Độc giả gửi:

Điểm 6 môn văn và nước mắt của trò

Nguyễn Thanh

(Dân trí) - Tối muộn, cuộc gọi từ số máy lạ khiến tôi chú ý. Bắt máy, tôi bắt gặp giọng nói nhỏ nhẹ của một phụ huynh. Chị lịch sự hỏi tôi có phải giáo viên bộ môn dạy môn Ngữ văn của lớp 6 của con gái chị không.

Nhận được câu trả lời xác nhận của tôi, chị bắt đầu cuộc nói chuyện bằng một tràng kể lể. Rằng bé con nhà chị ngoan ngoãn, học giỏi và suốt những năm tiểu học chưa hề nghe lời phàn nàn từ giáo viên. Chị bảo lần đầu tiên con bé nhận điểm 6 môn văn và hụt hẫng vô cùng. Con vừa báo điểm số bài kiểm tra cho mẹ và bị chị quát nạt mấy câu đã ngồi khóc thút thít một góc phòng.

Điểm 6 môn văn và nước mắt của trò - 1

Áp lực học tập khiến nhiều trẻ bị trầm cảm (Ảnh: minh họa).

Tôi giật mình, nhớ lại xấp bài kiểm tra hôm trước mình vừa cho bọn trẻ viết và trả bài. Nhanh tay lật mở lại bài kiểm tra mà phụ huynh đang đề cập, tôi lý giải với chị về điểm 6 của trò, rằng con viết bài đúng thể loại tự sự nhưng câu chuyện con lựa chọn để kể còn hết sức sơ sài, không có điểm nhấn, diễn đạt đôi chỗ còn vụng về và lỗi chính tả quá nhiều.

Nghe thấy thế, chị cướp lời bảo mình không tin con gái mình viết văn lại tệ đến thế. Suốt mấy năm tiểu học, con bé luôn đạt điểm 9, 10 cho các bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ. Giờ mới lên cấp hai, hẳn là phải duy trì ít nhiều năng lực chứ sao lại sa sút đáng báo động như thế.

Tôi trấn an chị rằng đây là bài kiểm tra khảo sát năng lực của bọn trẻ để tuyển chọn vào đội tuyển bồi dưỡng văn và đánh giá phần nào chất lượng học tập qua truyền hình mấy tuần đầu vừa qua. Điểm số chỉ là một phần của năng lực, có thể bài viết đầu tiên con chưa phát huy được năng lực của mình và chưa huy động được được vốn ngôn ngữ phong phú để hành văn. Có thể những bài viết tiếp theo điểm số sẽ được cải thiện nếu con chăm chỉ học hành và duy trì được niềm đam mê và động lực học tập…

Tôi cũng lựa lời phân tích với chị về sự khác biệt giữa hai cấp học. Cấp trung học sẽ có những yêu cầu về kiểm tra đánh giá khác biệt so với tiểu học. Điểm số cũng khe khắt hơn nên những điểm 10 trong các bài văn sẽ vắng bóng, điểm 8 và 9 sẽ dành cho các bài viết thật sự tốt về nội dung lẫn diễn đạt, điểm 6 và 7 sẽ xuất hiện nhiều với những bài văn thiếu hụt chất lượng về nội dung hoặc mắc một số lỗi diễn đạt.

Dù thế, người mẹ ở đầu dây bên kia dường như vẫn chưa chấp nhận điểm 6 của con. Tôi nghe văng vẳng lời mắng "Lo mà học vô!" trước khi cúp máy mà lòng phiền muộn. Có một bé con vừa mon men lên lớp 6 nhận điểm 6 môn văn và rơi nước mắt. Có một người mẹ chưa chấp nhận năng lực thật sự của con vẫn cứ chất vấn, đe nẹt và dọa dẫm khiến nước mắt con trẻ chảy tràn…

Áp lực học tập vẫn đeo mang mỗi ngày trên vai con trẻ. Áp lực ấy đến từ cái khó khi chương trình đổi mới với yêu cầu cần đạt ngày càng cao, từ những nấc thang thành tích đặt ra trên hành trình học tập của trẻ. Áp lực ấy còn dội đến từ những định kiến điểm số của phụ huynh. Việc học phải đạt điểm 9, 10 mới yên tâm còn các con điểm khác là một sự thụt lùi đáng báo động ư?

Thành tích của con trẻ từ những năm tiểu học được mặc định là giỏi và rồi sững sờ, thảng thốt thật sự khi trẻ trượt khỏi nấc thang thành tích ấy ư? Thay vì đồng hành và động viên con vượt qua những trở ngại ban đầu khi chuyển cấp, không ít ông bố bà mẹ đang khiến con trẻ rơi nước mắt bởi điểm số chưa như ý, thành tích chưa ưng bụng.

Kỳ vọng về tương lai con trẻ là điều chính đáng. Tương lai ấy đang được vun đắp bằng những viên gạch thành tích của hiện tại. Nhưng chuẩn thành tích cần phải thay đổi và xoay chuyển hợp lý khi con bước sang nấc thang học tập mới, tiếp cận môi trường học tập mới. Những trở ngại ban đầu cần lắm sự thấu hiểu và tương trợ từ bố mẹ để bắt nhịp với những đổi thay!

Xin đừng khiến trẻ chan cơm bằng nước mắt nếu chẳng may bị điểm số thấp! Đừng để việc học trở thành nỗi ám ảnh điểm số! Mong lắm thay…