Đổi mới sáng tạo liên ngành, liên lĩnh vực để nâng cao nguồn lực lâm nghiệp

Nhật Hồng

(Dân trí) - Ngày 16/5, tại trường ĐH Lâm nghiệp đã diễn ra Hội thảo "Định hướng phát triển khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Lâm nghiệp giai đoạn 2022 - 2030".

Tham dự hội thảo có PGS.TS. Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; ông Keijo Norvanto - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam; GS.TS, Marco Abbiati - Tham tán khoa học Đại sứ quán Italia; ông Stefan Hase Bergen Giám đốc DAAD tại Việt Nam và đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều tỉnh, thành, nhiều nhà khoa học, giảng viên, chuyên gia đến từ lĩnh vực lâm nghiệp.

Đổi mới sáng tạo liên ngành, liên lĩnh vực để nâng cao nguồn lực lâm nghiệp - 1

PGS.TS. Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Dư địa tài nguyên không còn nhiều

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Năm 2010 chúng ta xuất khẩu 3,6 tỷ đô la Mỹ từ các sản phẩm đồ gỗ, đến năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 tác động nhưng chúng ta đã xuất khẩu xấp xỉ 19 tỷ đô la Mỹ, tăng khoảng 16 tỷ trong vòng 11 năm. Qua đó, cho thấy dư địa về gỗ từ trồng rừng để sản xuất hàng hóa xuất khẩu vô cùng lớn.

Trước đây, chúng ta làm gì dám nghĩ đến việc thu phí dịch vụ môi trường rừng. Vậy mà năm trước, chúng ta đạt xấp xỉ 3.200 tỷ đồng với khoản thu này. Đạt được điều đó là nhờ nguyên liệu đầu vào của sản phẩm xuất khẩu tại chỗ, là khai thác từ rừng do chúng ta trồng được.

Những thành quả trên cho thấy vai trò to lớn của khoa học công nghệ. Nhờ có khoa học công nghệ thì ngành lâm nghiệp mới phát triển mạnh như hiện nay. Trong nghiên cứu khoa học lâm nghiệp, chúng ta có sự hỗ trợ từ sớm trong giai đoạn dài của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các nước phát triển như Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức... đã nỗ lực, đóng góp rất lớn cho ngành".

Theo ông Doanh, để đánh giá được vai trò của khoa học công nghệ, của các nhà khoa học, đối với phát triển ngành lâm nghiệp thì phải nhìn vào một giai đoạn dài, chứ không chỉ nhìn vào một vài năm. Nếu chúng ta không nghiên cứu về giống cây lâm nghiệp rừng trồng từ cách đây rất nhiều năm thì làm sao chúng ta có rừng trồng phát triển, tạo ra nguồn nguyên liệu cho đầu vào sản xuất sản phẩm lâm nghiệp như hiện nay.

Tuy nhiên, thứ trưởng cho rằng, hiện nay chúng ta ngày càng tiếp cận được nhiều công nghệ hiện đại, mẫu mã ngày càng cao, sức sản xuất trong nông nghiệp rất lớn... nhưng nhiều lĩnh vực đang gặp khó khăn về thị trường. Nếu chúng ta không chuẩn bị ngay các điều kiện cho thời gian tới thì "cái áo" sẽ bị chật. Nhất là trong điều kiện dư địa tài nguyên không còn nhiều, đất không còn để mà trồng thêm nhiều rừng nữa, cho nên rất cần đến khoa học công nghệ. Chỉ có khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao mới có thể giúp chúng ta tận dụng cơ hội phát triển.

Hội thảo này là cơ hội tốt, để chúng ta cùng nhau trao đổi, đánh giá lại các kết quả khoa học đã làm vừa qua. Cùng bàn, định hướng cho từng lĩnh vực nghiên cứu, để ngành lâm nghiệp phát triển.

Đổi mới sáng tạo liên ngành, liên lĩnh vực để nâng cao nguồn lực lâm nghiệp - 2

Ông Keijo Norvanto - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Keijo Norvanto - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Phần Lan tại Việt Nam cho biết, ở Phần Lan chiếm trên 75% diện tích đất, diện tích rừng lớn nhất ở châu Âu, rừng được coi là "nguồn cảm hứng" bởi rừng "thống trị" nhiên nhiên. Hầu hết diện tích rừng ở Phần Lan có chủ rừng là hộ gia đình.

Chiến lược bảo vệ rừng của Phần Lan là quản lý rừng bền vững và  được coi là nguồn của sự thịnh vượng. Người Phần Lan bảo vệ rừng bằng cách trồng mới 4 cây con để thay thế cho 1 cây con bị chặt. Hiện nơi này có 90% rừng thương mại được chứng nhận PEFC/FSC.

Theo ông Keijo Norvanto, ở Phần Lan, gỗ là một vật liệu hữu dụng với quan điểm, "mọi thứ có thể được làm từ nhựa thì cũng có thể được làm từ gỗ". Các công ty của Phần Lan thậm chí còn sản xuất bồn rửa bằng gỗ và dùng bột gỗ để bó bột cho xương bị gãy.

