Độc đáo ngôi trường cao đẳng “đào tạo trên Đại học”

(Dân trí) - Trong khi đào tạo bậc cao đẳng trên cả nước loay hoay bao năm chưa tìm được hướng bứt phá, thì có một trường cao đẳng ở Vũng Tàu lại tự hào vì là cái nôi đào tạo lại rất nhiều kỹ sư đã tốt nghiệp đại học, đồng thời làm những việc mà “không ai làm được”.

Tư duy lệch lạc của một xã hội trọng bằng cấp và coi đại học là con đường duy nhất cho tương lai đã khiến không ít trường cao đẳng trên cả nước nhiều năm nay lâm vào cảnh hoạt động cầm chừng, thiếu thực chất, trở thành lựa chọn “bất đắc dĩ” sau khi các thí sinh không thể vào được đại học.

Thế nhưng, đến thăm trường Cao đẳng Nghề Dầu khí tại Vũng Tàu những ngày đầu tháng 10, chúng tôi cảm nhận được một không khí khác hẳn. Cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị tiên tiến, chương trình học giàu tính thực tế và ứng dụng, và trên hết là sự tự tin lẫn tự hào của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên tại đây, đã mang lại hình ảnh hoàn toàn khác biệt về một môi trường cao đẳng nghề đúng nghĩa.

Các học viên trường Cao đẳng Nghề Dầu khí đang thực hành hệ thống mô phỏng.
Các học viên trường Cao đẳng Nghề Dầu khí đang thực hành hệ thống mô phỏng.

Thầy Trần Thẩm, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho chúng tôi biết, Cao đẳng Nghề Dầu khí đào tạo các bậc sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề; đào tạo ngoại ngữ; an toàn môi trường; đào tạo bồi dưỡng thường xuyên; hợp tác đào tạo. Đặc biệt, công tác đào tạo trước tuyển dụng cho các dự án của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là một điểm sáng, bởi trường là nơi đào tạo toàn bộ đội ngũ kỹ sư, công nhân cho tất cả các dự án lớn của ngành dầu khí.

Thầy Ngô Xuân Hưng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, dí dỏm nói: “Chính vì trường thường xuyên đào tạo lại cho các kỹ sư đã tốt nghiệp các trường đại học trên cả nước, nên chúng tôi vẫn nói đùa với nhau rằng trường mình “đào tạo trên Đại học”!”.

Câu nói đùa nhưng phản ánh một thực tế rất đáng trăn trở, đó là ngay cả các trường đại học trên cả nước phần nhiều cũng dạy những thứ “trên mây trên gió” nào đó, chứ không đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường, của doanh nghiệp. Chính vì vậy mà để có thể thực sự phục vụ các dự án của ngành dầu khí, các kỹ sư đã có bằng đại học hẳn hoi vẫn phải “cắp tráp” đi học lại ở trường Cao đẳng Nghề Dầu khí, nơi mà theo lời thầy Hưng là “chỉ làm gì doanh nghiệp cần, chỉ đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp”.

Triết lý nghe thật giản dị và thực dụng, nhưng đằng sau triết lý ấy là những nỗ lực thực tế, cũng như hiệu quả đo đếm được bằng những con số cụ thể.

Để thực sự “làm những gì doanh nghiệp cần”, trường không thể chỉ bám vào lý thuyết suông hay những trang thiết bị cũ kỹ, mà ngược lại, phải trực tiếp tham gia vào hầu như mọi khâu kỹ thuật của ngành Dầu khí. Các giảng viên, chuyên gia của trường cũng chính là những chuyên gia trong ngành, thường xuyên thực hành trong các dự án thực tế. Nhờ thuận lợi là thành viên trực thuộc PVN, trường được tập đoàn hỗ trợ học phí cho các học viên, được các đơn vị trong ngành hỗ trợ đưa học viên, giảng viên thực tập ở các đơn vị cũng như đưa các trang thiết bị tốt về trường thực hành.

Kết quả là, song song với công tác chính là đào tạo, Cao đẳng Nghề Dầu khí còn trở thành một đơn vị cung cấp các dịch vụ kỹ thuật có uy tín. Đặc biệt nhất là dịch vụ lặn. Hiện nay đây là trường duy nhất tại Việt Nam đào tạo lặn sâu 50 mét, phục vụ cho cả hoạt động dầu khí và hoạt động hải quân. Trường cũng là nhà cung cấp dịch vụ lặn số 1 Việt Nam, với doanh thu riêng từ dịch vụ này lên tới 300 tỷ đồng/năm.

Một thiết bị lặn chuyên dụng cho độ sâu trên 50 mét đặt trong sân Cao đẳng Nghề Dầu khí, trước khi được chuyển ra biển phục vụ công tác lặn dịch vụ kết hợp đào tạo.
Một thiết bị lặn chuyên dụng cho độ sâu trên 50 mét đặt trong sân Cao đẳng Nghề Dầu khí, trước khi được chuyển ra biển phục vụ công tác lặn dịch vụ kết hợp đào tạo.

Thầy Hưng cho biết, trường là đơn vị duy nhất trên cả nước là thành viên của Hiệp hội lặn quốc tế, với nhiều chuyên gia có chứng chỉ lặn quốc tế. Gần như mọi nhà thầu ở các lĩnh vực cần lặn như khảo sát, xây lắp, sửa chữa công trình ngầm; khảo sát các tuyến ống dẫn dầu, khí; khảo sát, bảo dưỡng tàu biển; công tác trục vớt, cứu hộ…, khi vào Việt Nam đều “phải” thuê dịch vụ lặn của trường vì không có ai làm tốt hơn.

Một thiết bị mô phỏng hệ thống van, do các chuyên gia của trường tự thiết kế, phục vụ công tác giảng dạy.
Một thiết bị mô phỏng hệ thống van, do các chuyên gia của trường tự thiết kế, phục vụ công tác giảng dạy.

Bên cạnh đó, trường còn thực hiện nhiều dịch vụ kỹ thuật khác như bảo dưỡng thiết bị đo lường, điều khiển, tự động hóa; sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị công nghiệp… Trường hiện là nhà thầu số 1 Việt Nam về van, mỗi năm bảo dưỡng, sửa chữa 15.000 van các loại, đạt doanh thu 20 tỷ đồng/năm.

Tuấn Anh