Du học sinh Việt gây quỹ cộng đồng chống Covid-19

(Dân trí) - Các du học sinh Việt tại Mỹ, Thuỵ Sĩ và Việt Nam đã khởi xướng dự án "Pay It Forward” nhằm quyên tiền chống Covid-19 đồng thời hỗ trợ bạn trẻ Việt Nam tiếp cận với các chương trình học bổng du học.

Khi chuyển 200.000 đồng tới Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho chương trình chống Covid-19, học sinh, sinh viên sẽ được du học sinh chia sẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ, xin học bổng.

"Một mũi tên trúng hai đích" – dự án "Pay It Forward" không chỉ đóng góp vào “cuộc chiến” chống Covid-19 mà còn giúp đỡ bạn trẻ Việt Nam tiếp cận với các chương trình học bổng du học và xóa bỏ suy nghĩ tiêu cực của một bộ phận trước việc du học sinh về nước giữa đại dịch. 

Bạn Trịnh Lộc Phúc, 26 tuổi, ở Hà Nội, cựu thành viên chương trình Giao lưu thanh niên, sinh viên Nhật Bản - Đông Á 2017 là người khởi xướng dự án.

Sau khi đọc câu chuyện hai lần mắc kẹt tại sân bay của Lê Thị Kỳ Duyên qua facebook, sinh viên Đại học Texas tại San Antonio, Mỹ, Phúc Lộc liên hệ với nữ du học sinh Mỹ để chia sẻ ý tưởng. Cả hai nhanh chóng phác thảo về dự án.

Lộc tiếp tục liên lệ với những du học sinh ở Mỹ, Thuỵ Sĩ và nhận được sự ủng hộ của ba bạn là Bích Quân (sinh viên Đại học Fordham, Mỹ), Vy Võ (cựu sinh viên Baruch College, hiện làm việc tại New York) và Phương Thanh (sinh viên UBIS University Geneva, Thuỵ Sĩ).

Lộc mất một ngày (28/03) để lên ý tưởng và cả nhóm mất thêm 1 ngày (29/03) để triển khai và thực hiện ý tưởng đó. Họ cùng tạo fanpage truyền thông cho dự án từ ngày 30/03.  

Du học sinh Việt gây quỹ cộng đồng chống Covid-19 - 1

5 du học sinh đồng sáng lập "Pay it forward".

Dự án Pay It Forward là một dự án gây quỹ cộng đồng nhằm đóng góp vào cuộc chiến phòng, chống Covid-19 của Việt Nam. Số tiền quyên góp sẽ được chuyển trực tiếp đến “Quỹ phòng chống dịch Covid-19” của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

“Sau khi đọc ý kiến không hay về việc du học sinh về nước và những bạn mắc kẹt tại Pháp, Mỹ, mình đã nghĩ phải làm điều gì đó thay đổi cái nhìn của mọi người về du học sinh Việt đang học tập tại nước ngoài”, Phúc Lộc tâm sự.

Thông qua dự án, Lộc muốn tạo điều kiện cho du học sinh/ cựu du học sinh cũng như các bạn trẻ đang học tập tại nước ngoài chung tay đóng góp, chia sẻ với đất nước trong đợt dịch bệnh Covid-19; tạo giá trị cho cộng đồng, truyền cảm hứng kinh nghiệm cho các bạn trẻ đi ra thế giới; “thổi bay” những đánh giá tiêu cực, ý kiến sai trái về du học sinh.

Hiện tại, "Pay It Forward” có 38 tình nguyện viên và hơn 30 bạn là Ambassador (đại sứ) hỗ trợ dự án.

Sau 2 ngày đăng tải đơn tuyển mentor (người hướng dẫn) đã có hơn 30 người đã đăng ký. Tất cả đều là du học sinh, cựu du học sinh có kinh nghiệm trong việc học ngoại ngữ, xin học bổng du học hay xin việc ở nước ngoài, muốn được chung tay hỗ trợ học sinh, sinh viên Việt Nam và góp phần đẩy lùi Covid-19. 

