Đổi mới, đâu phải để làm khó học sinh?

Giáo dục, cũng như bất kỳ lĩnh vực nào, quá trình cải cách là để hướng tới sự tiến bộ, khoa học và hiệu quả hơn. Điều đó không thể phủ nhận, nhưng cải cách mà cứ loay hoay, kéo dài thời gian chưa biết khi nào mới hoàn chỉnh chỉ góp phần thêm lãng phí tiền của...

Tôi có một người bạn có đứa con đang học lớp 4 - những học sinh đầu tiên học theo chương trình, sách giáo khoa mới bắt đầu từ năm lớp 1. Trong một lần gặp nhau, anh đã dành gần trọn buổi để tâm sự với tôi về những băn khoăn, trăn trở mà con trai mình đang phải đương đầu.

 

Đã bao năm nay, cụm từ “cải cách giáo dục”, "đổi mới giáo dục"... đã trở nên quen thuộc ở nước ta, riêng các bậc phụ huynh học sinh - hơn ai hết - là người thấu hiểu hơn cả.

 

Các năm lớp 1 và lớp 2, dù còn nhiều bàn cãi, đánh giá, thậm chí phê phán này nọ về chương trình dạy và học theo sách giáo khoa mới, nhưng cuối cùng phần lớn phụ huynh cũng tự an ủi vì con em mình được rèn theo kiểu chữ mới khá đẹp, chuẩn mực hơn kiểu chữ trong sách cũ. Sách được in đẹp, chương trình tuy có nâng cao hơn nhưng phát huy được tư duy sáng tạo của trẻ.

 

Tuy nhiên, sang đến năm lớp 3, chương trình trở nên nặng nề, có lúc vượt quá khả năng tư duy của các cháu. Đơn cử như việc các cháu phải đứng ra chủ trì một cuộc họp lớp, họp tổ bàn về một vấn đề nào đó (chẳng hạn việc đẩy mạnh thi đua học tập ở lớp, tổ chức tập văn nghệ chào mừng Ngày nhà giáo...).

 

Cô giáo hướng dẫn vất vả, phụ huynh lại còn khốn khổ hơn, gần như phải “đánh vật” khi hướng dẫn cho con mình, còn các cháu thì ngơ ngác! Và biện pháp để giải quyết tình trạng này tuy có phần tiêu cực nhưng lại được mọi người chấp nhận, đó là cô giáo viết một bài mẫu và cả lớp cứ vậy mà... học thuộc (!).

 

Năm lớp 4 đứa con bạn tôi lại tiếp tục học sách cải cách. Như đa số phụ huynh quan tâm đến chuyện học tập của con cái, bạn tôi lại tiếp tục “đau đầu” với những bài thuộc lòng kiểu như trên mà hầu như chẳng để lại trong trí óc của trẻ được điều gì sau khi đã học. Xin nêu ra ở đây một trong những ví dụ đó.

 

Tại trang 17 sách lịch sử và địa lý lớp 4, có đoạn: “Kỹ thuật chế tạo ra nỏ bắn được nhiều mũi tên và việc xây dựng thành Cổ Loa là những thành tựu đặc sắc về quốc phòng của người dân Âu Lạc...”. Ở đoạn văn này, các cháu khó có thể hiểu được thế nào là “thành tựu đặc sắc về quốc phòng”.

 

Ở một trường hợp khác tại trang 19 sách khoa học lớp 4, có đoạn: “Trong nguồn đạm động vật, chất đạm do thịt các loài gia cầm và gia súc cung cấp thường khó tiêu hơn chất đạm do các loài cá cung cấp. Vì vậy, nên ăn cá”.

 

Thật là khó để các cháu hiểu ngay thế nào là “chất đạm động vật”, “chất đạm thực vật”... - những khái niệm rắc rối và khó nhớ. Có cảm nghĩ rằng chương trình cải cách lớp 3 và lớp 4 được soạn thảo một cách quá vội vàng cho kịp tiến độ.

