Dịch Covid-19 sẽ gây ra cuộc khủng hoảng chăm sóc trẻ em tại Mỹ

(Dân trí) - Tới nay, đã có 621 trường học từ mầm non tới trung học trên phạm vi toàn nước Mỹ phải đóng cửa do bùng phát dịch Covid-19.

Khu học chính thống nhất Elk Grove tại Bắc California hiện đang đóng cửa và lệnh đóng cửa có hiệu lực ít nhất một tuần.

Ở bang Washington, Khu học chính Northshore cũng đã đóng cửa 2 trường trong phạm vi quản lý của mình. Tất cả các trường công tại Scarsdale, bang New York đóng cửa tới ngày 18/3.

Như vậy, tính tới ngày hết ngày 09/3 (giờ Mỹ, tương đương sáng 10/3 giờ Việt Nam), đã có 621 trường học từ mầm non tới trung học trên phạm vi toàn nước Mỹ phải đóng cửa do bùng phát dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 sẽ gây ra cuộc khủng hoảng chăm sóc trẻ em tại Mỹ - 1

Không gian vắng vẻ bên ngoài thư viện Norwood Cole của Cao đẳng cộng đồng Mount Vernon, bang Washington, Mỹ. Ảnh: goskagit.com

Phụ huynh sẽ mất luôn việc nếu ở nhà trông con

Việc đóng cửa các trường học là nhằm tránh virus lây lan trên diện rộng, thường được thực hiện khi có phụ huynh hoặc một thành viên trong cộng đồng nơi có trường học dương tính với Covid-19.

Tác động của việc này lên các trung tâm trông trẻ, trường mầm non, và các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc và giáo dục trẻ em là rất khó đong đếm, bởi các cơ sở này thường nhỏ hơn và do tư nhân điều hành. Câu hỏi đặt ra là “Khi trường học đóng cửa mà phụ huynh không được nghỉ nguyên lương thì ai sẽ là người chăm sóc lũ trẻ?”

Theo Giáo sư xã hội học và khoa học giáo dục Aaron Pallas tại trường Cao đẳng Sư phạm thuộc Đại học Columbia, khi các trường học bất ngờ phải đóng cửa, dù là vì một lý do hết sức bình thường như do bão tuyết hay một lý do rất mới và rất khó xác định như Covid-19, thì “rất nhiều gia đình bị xáo trộn”.

Đối với trẻ nhỏ, việc đóng cửa trường học nghĩa là mất đi thời gian học tập và sẽ để lại hậu quả lâu dài. Trong một số trường hợp, đóng cửa trường học đồng nghĩa với việc không có cái ăn do nhiều trẻ em trên khắp nước Mỹ, bao gồm khoảng 70% học sinh ở thành phố New York, hưởng bữa trưa miễn phía hoặc trợ giá tại trường học.

Với cha mẹ học sinh, việc đóng cửa trường học khiến họ có thể phải ở nhà trông con. Nghĩa là họ sẽ mất đi thu nhập trong những ngày nghỉ trông con đó hoặc thậm chí còn mất luôn việc.

Trong khi một số người có thể làm việc ở nhà, rất nhiều người không thể làm công việc từ xa (ví dụ như việc vệ sinh bệnh viện và các cơ sở khác). Thêm vào đó, khi ở nhà, không phải ai và không phải lúc nào cũng có thể vừa làm việc vừa trông nom lũ trẻ được.

Bản thân việc đóng cửa trường học làm bộc lộ những rắc rối xã hội và tạo thêm những rắc rối trung gian cho rất nhiều người thuộc nhóm dễ bị tổn thương.

Trong trường hợp này, nước Mỹ cần phải cải thiện hệ thống chăm sóc trẻ em để cha mẹ không bị rơi vào tình trạng không còn lựa chọn nào khả dĩ khi trường học đóng cửa.

Có lẽ quan trọng hơn cả là tất cả mọi người đều có kỳ nghỉ phép hưởng nguyên lương, không chỉ khi bản thân họ đau ốm mà còn dùng được khi phải chăm sóc trẻ, người già và bất kỳ ai trong gia đình cần phải chăm sóc.

Giáo sư về chính sách và hành chính công tại Đại học America cho rằng khi phải đối mặt với dịch bùng phát và chuẩn bị cho những cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai thì “điều quan trọng nhất là chính sách nghỉ phép nguyên lương cho người ốm và nghỉ phép nguyên lương cho gia đình”.

Dịch Covid-19 sẽ gây ra cuộc khủng hoảng chăm sóc trẻ em tại Mỹ - 2

Hành lang vắng tanh tại một trường học ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 10/3. Ảnh: Getty Images

1,36 triệu học sinh vô gia cư phụ thuộc vào nhà trường

Theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh (CDC), đóng cửa trường học có thể là biện pháp cần thiết để tránh cho học sinh, giáo viên và gia đình không bị lây nhiễm khi có người trong cộng đồng dương tính với Covid-19.

Mặc dù Covid-19 được cho là ít có ảnh hưởng tới trẻ nhỏ, nhưng nó có thể lây lan sang người trưởng thành và người đang có bệnh nền, khiến căn bệnh trở nên nguy hiểm hơn.

Và như vậy, không ít người tỏ rõ quan điểm ủng hộ việc đóng cửa phần lớn các trường học như một biện pháp phòng ngừa cho dù trong cộng đồng có người dương tính với Covid-19 hay không.

Thế nhưng, việc đóng cửa trường học và các trung tâm trông trẻ lại tạo ra một loạt hệ lụy khác.

Đầu tháng 3 vừa rồi, Giám thị phụ trách các trường học thuộc thành phố New York Richard A. Carranza cho rằng, các trường học chỉ đóng cửa khi đó là “lựa chọn cuối cùng” bởi rất nhiều học sinh, trong đó có 114.000 học sinh vô gia cư, phụ thuộc vào trường học để có thức ăn, dịch vụ y tế, và thậm chí là giặt là quần áo.

Trên toàn nước Mỹ hiện có 1,36 triệu học sinh vô gia cư như vậy (theo số liệu năm học 2016-2017) và tất cả số học sinh này phụ thuộc vào những hỗ trợ này ở trường học.

Ngoài ra, khoảng 30 triệu học sinh, sinh viên Mỹ đủ điều kiện hưởng bữa trưa có trợ giá tại trường. Theo Giáo sư Pallas, với những gia đình nghèo, “việc đóng trường học khiến họ khó có tiếp cận được những hỗ trợ tương tự như vậy”.

Nhiều cha mẹ không có lựa chọn nào khác ngoài việc nghỉ làm để chăm con. Thế nhưng, tính cho tới năm 2018, cứ 3 lao động trong khu vực tư nhân thì có 1 người không được trả tiền khi nghỉ ốm.

Tương tự như vậy, 7/10 người có thu nhập thấp không có tiền khi phải nghỉ làm do ốm đau. Ngay cả khi được trả tiền nghỉ ốm thì họ cũng không được dùng khoản tiền đó để chăm sóc cho các thành viên khác trong gia đình mình.

Vì vậy, đối với nhiều gia đình, việc đóng cửa trường học đồng nghĩa với việc có nguy cơ bố mẹ học sinh sẽ bị mất việc. Mất việc sẽ ảnh hưởng tới tình hình tài chính và tất cả các vấn đề khác của gia đình, đặc biệt là khi các trường học phải đóng cửa lâu dài.

Ngoài ra, việc đóng cửa trường học cũng là gây khó khăn về tài chính cho đội ngũ giáo viên và những người liên quan.

Trong khi tại các trường công, giáo viên vẫn có thể được trả lương khi trường học đóng cửa thì bức tranh không hề sáng sủa đối với những ai làm việc ở các cơ sở chăm sóc trẻ tư nhân, những người vốn đã chỉ được nhận được mức lương là 10,82 đô la/giờ (bằng 1/3 so với giáo viên tiểu học).

Tại thành phố New York, lao động tại các cơ sở tư nhân dựa vào nguồn đóng góp từ cha mẹ học sinh. Như vậy, chưa biết điều gì sẽ xảy ra khi các cơ sở này phải đóng cửa. Ông Andrea Anthony, Giám đốc điều hành Hội đồng Chăm sóc trẻ mầm non nhấn mạnh: “Chúng ta chưa bao giờ gặp phải vấn đề nào tương tự. Rất khó để nói trước được tình hình”.

Về tổng thể, rõ ràng việc bùng phát dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng về y tế ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Tuy nhiên, ở nước Mỹ nó đang gây ra một cuộc khủng hoảng khác nữa: Khủng hoảng chăm sóc trẻ em. Về ngắn hạn, dường như chưa có giải pháp khả thi nào được đưa ra.

Hữu Dương (theo Vox)