Ngoài việc tham gia dự án, các thành viên là du học sinh, người đi làm vẫn phải làm bài tập, làm việc hằng ngày. Thêm vào đó, vì lệch múi giờ lên đến 12 tiếng nên các thành viên đang ở Việt Nam và các bạn ở Mỹ luân phiên dựng đầu nhau dậy lúc mấy 1-2 giờ sáng.

Thời gian đầu, có rất nhiều công việc mà nhóm phải liên tục trao đổi, cập nhật với nhau, không tránh khỏi việc các bạn ở Việt Nam hoặc ở Mỹ phải thức khuya hoặc dậy rất sớm để có thể làm việc cùng với các thành viên còn lại.

Song, với trái tim nhiệt huyết hướng về cộng đồng, nhóm du học sinh này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của mọi người khi xây dựng dự án.

“Chúng mình không nghĩ sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người như vậy sau khi mở đơn tuyển TNV hỗ trợ dự án. Chỉ sau 2 ngày chúng mình đã nhận được hơn 100 đơn ứng tuyển từ các bạn là học sinh, sinh viên tại Việt Nam cũng như rất nhiều bạn du học sinh đang ở nước ngoài”, Vy Võ - cựu du học sinh Mỹ, đồng sáng lập dự án nói.

Phương Thanh – nữ du học sinh Đại học UBIS University Geneva, Thuỵ Sĩ) cho hay: “Khi được anh Phúc chia sẻ về ý tưởng của dự án, cả 4 người chúng mình đều rất hứng thú và muốn thực hiện nhanh nhất có thể. Vì thế mình nghĩ thuận lợi của Pay It Forward trước hết là sự đồng lòng và tin tưởng dự án nhất định sẽ thành công của cả 5 người chúng mình.

Vì muốn thực hiện dự án nhanh nhất có thể nên điều đó cũng sẽ dẫn đến một số khó khăn nhất định như quá nhiều công việc trong thời gian đầu và một số thứ không được như trong kế hoạch, vì chúng mình có rất ít thời gian để chỉnh sửa và thay đổi”.

Nhiều học sinh, sinh viên đã đăng ký trở thành mentee (người được hướng dẫn). Những bạn này sẽ nộp tối thiểu 200.000 đồng vào tài khoản của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chụp ảnh xác nhận đã chuyển khoản và gửi tới dự án. Tùy mong muốn học ngoại ngữ, tìm kiếm học bổng, sửa CV, bài luận, thành viên dự án sẽ ghép với mentor phù hợp để chia sẻ kinh nghiệm.

Mỗi mentee sẽ có từ một đến ba buổi nói chuyện với các mentor trực tuyến thông qua Facebook, Zoom, Google Classroom hay Skype. Các buổi nói chuyện có thể là 1-1 hoặc một người hướng dẫn 3-4 học sinh, sinh viên.

Nhóm du học sinh đặt mục tiêu có 50 mentor và 250 mentee đăng ký trong một tháng. Với số tiền tối thiểu 200.000 đồng một bạn, dự án có thể đóng góp ít nhất 50 triệu đồng cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phòng chống Covid-19.

"Chúng mình không nhận tiền ủng hộ từ học sinh, sinh viên mà yêu cầu chuyển khoản cho Mặt trận Tổ quốc nhằm tạo minh bạch", Lộc nói.

Tầm nhìn của "Pay It Forward" là kết nối và xây dựng mạng lưới giữa các bạn trẻ tại Việt Nam có mong muốn đi du học và các bạn du học sinh là công dân Việt Nam hiện đang sinh sống tại khắp nơi trên Thế giới.

Từ đó chương trình tạo động lực và truyền cảm hứng cho người trẻ đi ra thế giới và đóng góp cho cộng đồng, xã hội. 

Lệ Thu