Cần có cơ chế, chính sách để tăng cường sự gắn kết giữa nghiên cứu và sản xuất

Báo cáo về định hướng phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại trường ĐH Lâm nghiệp giai đoạn 2022- 2033, PGS.TS Phùng Văn Khoa, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Lâm Nghiệp thông tin, trường Đại học Lâm nghiệp phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, lấy cốt lõi Lâm nghiệp là nền tảng phát triển.

Giai đoạn 2017-2021, Trường ĐH Lâm Nghiệp đã thực hiện hàng trăm đề tài các cấp từ Cấp Quốc Gia, cấp Bộ, các tỉnh thành phố, phần lớn các kết quả là các quy trình công nghệ chế biến gỗ, giải pháp kỹ thuật, các phần mềm quản lý tài nguyên rừng, giống cây dược liệu đã được áp dụng vào thực tiễn và nhà trường đã công bố hàng trăm bài báo quốc tế, đạt nhiều giải thưởng sáng tạo KHCN, Tiến bộ kỹ thuật, bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được công nhận.

Nhà trường phát triển các lĩnh vực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo theo hướng liên ngành, liên lĩnh vực, tích hợp các nguồn lực để nâng cao hiệu quả nghiên cứu,  phát triển sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thực tiễn xã hội theo đặt hàng,  góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, từ tạo giống, trồng, chăm sóc rừng, đến công nghệ chế biến nhằm nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng cho ngành chế biến gỗ phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo đó, bắt đầu từ năm 2021, Trường Đại học Lâm nghiệp đã cấu trúc lại các lĩnh vực nghiên cứu cho phù hợp với thực tế của ngành Lâm nghiệp và nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Nhà trường xây dựng 6 lĩnh vực nghiên cứu theo hướng liên ngành, liên lĩnh vực, chuỗi giá trị sản xuất bao gồm: Lâm nghiệp và Phát triển bền vững; Lĩnh vực Công nghiệp chế biến; Lĩnh vực Môi trường và Biến đổi khí hậu; Lĩnh vực Nông nghiệp ứng dụng và Công nghệ sinh học; Kinh tế chính sách và Công nghệ cao, chuyển đổi số.

Đổi mới sáng tạo liên ngành, liên lĩnh vực để nâng cao nguồn lực lâm nghiệp - 3

Sinh viên Lâm nghiệp giới thiệu sản phẩm nghiên cứu từ thân cây dừa thành sản phẩm sàn gỗ đẹp tự nhiên.

Về đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao, gắn kết NCKH với đào tạo, theo ông Khoa, nhà trường tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành có tâm huyết, đủ năng lực nghiên cứu và chuyển giao công nghệ có tính chuyên môn hóa cao, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng làm việc tốt trong môi trường hội nhập, có thể giải quyết các vấn đề khoa học của ngành.

Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh theo từng lĩnh vực, các trung tâm ươm tạo KHCN, các trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho cán bộ và học sinh, sinh viên; Xây dựng các nhiệm vụ KHCN có sự tham gia nghiên cứu của chuyên gia quốc tế từ các tổ chức KHCN tiên tiến trên thế giới để nâng cao chất lượng các đề tài, dự án, giải quyết các vấn đề lớn của ngành.

Đồng thời, xây dựng các phòng thí nghiệm chuẩn quốc gia, Trung tâm kỹ thuật công nghệ cao phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học cho một số lĩnh vực KHCN: Công nghiệp chế biến gỗ, Quản lý tài nguyên rừng; Giống cây Lâm nghiệp và dược liệu.

Từ thực tế sản xuất, đại diện Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam kiến nghị: Nhà nước cần quan tâm đầu tư nghiên cứu để có bộ giống trồng rừng cho năng suất cao, đa dạng chủng loài, có khả năng kháng bệnh tốt, trong đó ưu tiên nghiên cứu tạo giống trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, lâm sản ngoài gỗ.

Cần có cơ chế, chính sách để tăng cường sự gắn kết giữa nghiên cứu và sản xuất (đặc biệt giữa nhà trường, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp) dưới các hình thức khác nhau như hợp tác, liên kết để đẩy nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất lâm nghiệp.

Có chính sách hỗ trợ để thu hút học sinh theo học các chuyên ngành chính về lâm nghiệp (lâm sinh, chế biến gỗ), thu hút sinh viên ra trường về làm các đơn vị thuộc ngành đào tạo, gắn bó với Ngành Lâm nghiệp, đặc biệt là các đơn vị nghiên cứu của ngành…                                           

Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp thông tin: Việt Nam phấn đấu trồng khoảng 340.000 ha rừng/năm vào năm 2030. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030.

Phát triển khoa học công nghệ là nhân tố thúc đẩy phát triển lâm nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh; phấn đấu đóng góp của khoa học công nghệ vào giá trị tăng trưởng ngành lâm nghiệp đạt 30%. Bên cạnh đó, bảo vệ rừng là bảo vệ an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, chống suy thoái đất đai, giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai.