Giáo viên lên tiếng:

Đổi mới cách ra đề kiểm tra, đánh giá môn Văn: Vẫn “bình mới rượu cũ”

(Dân trí) - Đề kiểm tra, đánh giá học sinh của mỗi môn học luôn là vấn đề rất quan trọng trong quá trình giảng dạy của mỗi bộ môn. Vì qua các bài kiểm tra, giáo viên đánh giá được năng lực học tập của học sinh, từ đó dễ dàng phân loại lực học của các em và lựa chọn phương pháp dạy phù hợp.

Nắm bắt được tầm quan trọng trên, các Sở, các Phòng Giáo dục luôn chú trọng đổi mới cách kiểm tra đánh giá qua đề kiểm tra theo các năm. Năm nay, đối với bộ môn Ngữ Văn bậc THCS vẫn tiếp tục đổi mới cách ra đề kiểm tra đánh giá nhưng tôi thấy nhìn chung vẫn “bình mới rượu cũ” mà thôi.

Thời gian này, các chương trình học đang vào thời “cao điểm” với liên tục những bài kiểm tra 15 phút hay các bài làm 1 tiết, bài viết tập làm văn hai tiết. Điều làm giáo viên “đau đầu” nhất không phải là chương trình đang vào mùa “nước rút” mà là cách ra đề kiểm tra, đánh giá học sinh.

Giao viên vẫn hoang mang hỏi nhau rằng: “Ra đề năm nay có gì mới so với những năm trước? Làm sao để ra đề kiểm tra, đánh giá cho phù hợp với lực học của học sinh mà giáo viên đang đứng lớp?...”.

Những câu hỏi nghe ra như thừa nhưng xét lại không thừa chút nào cả vì giáo dục cứ thay đổi xoành xoạch, không giáo viên nào trở tay cho kịp. Không những vậy, mỗi lần có đợt tập huấn về sự đổi mới, số người được tham gia tập huấn chỉ đếm trên đầu ngón tay, thường là Ban giám hiệu, các Tổ trưởng chuyên môn.

Và khi kiến thức đến với giáo viên cấp dưới đã ít nhiều rơi rụng và thậm chí giáo viên có khi rơi vào hoàn cảnh “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi. Chưa nói đến giáo viên phải tự mình xoay sở với vô số kiến thức liên quan có trên mạng và các phương tiện thông tin đại chúng.

Không nằm ngoài quy luật đó, năm nay, tất cả các bộ môn đều hướng đến đổi mới kiểm tra đánh giá nhằm phát huy năng lực của học sinh.

Để có một đề kiểm tra đánh giá học sinh đúng nghĩa, giáo viên cần thêm các bước trước đó. Với bộ môn Ngữ văn, khâu đầu tiên cần nghĩ ngay đến là có một ma trận đề, tiếp theo sẽ đến bảng mô tả, rồi mới đến đề kiểm tra, kết thúc sẽ là đáp án thang điểm và hướng dẫn chấm cụ thể.

Qua đó cho thấy, việc kiểm tra đánh giá càng đổi mới càng phức tạp, công việc của giáo viên càng nhiều thêm. Trước đây, đề kiểm tra rất đơn giản và gọn nhẹ. Giao viên căn cứ vào sức học của học sinh rồi ra đề kiểm tra một cách linh hoạt chỉ gồm đề và đáp án chấm mà chất lượng học sinh rất tốt, không sao cả.

Năm nay, đề kiểm tra đánh giá môn Ngữ Văn đã qua đổi mới nhưng vẫn quay lại thời xưa. Đề gồm hai phần Trắc nghiệm khách quan và phần Tự luận. Riêng phần tự luận yêu cầu phải 7 điểm, còn lại 3 điểm thuộc về phần Trắc nghiệm. Cách đổi mới kiểm tra đánh giá này không khác gì “bình mới rược cũ”.

Mỗi môn học đều có tính đặc thù riêng, không nhất thiết phải tuân theo một quy tắc cứng nhắc nào đó. Với bộ môn Ngữ Văn không có một đáp án chính xác nào cho nó cả. Mà đối với văn chương thì càng sáng tạo, càng có cách cảm nhận mang dấu ấn cá nhân riêng lại càng tốt. Không nhất thiết phải đưa bộ môn này về với quỹ đạo trắc nghiệm.

Không ai phủ nhận lợi thế của hình thức kiểm tra đánh giá trắc nghiệm, với hình thức này học sinh sẽ có cái nhìn khái quát, kiến thức rộng hơn. Và một cách nói đùa hóm hỉnh của những người làm nghề gõ đầu trẻ, cách kiểm tra này giúp học sinh “dễ vớt điểm” tránh bị điểm dưới trung bình.

Không biết có phải vì mục đích trên không mà bộ môn Ngữ văn lại quay lại cách ra đề cũ như thế? Trong khi bộ môn này vẫn rất cần cách hành văn liên kết, mạch lạc, khuyến khích tư duy sáng tạo, tìm ra cái mới với cách cảm thụ riêng của từng học sinh.

Giáo viên bộ môn Ngữ văn nơi tôi công tác không khỏi ngỡ ngàng sau khi nhận được thông tin đề kiểm tra đánh giá quay lại trắc nghiệm như xưa. Có nhiều giáo viên còn tặc lưỡi, cười bảo “Đổi mới cho lắm vào rồi cũng quay về cái cũ mà thôi.”

Thiết nghĩ, cái gì cần thiết thì đổi mới còn cái gì không cần thiết thì không nên. Hãy để giáo dục làm đúng vai trò vừa “dạy chữ vừa dạy người” là phù hợp nhất. Tránh hiện tượng đổi mới mà tung lên như bọt xà phòng rồi nhanh chóng vỡ tan.

Thanh Thanh

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!