DHS Việt “nín thở” với luật Giáo dục ĐH mới tại Hungary

(Dân trí) - Những sinh viên Việt theo học tại ĐH Trung Âu CEU (Hungary) – ngôi trường được nhận định là sẽ chịu tác động trực tiếp và lớn nhất từ Luật Giáo dục ĐH mới được ban hành lo lắng trước viễn cảnh có nguy cơ bị đóng cửa sau khi chính quyền Hungary thông qua dự luật sửa đổi.

DHS Việt “nín thở” với luật Giáo dục ĐH mới tại Hungary

Liên tục trong những ngày nửa cuối tháng 4, tại Hungary đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình trên toàn quốc để phản đối Luật Giáo dục Đại học mới ban hành.

Theo luật mới, các trường đại học có trụ sở bên ngoài EU không được phép trao bằng cấp của Hungary mà không có thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước. Bên cạnh đó, các trường đại học này bắt buộc phải có cơ sở đào tạo và giảng dạy tại nước đăng ký thành lập.

Giới chuyên gia nhận định, Luật Giáo dục mới này đã tác động trực tiếp tới Đại học Trung Âu CEU - trường đại học được đánh giá là "tinh hoa" nhất tại Hungary. Đại học Trung Âu (CEU) do tỷ phú Mỹ Geoge Soros sáng lập năm 1991 tại quốc gia này, thu hút đông đảo sinh viên toàn thế giới theo học.

Hiện nay, một số sinh viên Việt Nam theo học CEU đều tỏ ra lo lắng trước viễn cảnh trường bị làm khó dễ, thậm chí có nguy cơ bị đóng cửa sau khi chính quyền Hungary thông qua dự luật sửa đổi.

Biểu tình đòi tự do giáo dục ở thủ đô Budapest (Ảnh: hu.budapestbeacon.com.)
Biểu tình đòi tự do giáo dục ở thủ đô Budapest (Ảnh: hu.budapestbeacon.com.)

Nói về tác động của luật mới tới cộng đồng người Việt, chia sẻ với VTV, nhà báo Nguyễn Hoàng Linh - TBT báo Nhịp cầu thế giới tại Hungary cho hay: Thực chất, việc thông qua dự luật sửa đổi theo hướng “vô hiệu hóa” Đại học Trung Âu nằm trong chuỗi những chính sách của chính quyền Hungary nhằm thu hẹp, giảm thiểu sự tự trị của đại học, cho phép chính quyền can thiệp sâu vào hoạt động của các cơ sở giáo dục bậc cao, nền tảng của học thuật khoa bảng.

Cộng đồng Việt tại Hungary có nhiều người từng là du học sinh, nghiên cứu sinh, ngoài ra, hiện cũng có 4 người là giáo sư, 8 phó giáo sư, 5 tiến sĩ khoa học và chừng 20 người đang giảng dạy, nghiên cứu tại các trường, viện của Hungary. Do đó, một vấn đề lớn như vậy trong giáo dục sở được cộng đồng người Việt (gồm phụ huynh, học sinh/ sinh viên) quan tâm.

Theo nhà báo Hoàng Linh, trường hiện có 5 sinh viên Việt Nam theo học, và các bạn đều bày tỏ sự quan tâm theo nhiều cách khác nhau, có bạn còn trực tiếp tham gia tuần hành phản đối.

Biểu tình trước cửa Đại học Trung Âu (Ảnh: Hernádi Levente Haralamposz -index.hu).
Biểu tình trước cửa Đại học Trung Âu (Ảnh: Hernádi Levente Haralamposz -index.hu).

“Nhìn chung, sự ảnh hưởng sẽ nằm ở chỗ, với những điều kiện và thời hạn rất ngắn ngủi mà chính quyền đặt ra như hiện tại, thì Đại học Trung Âu khó lòng đáp ứng được và ít nhất, sẽ không cấp được bằng Mỹ cho sinh viên, là điều giảm đáng kể sự quan tâm và giá trị của trường trong mắt nhiều gia đình Việt tại Hung”, nhà báo Hoàng Linh nhận định.

Trước mắt, luật Giáo dục ĐH mới mặc dù đã được Tổng thống ký phê chuẩn, nhưng vẫn đứng trước nguy cơ bị đưa ra xem xét lại trước Tòa Bảo hiến, do nghị sĩ các đảng đối lập đều thống nhất là cần đưa vấn đề này ra trước cơ quan bảo vệ pháp luật tối cao, xem nó có hợp hiến hay không. Và cộng đồng người Việt đều mong chờ, Luật Giáo dục ĐH mới này sẽ không được thông qua.

Lệ Thu

(Clip: VTV4)