiều để hỏi han, tâm tình và lắng nghe trò tâm sự, sẻ chia?...

Thầy căng thẳng giảng dạy, lẽ tất nhiên trò cũng mệt mỏi chạy theo kiến thức. Muốn học sinh của mình tiến bộ, đạt danh hiệu này kia, đậu trường tốp đầu… là những ước mong mà cũng là áp lực vô hình đẩy quan hệ thầy trò trở nên ngột ngạt.

Nghỉ lễ, trò được giao hàng đống bài tập. Nghỉ Tết, trò cũng được “lì xì” bằng vô số bài tập. Vậy thì các ngày lễ Tết đâu còn là dịp nghỉ ngơi, quay quần, sum họp gia đình, kết nối tình thân và học tập kỹ năng sống? Lễ Tết là dịp nhồi nhét thêm kiến thức từ các trang sách vở mà bình thường đã quá áp lực với việc học.

Chia sẻ của em Đồng Vân Anh (THCS Trung Lập, Củ Chi) về việc đón Tết nguyên đán nhưng vẫn thấp thỏm làm bài tập cho xong có lẽ là tình cảnh chung của không ít đứa trẻ đang tuổi cắp sách đến trường. Hết bài tập Văn đến Toán, Anh, Lý, Hóa… cứ quay các con như chong chóng thì còn đâu niềm vui sum họp, đoàn viên?

Người ta thường bảo học sinh Việt giỏi kiến thức nhưng thiếu kỹ năng sống. Người ta thường ca thán sinh viên Việt chuyên về lý thuyết trong khi khả năng sáng tạo, thực hành lại hạn chế. Vậy thì kỹ năng sống, khả năng sáng tạo, thực hành… sẽ được bồi đắp thế nào trong khi quanh năm suốt tháng các con đã cắm cúi vào sách vở còn dịp lễ Tết lại cặm cụi giải Toán, Lý, Hóa, Sinh…?

Thử nhìn lại dịp Tết nguyên đán vừa qua, chúng ta đã tạo cơ hội và điều kiện để con trẻ đón Tết một cách trọn vẹn chưa? Các em đã đón Tết cùng vô số bài tập ư? Hay là bọn trẻ đã biết giúp bố mẹ dọn dẹp đồ đạc, trang trí nhà cửa, chúc Tết mọi người, sẻ chia tình làng nghĩa xóm…?

Nếu mải quẩn quanh với bài tập dịp tết thì thật tội nghiệp các con. Nếu được học những bài học giản đơn mà ý nghĩa dịp Tết thông qua vô số trải nghiệm quý giá cùng người thân, bạn bè thì thật thú vị!

Ai cũng từng là học sinh, ai cũng từng đối diện với vô số áp lực trong học tập. Đặt mình vào từng hoàn cảnh của mỗi đứa trẻ để thấu hiểu tâm tư của các con chính là cách yêu thương, nâng đỡ, trợ giúp các con trưởng thành và phát triển một cách khỏe mạnh nhất.

Một lần nữa lãnh đạo TPHCM nói riêng và chúng ta nói chung lại được lắng nghe các con tâm sự. Hy vọng rằng những gửi gắm chân tình của bọn trẻ về việc “cởi trói” áp lực cho thầy cô và cho chính các con được thấu hiểu và tìm cách tháo gỡ. Mong lắm thay…

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!