Điều đáng suy ngẫm từ một buổi học của học sinh tiểu học Hàn Quốc tại Việt Nam

(Dân trí) - Sinh động, kỷ luật, gắn kết... đó là những từ để miêu tả một buổi học của những em học sinh tiểu học tại một trường Hàn Quốc ở Việt Nam mà người viết có dịp trải nghiệm.

Chiếc chuông kỳ diệu của thầy

Ở Việt Nam, điều làm nhiều giáo viên lên lớp “đau đầu” đó là làm sao giữ trật tự lớp học, nhất là những phút đầu giờ. Tuy nhiên, ở lớp học của Hàn Quốc, thầy giáo lại chỉ cần đến một chiếc chuông nhỏ đặt trên bàn.

Chuông báo vào học của nhà trường đã vang lên, thầy cũng đã vào lớp nhưng cả lớp vẫn khá ồn ào. Điều làm người viết ngạc nhiên nhất là các em thoải mái trò chuyện, cười đùa thậm chí đi lại trong khi thầy giáo không hề có phản ứng gì. Hết 15 phút đầu giờ, thầy nhẹ nhàng bước lên chiếc bàn đặt ở trước bục thềm, ấn hai lần chiếc chuông nhỏ.

Ngay khi tiếng chuông của thầy vang lên, tất cả học sinh đều tăm tắp, vỗ tay hai lần, sau đó làm động tác vòng tay lên đầu để chào thầy.

Học sinh vòng tay lên đầu chào thầy giáo sau tiếng chuông.
Học sinh vòng tay lên đầu chào thầy giáo sau tiếng chuông.

Không một tiếng quát mắng, không một lời xì xào, lớp học ngay lập tức được ổn định. Hóa ra tiếng chuông chính là báo hiệu cho các em biết đã đến lúc lớp học chính thức bắt đầu.

Bài học về tiếng chuông ấy cũng là bài học đầu tiên về sự tự giác cho các em. Đó là một “thỏa thuận” giữa thầy và trò, các em được phép trò chuyện đầu giờ nhưng bất cứ khi nào chuông vang lên là lúc các em cần nghiêm túc học tập.

“Thầy em là một ảo thuật gia”

Đó là lời cậu bé Do Yun hào hứng khoe trong giờ nghỉ sau tiết tiếng Hàn. Thầy giáo đã biểu diễn một màn ảo thuật nhỏ giúp các em hứng thú hơn với tiết học.

Chỉ với một sợi dây thun, một chiếc kẹp giấy là đủ cho “ảo thuật gia” của các bé. Và tất nhiên là cả lớp ai cũng hào hứng với tiết mục đó.

Điều đáng suy ngẫm từ một buổi học của học sinh tiểu học Hàn Quốc tại Việt Nam - 2

Không chỉ có ảo thuật, thầy giáo người Hàn còn tận dụng tối đa giáo cụ trong lớp, vẽ hình minh họa,... và luôn cố gắng biến chúng trở nên thật hài hước.

Sau tiết tiếng Hàn và tiết tiếng Anh, có một vài trục trặc nào đó đã xảy ra. Không để trống tiết, thầy chủ nhiệm lập tức mang đến một chiếc trống Janggu – nhạc cụ truyền thống của Hàn Quốc và bắt đầu dạy các em cách chơi và hát.

Cách người Hàn truyền đạt kiến thức, văn hóa tự nhiên, nhẹ nhàng và duyên dáng. Thầy từ một giáo viên, chớp mắt đã trở thành một ảo thuật gia, rồi lát sau lại là một họa sĩ có khi lại là một nhạc sĩ chơi nhạc cụ dân tộc như vậy. Tất cả tạo nên những giờ học sinh động, thú vị và đầy tiếng cười.

Lớp học là một gia đình

Không thể phủ nhận rằng, dù yêu kính thầy cô nhưng đôi khi chúng ta vẫn có những khoảng cách nhất định giữa thầy và trò. Trong khi với học sinh tiểu học, sự gần gũi, yêu thương là rất quan trọng. Nó không chỉ giúp sự truyền đạt kiến thức dễ dàng hơn mà còn xây dựng tình cảm và nhân cách cho các em.

Trong môi trường tiểu học của Hàn Quốc, giữa thầy giáo và học trò là sự gắn bó thân thiết đặc biệt. Đó là khi thầy nhẹ nhàng nhấc bổng cô bé Iu Bin lên để em có thể chỉ đúng chữ cái trên bảng, là hình ảnh những cách tay nhỏ xíu bám lấy áo thầy cùng đi gọi các bạn vào lớp sau giờ giải lao, là khi những đứa trẻ rất tự nhiên đến tìm thầy chỉ để kể những điều thú vị chúng vừa thấy, những câu chuyện vụn vặt ngây thơ của trẻ nhỏ luôn được thầy chăm chú lắng nghe và chia sẻ như một người bạn lớn.

Những đứa trẻ độc lập

Trong lớp học ở đây, học sinh hoàn toàn thoải mái và là những cá nhân độc lập. Lớp không có lớp trưởng cố định mà luân phiên mỗi ngày một em chịu trách nhiệm điều hành lớp.

Một cô bé nhỏ nhắn cũng sẽ phải học cách đứng trước lớp hô to, dõng dạc cho cả lớp chào thầy giáo vào buổi sáng. Điều này giúp tất cả các em đều có cơ hội rèn luyện và bộc lộ khả năng của mình.

Điều đáng suy ngẫm từ một buổi học của học sinh tiểu học Hàn Quốc tại Việt Nam - 3

Mỗi học sinh có một ngăn tủ riêng ở cuối lớp để đựng sách vở và đồ dùng học tập. Khi cần, các em hoàn toàn có thể tự do đi xuống cuối lớp đến ngăn tủ tìm đồ và sau đó trở lại chỗ ngồi. Các em có thể tự sắp xếp đồ đạc theo ý muốn của bạn thân dưới sự hướng dẫn của giáo viên sao cho thuận tiện nhất.

Học sinh sẽ chủ động trong hầu hết mọi việc và giáo viên, trợ giảng sẽ chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết. Tất cả các em là những cá nhân luôn được tôn trọng và đó là tiền đề để dạy các em học cách tôn trọng người khác.


Chỉ một buổi học cùng các bạn nhỏ Hàn Quốc mà tôi đã có được thật nhiều trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Sẽ là không đúng nếu chỉ qua một buổi học mà vội đánh giá rằng nền giáo dục ở đâu tốt hơn nhưng điều mà người viết muốn chia sẻ đó là sự tôn trọng và bình đẳng trong cách đối xử với trẻ em của người Hàn. Đây cũng chính là nền tảng để xây dựng một nền giáo dục khoa học tiến bộ.

Chỉ một buổi học cùng các bạn nhỏ Hàn Quốc mà tôi đã có được thật nhiều trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Sẽ là không đúng nếu chỉ qua một buổi học mà vội đánh giá rằng nền giáo dục ở đâu tốt hơn nhưng điều mà người viết muốn chia sẻ đó là sự tôn trọng và bình đẳng trong cách đối xử với trẻ em của người Hàn. Đây cũng chính là nền tảng để xây dựng một nền giáo dục khoa học tiến bộ.

Khánh Như (ghi)