Đổi mới chương trình - sách giáo khoa sau 2015 như thế nào?

(Dân trí) - Định hướng xây dựng chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015, kiến thức sẽ chú trọng đến vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hàng ngày.

Tránh tình trạng học nhiều biết ít

Theo nhận định của các chuyên gia giáo dục, chương trình hiện hành về cơ bản vẫn tiếp cận theo hướng nội dung, chạy theo khối lượng kiến thức, còn nặng tính hàn lâm… Có chú ý đến cả 3 phương diện kiến thức, kĩ năng và thái độ nhưng vẫn là những yêu cầu rời rạc riêng rẽ, chưa liên kết, thống nhất và vận dụng tổng hợp thành năng lực hành động, năng lực thực hiện… gắn với yêu cầu của cuộc sống.

Vậy nội dung đổi mới toàn bộ chương trình - sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015 sẽ như thế nào? Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Chương trình mới tiếp cận theo hướng hình thành và phát triển năng lực cho người học; không chạy theo khối lượng tri thức mà chú ý khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức, kĩ năng, thái độ, tình cảm, động cơ… vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống hàng ngày. Tiếp cận theo hướng năng lực đòi hỏi học sinh làm,vận dụng được gì hơn là học sinh biết những gì. Tránh được tình trạng biết rất nhiều nhưng làm,vận dụng không được bao nhiêu, biết những điều rất cao siêu, nhưng không làm được những việc rất thiết thực đơn giản trong cuộc sống thường nhật…”.

Nội dung, cấu trúc của chương trình giáo dục đổi mới, theo thứ trưởng Hiển, xuất phát từ những yêu cầu hình thành các năng lực mà lựa chọn các nội dung dạy học; ưu tiên những kiến thức cơ bản, hiện đại nhưng gắn bó, thiết thực với những đòi hỏi của cuộc sống hàng ngày, tránh hàn lâm/kinh viện. Ưu tiên thực hành/vận dụng, tránh lý thuyết suông; tăng cường hứng thú, hạn chế quá tải.

Theo đó, phương pháp dạy học thay đổi, dạy cách học, cách tìm kiếm và vận dụng, cách phát hiện và giải quyết vấn đề; đề cao sự hợp tác và sáng tạo… không nhồi nhét, chạy theo khối lượng kiến thức. Kiểm tra - đánh giá cũng thay đổi theo hướng: xác nhận đúng năng lực của người học; đánh giá khả năng và hiệu quả vận dụng tổng hợp… do vậy phải coi trọng đánh giá trong suốt quá trình dạy - học và bằng nhiều hình thức; tập trung đổi mới thi - công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.


Thí điểm chương trình và sách giáo khoa mới dự kiến bắt đầu từ năm 2016 - 2019.

Thí điểm chương trình và sách giáo khoa mới dự kiến bắt đầu từ năm 2016 - 2019.

Lớp 1 - lớp 9: Học chung một mặt bằng tri thức

Để thực hiện mục tiêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Chương trình mới chủ trương tất cả học chung một mặt bằng tri thức, giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1- lớp 9) đủ trang bị nền tảng học vấn phổ thông để HS có thể học tiếp lên bậc cao hơn hoặc đi vào học nghề, lao động. Tăng cường tích hợp một số một số môn học ở tiểu học và đầu cấp trung học cơ sở, nhằm hình thành năng lực tổng hợp và cách giải quyết các vấn đề, đồng thời tránh sự trùng lặp. Theo đó một số môn học như Lý, Hóa, Sinh được tích hợp thành môn Khoa học; tương tự các môn Sử, Địa, Giáo dục Đạo đức và công dân tích hợp thành môn Khoa học xã hội".

Theo Thứ trưởng Hiển, yêu cầu phân hóa sâu được thực hiện ở trung học phổ thông bằng việc học ít các môn bắt buộc, dành nhiều thời gian cho học sinh tự chọn các môn học/các chủ đề chuyên sâu/nâng cao gắn với nghề nghiệp, cần cho định hướng nghề nghiệp. Cụ thể, chương trình hiện hành yêu cầu học sinh cùng một thời điểm (trong 1 học kỳ) học quá nhiều môn học và các hoạt động. Chương trình sau 2015 chủ trương giảm mạnh đầu các môn học để mỗi học kỳ học sinh không học cùng một lúc quá 8 môn học.

Cấp học

CT hiện hành

CT sau 2015 (dự kiến)

Tiểu học

11 môn học + 3 hoạt động

3 - 6 môn học + 4 hoạt động

THCS

13 môn học và 4 hoạt động

8 môn học + 4 hoạt động

THPT

13 môn học + 5 hoạt động

3 môn học bắt buộc, 3 môn tự chọn và 4 hoạt động (Lớp 11& 12)

Thứ trưởng Hiển cho rằng, chương trình hiện hành nghiêng nhiều về kiến thức hàn lâm, coi trọng tính hệ thống của khoa học chuyên ngành. Môn học ở nhà trường như là thu nhỏ các môn học/giáo trình đại học...Chương trình sau 2015 chủ trương chỉ lựa chọn một số nội dung cơ bản, thiết thực, gần gũi với cuộc sống nhằm hình thành năng lực, giúp HS biết giải quyết các vấn đề và tình huống trong cuộc sống thường nhật.

“Một trong những hạn chế của các lần thay đổi vừa qua là cách làm theo kiểu cuốn chiếu nên thời gian thí điểm chương trình và SGK quá dài. Định hướng đổi mới lần này chủ trương thực hiện cách biên soạn đồng thời và thí điểm đồng thời 3 cấp nhắm rút ngắn thời gian thí điểm khoảng 3 - 4 năm (từ 2016 - 2019)” - Thứ trưởng Hiển cho hay.

Hồng Hạnh