 

Những người soạn thảo đã phụ thuộc vào nội dung sách giáo khoa cũ, chỉ bổ sung một số phần của lớp trên trước đó. Dường như những người biên soạn sách đã đem hiểu biết của các tiến sĩ, giáo sư để diễn đạt các vấn đề sao cho thật chính xác, chuẩn mực mà quên đi một điều là những diễn đạt đó có đi sâu được vào đầu óc còn khá non nớt của những đứa trẻ mới 9 tuổi hay không?! Nói cách khác, họ không đặt mình vào vị trí của những học sinh đó (thậm chí còn nói ngọng, viết chính tả, làm tính sai).

 

Tại sao cải cách lại không đi theo hướng diễn đạt thật gọn để các em dễ hiểu, dễ nhớ hơn? Cũng cần nói thêm, để học thuộc lòng phần ghi nhớ đã qua cải cách kia, đứa con bạn tôi phải mất gần một tiếng đồng hồ, chiếm rất nhiều thời gian, phải mãi đến khuya cháu mới hoàn tất bài học của các môn khác như tiếng Việt, toán, tiếng Anh...

 

Dù không phải là nhà chuyên môn về sư phạm, tôi cũng mạo muội đưa ra cách điều chỉnh cho ngắn gọn và dễ hiểu hơn. Ví dụ ở câu dẫn về lịch sử có thể viết lại là: “Để bảo vệ đất nước, nhân dân Âu Lạc đã xây dựng thành Cổ Loa và chế tạo ra loại nỏ bắn được nhiều mũi tên”. Còn ở câu về khoa học (đạm động vật), chỉ cần nói: “Ăn thịt thì khó tiêu hơn ăn cá”.

 

Chúng ta đã nói nhiều đến chuyện giảm tải chương trình ở các cấp học để cả thầy và trò đỡ vất vả hơn. Việc giảm tải không chỉ thể hiện ở giảm chương trình, nội dung học tập mà việc diễn đạt, thể hiện nội dung, chương trình đó sao cho các cháu dễ hiểu, dễ nhớ, kích thích việc học tập của các cháu. Đó là những yếu tố không thể xem nhẹ và cần được quan tâm đầu tư một cách có hiệu quả.

 

Nhân chuyện cải cách này, cũng cần nói qua một chút về sức chịu đựng của đôi vai các cháu do độ nặng nhẹ của chiếc cặp. Thực tế là quyển sách tiếng Việt, toán tiểu học khá dày và nặng, đề nghị Nhà xuất bản Giáo Dục nên nghiên cứu in ra thành nhiều tập (chẳng hạn: toán hai tập, tiếng Việt bốn tập) tương ứng với từng nửa học kỳ. Như vậy sẽ góp phần giảm nhẹ trọng lượng của chiếc cặp, gián tiếp giúp bảo vệ sức khỏe các cháu, mà cụ thể là tránh được bệnh cong vẹo cột sống - một căn bệnh học đường ảnh hưởng đến tương lai sau này của các cháu.

 

Giáo dục, cũng như bất kỳ lĩnh vực nào, quá trình cải cách là để hướng tới sự tiến bộ, khoa học và hiệu quả hơn. Điều đó không thể phủ nhận, nhưng cải cách mà cứ loay hoay, kéo dài thời gian chưa biết khi nào mới hoàn chỉnh chỉ góp phần thêm lãng phí tiền của, thời gian của xã hội và càng khiến học sinh và giáo viên chịu thêm áp lực.

 

Đừng nên để xảy ra chuyện, như có người đã châm biếm khi nói về chuyện cải cách giáo dục: “Việc làm có ý nghĩa nhất của ngành giáo dục thời gian qua là cân chiếc cặp học sinh”!

 

Dân Hùng (Đà Nẵng)

Theo Tuổi Trẻ