Đồng phục học sinh: Phụ huynh nghèo “méo mó”!

(Dân trí) - Đồng phục học sinh hiện nay được các trường học thực hiện nghiêm túc bởi không chỉ thực hiện theo quy định mà còn khẳng định thương hiệu của trường mình. Chính vì việc khẳng định thương hiệu này mà không ít phụ huynh nghèo “méo mó” vì lo tiền đồng phục cho con.

Đồng phục học sinh theo kiểu vest Hàn Quốc

Vừa qua, trường tiểu học Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội đưa ra yêu cầu đổi đồng phục mới cho học sinh. Theo đó, mẫu đồng phục theo kiểu vest Hàn Quốc. Cả bộ trang phục gồm áo sơ mi dài tay, nơ đeo cổ, quần âu dài, áo veston... dành cho học sinh lớp 1, lớp 2 có giá 629.000 đồng/bộ; học sinh lớp 3 có giá 661.000 đồng/bộ và học sinh lớp 4, lớp 5 có giá 693.000 đồng/bộ khiến nhiều phụ huynh nghèo ở vùng quê bức xúc phản ứng bởi tiền đóng đồng phục này quá cao, trong khi đó còn bao khoản thu khác vào đầu năm học mới.
 
Mẫu đồng phục của Trường Tiểu học Văn Bình.
Mẫu đồng phục của Trường Tiểu học Văn Bình.


Lãnh đạo nhà trường lý giải, việc may đồng phục này là trên cơ sở tự nguyện chứ không ép buộc. Ban giám hiệu chỉ tư vấn cho ban đại diện phụ huynh về hình dáng, logo, hình mẫu, kiểu cách, còn may như thế nào là quyết định của Ban đại diện phụ huynh.
 
Trao đổi với PV Dân trí  sáng 21/8, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Phòng GD-ĐT huyện Thường Tín đã báo sự việc lên Sở  GD-ĐT Hà Nội. Sở đã yêu cầu Trường tiểu học Văn Bình dừng việc may đồng phục cho học sinh”.
Trước sự việc trên, Phòng GD-ĐT huyện Thường Tín đã chỉ đạo cho Trường tiểu học Văn Bình phải họp toàn thể phụ huynh để thống nhất lại việc may đồng phục cho học sinh. Tuy nhiên, trong cuộc họp, nhiều ý kiến cho rằng, việc may đồng phục mới phụ huynh nào đồng ý mua thì mua, không có việc trường bắt ép và đưa ra phương án: Học sinh vẫn có thể mặc đồng phục của năm học cũ.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Dũng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thường Tín cho biết: “Đây là phương án không ổn, không thể học cùng trường mà lại có học sinh mặc đồng phục mới, đẹp, có học sinh dùng đồng phục cũ. Do vậy, quan điểm chỉ đạo của phòng là yêu cầu nhà trường dừng, không làm bộ đồng phục này mà vẫn dùng mẫu và sử dụng bộ đồng phục cũ”.

Quy định đồng phục không nên cứng nhắc!

Việc mua sắm đồng phục cho học sinh hiện nay đã được đa số phụ huynh học sinh ủng hộ và đã được đưa vào quy định của Bộ GD-ĐT.

Theo đó, Bộ GD-ĐT quy định, tùy theo khí hậu, thời tiết các vùng, miền, căn cứ vào điều kiện của nhà trường, được cha mẹ học sinh đồng thuận về chủ trương, hiệu trưởng nhà trường sẽ quyết định việc mặc đồng phục và quy định kiểu dáng, màu sắc, số ngày mặc đồng phục trong tuần. Ngoài ra, phụ huynh học sinh hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục theo góp ý trên của nhà trường. Trong trường hợp cần có sự thay đổi kiểu dáng, màu sắc đồng phục phải được sự đồng ý của Hội đồng trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Bày tỏ quan điểm mặc đồng phục của học sinh hiện nay mà dư luận đang quan tâm, trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng: “Quy định mặc đồng phục cho học sinh trong trường rất quan trọng, phá sự ngăn cách giữa giàu - nghèo giữa các học sinh trong trường học. Ở nhà, tùy theo hoàn cảnh gia đình các em có cách ăn mặc theo sở thích riêng nhưng đến trường thì ai cũng bình đẳng như ai”.

PGS Cương cho hay, quy định mặc đồng phục không nên cứng nhắc. Với các em học sinh, mặc đồng phục trước tiên phải thoải mái, thuận tiện. Bên cạnh đó, mẫu đồng phục, giá cả phải được sự thống nhất, đồng thuận, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của học sinh và phụ huynh.
 
Đồng phục của Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội.
Đồng phục của Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội.

Một hiệu trưởng ở Hà Nội chia sẻ quan điểm, đồng phục học sinh cũng thể hiện thương hiệu của nhà trường. Do vậy, trường đưa ra mẫu đồng phục mới, học sinh, phụ huynh có thể lựa chọn đặt mua tại trường hoặc đặt mua ở ngoài theo mẫu nhà trường.

Hồng Hạnh