“Điên đầu” vì đáp án môn Anh văn!

Đứa em tôi vừa mới hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp về và rất hớn hở khi làm tốt môn thi cuối cùng là Anh văn. Tôi cũng rất vui khi chấm bài lại cho thằng em vì thấy nó làm khá tốt, gần như là trọn vẹn.

Nhưng sáng 3/6, khi ngồi dò lại kết quả của đáp án do Bộ GD-ĐT công bố, tôi thật sự hoảng hốt vì nó hoàn toàn khác với đáp án tôi sửa cho thằng em. Bởi lẽ, nếu theo đúng đáp án thì bài của em tôi chỉ được khoảng... 2 điểm (vì chỉ đúng 11/50 câu trắc nghiệm). Tôi vô cùng lúng túng và khó xử vì không ngờ mình là một sinh viên khoa Anh mà lại có thể sai với những kiến thức cơ bản như thế này.

 

Không phải chỉ có mình tôi mà đứa bạn chung lớp đại học cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự (cũng có đứa em thi tốt nghiệp năm nay). Cả hai đứa đều đang trong tình cảnh dở khóc dở cười và đem điều này đi hỏi một giáo viên THPT thì được biết rằng cả đáp án và chúng tôi... đều không sai!

 

Vì đơn giản là thứ tự câu hỏi của đề môn tiếng Anh được hoán đổi để tránh trường hợp thí sinh copy bài của nhau. Hiểu ra chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm, không còn lo lắng nữa.

 

Nhưng qua việc này tôi cũng xin góp ý đôi điều. Môn tiếng Anh nếu làm theo phương pháp trắc nghiệm và có nhiều đề khác nhau thì đâu nhất thiết phải đưa đáp án thô lên (đáp án của bộ chỉ gồm thứ tự câu và đáp án A, B, C, D tương ứng) vì có thì cũng đâu ai biết mình sai hay đúng chỗ nào để sửa!

 

Còn nếu thật sự muốn giúp học sinh hiểu rõ lỗi sai của mình thì bộ nên ghi đầy đủ một đề chuẩn và đáp án tương đương lên để mọi người có thể so sánh chính xác. Tiếc chi một vài công đoạn nhỏ để khiến bao nhiêu người phải “điên đầu”!

 

Theo Trọng Hiệp

Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Thi tốt nghiệp THPT 2006