Dư luận bất bình vì nhiều vụ xâm hại trẻ em không được xử lý thỏa đáng

(Dân trí) - Nạn xâm hại tình dục trẻ em đang làm dư luận hoang mang, phẫn nộ không chỉ vì họ căm phẫn kẻ ác mà họ còn bất bình khi nhiều vụ việc không được cơ quan pháp luật xử đến nơi đến chốn.

Sáng nay, báo Tiền phong và ĐH Văn Hiến phối hợp tổ chức tọa đàm “Chống xâm hại tình dục trẻ em” tại TPHCM với nhiều đại diện đến từ các cơ quan công an, nhà trường, chuyên gia tâm lý, luật sư, bác sĩ... Tại tọa đàm, PGS.TS Trần Thị Kim Xuyến, ĐH Văn Hiến đã thẳng thật nói ra nhiều vấn đề quanh nạn xâm hại tình dục đang làm “nóng” dư luận thời gian qua.


Buổi tọa đàm “Chống xâm hại tình dục trẻ em” diễn ra sáng nay 16/3 tại TPHCM.

Buổi tọa đàm “Chống xâm hại tình dục trẻ em” diễn ra sáng nay 16/3 tại TPHCM.

Theo bà Xuyến, mỗi một người phát biểu lại đưa ra một con số về nạn xâm hại tình dục ở Việt Nam. Điều này nói lên chúng ta chưa quan tâm một cách thỏa đáng, chưa quan tâm về mặt khoa học đến vấn đề này.

Nhưng có một điểm chung có thể thấy là các con số ít hơn thực tế diễn ra. Chúng ta không thống kê một cách đầy đủ do đặc điểm văn hóa, tâm lý ngại lên tiếng cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, khó nói.

“Một điều nữa, nhiều khi vì bệnh thành tích làm chúng ta không dám nói những điều đang diễn ra”, bà Xuyến nói.

Bà Xuyến cũng cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng ở các quốc gia văn minh cũng xảy ra hiện tượng này? Có cần thiết phải làm rầm rộ hay không? Bà Xuyến phản bác: Đúng, nhưng ở những nơi đó pháp luật thực thi nghiêm và xã hội không chọn sự im lặng.

Dư luận xã hội ở Việt Nam đang phản ứng vì phẫn nộ đối với những hành vi đồi bại của những kẻ xâm hại trẻ em. Nhưng bà Xuyến nhấn mạnh: “Có lẽ hơn thế nữa, họ không đồng tình với tình trạng quá nhiều vụ việc nghiêm trọng đã và sẽ bị xem nhẹ và dần dần bị bỏ rơi trong quên lãng. Và sau đó, để lại những nỗi đau suốt cuộc đời của những đứa trẻ và những người thân. Chúng ta có người mẹ, người cha dường như đơn độc đi cầu cứu hết nơi này đến nơi khác mà không thể lấy lại được công bằng”.

Bà nêu ra suy nghĩ: Hình như pháp luật đang bảo vệ một nhóm người nào đó. Các em phải bảo vệ mình, phụ huynh phải dạy con là đúng nhưng cần có một thể chế để bảo vệ.

Theo bà Xuyến, hiện nay nhiều cơ quan, tổ chức xã hội và người dân đã không thể im lặng. Họ đã hiểu rằng, im lặng là tiếp tay, là bảo vệ cho những kẻ xâm hại. Họ đòi hỏi các cơ quan chức năng phải vào cuộc và xử lý nghiêm đối với bất cứ kẻ xâm hại nào, cho dù đó là ai.

“Công lý cần được thực thi một cách bình đẳng. Về mặt pháp luật, trước sự đa dạng của thực tế xã hội, cần có những quy định pháp lý thay đổi cho phù hợp”, bà Xuyến nhấn mạnh.

TS Phạm Thị Thúy cũng dẫn ra trường hợp đau lòng bé gái ở Cà Mau tự vẫn sau khi bị hàng xóm xâm hại tình dục cho thấy sự bế tắc của các nạn nhân. Khi học không có niềm tin vào công lý, vào pháp luật sẽ xử lý kẻ ác gây ra nỗi đau cho mình.

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM bày tỏ quan điểm, cơ quan điều tra chưa nghiêm, xử lý không thỏa đáng làm người dân bức xúc.

“Như ở Vũng Tàu, ông già xâm hại nhiều trẻ em mà vẫn để nhởn nhơ thì dân mong chờ vào đâu. Hay chúng ta chờ các gia đình có con bị xâm hại cùng quay sang “xử” kẻ gây hại? Pháp luật không nghiêm, người dân sẽ vô kỷ luật”, thầy Phú nói.

Hoài Nam