Đến trường để được… ăn

(Dân trí) - Bữa ăn ở trường nội trú, ngoài mèn mén (được nấu từ bột ngô), còn một món canh rau, một món ăn mặn - thường là đậu phụ, lạc rang, cá khô... Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng cũng là động lực lớn thôi thúc các em học sinh người Mông đến trường…

Sự học ở Hà Giang cũng như sự học của nhiều tỉnh miền núi phía Bắc khác, rất chật vật và gian khổ nhưng không phải lúc nào cũng ảm đạm, buồn bã...
 
Tự nguyện đóng học phí bằng… ngô

Theo ông Hoàng Bình Dựng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang, toàn tỉnh có 225 điểm trường chính với trên 1.500 điểm trường lẻ. Tuy Điều lệ trường tiểu học của Bộ GD-ĐT quy định mỗi điểm trường chính không có quá 3 điểm lẻ nhưng thực tế có những trường ở Hà Giang có tới... 21 điểm lẻ, còn lại trung bình cũng từ 15-18 điểm lẻ.

Nhưng Hà Giang phải “phá” điều lệ vì nếu không, sẽ có hàng nghìn học sinh (HS) không được đến trường khi có những điểm trường cách nơi HS ở nửa ngày đi đường. Có nhiều điểm lẻ nhưng thế cũng chưa thể giữ nổi chân HS, tình trạng HS bỏ học từng buổi hoặc thay nhau nghỉ theo kiểu “cài răng lược” vẫn là phổ biến.

Trước thực trạng này, tỉnh đã có chính sách tổ chức mô hình nội trú dân nuôi (NTDN) đặt tại trung tâm các xã. Đến nay, toàn tỉnh đã có 150/195 xã có mô hình này, các em được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách của tỉnh là 100.000đồng/tháng/HS.

“Đường giao thông đi lại ở Hà Giang rất khó khăn, người dân sống không tập trung nên tổ chức cho HS về học tại trường theo hình thức NTDN có hiệu quả rất lớn trong việc giữ học trò và nâng chất lượng giáo dục” - Ông Dự cho hay.

Mỗi HS đến trường NTDN còn được Nhà nước hỗ trợ 100.000đồng/HS/tháng. Nghèo, khổ, nhưng phụ huynh ở mảnh đất núi đá này vẫn cần mẫn lo cho con học và tự nguyện đóng thêm học phí bằng… ngô. Ngoài ngô còn có thêm cả củi, rau… như ở trường THCS Tả Phìn. Trước đây, các gia đình còn “tranh nhau” đến nấu cơm cho “các con” nhưng sau, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, họ lại tự nguyện nộp thêm 2.000đ/tháng để thuê cấp dưỡng…

Đến trường để được… ăn - 1

Các em HS Khâu Vai náo nức trong buổi chào cờ đầu tuần giữa quang cảnh mờ sương…

Ông Giàng Mý Lùng, Bí thư Đảng ủy xã Tả Phìn kể: Xã có 2.680 nhân khẩu, thì đã có tới 366 hộ đói nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ có 260.000đồng/người/năm nhưng phụ huynh luôn tự nguyện chắt bóp để dành cho nhà trường và vì sự học của con

Xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn) đã vận động tất cả các nhà trong xã (kể cả những gia đình không có con đi học) đóng góp 30kg ngô/gia đình/năm để hỗ trợ cho trường nội trú...

Ở miền xuôi, ngô chẳng là “gì cả” nhưng ở nơi đất đồi núi đá này, thu nhập bình quân đầu người được quy ra ngô và chỉ đạt 360kg ngô/người/năm một năm lại chỉ trồng được một vụ ngô thì 30 kg ngô đóng học phí là quý giá lắm…
 
Cô giáo cắm bản cõng học sinh ra lớp

Dù chỉ là ngô nhưng không phải phụ huynh nào cũng có được. Bởi họ quá đói nghèo. Như ở Đồng Văn, Phó chủ tịch huyện Nguyễn Đình Dích cho biết: “Số hộ nghèo chiếm tới 60%. Năm nào đến mùa giáp hạt cũng có những hộ đói 3-4 tháng. Tỉnh, huyện phải cứu đói, nếu để hỗ trợ cho tất cả các hộ cần khoảng 300 tấn lương thực/năm”.

Những thầy, cô giáo ở đây thực sự đã phải hoá thân thành những “thiên sứ” của ngành giáo dục khi vượt qua tất cả khó khăn để bám lớp, bám trường, kiên trì trong việc gieo chữ và giữ HS. Các thầy, cô phải đến từng nhà ăn cùng, làm cùng để thuyết phục phụ huynh cho con đến lớp.

Đến trường để được… ăn - 2

Dù trắc trở thế nào, sự nghiệp giáo dục cũng vẫn luôn là
sự nghiệp cao quý và thiêng liêng nhất

Cô Dương Thị Thủy, Hiệu trưởng trường mầm non Khâu Vai (huyện Mèo Vạc) tâm sự, để lớp có trò, sáng nào các GV cũng phải lặn lội đến tận nhà cõng trẻ về lớp, cho dù đó là nhà xa trường vài cây số...

Không phải cõng trẻ đến lớp như các cô giáo mầm non nhưng cô Thảo, cô Hoa, cô Vui… của trường tiểu học và THCS Khâu Vai vừa phải làm mẹ, vừa phải là người “phiên dịch”.

Nét đặc thù của Hà Giang là có tới 90% HS là người dân tộc thiểu số, phần lớn trẻ đến trường đều không thành thạo tiếng Việt, hoặc có biết thì cũng không nhiều, khả năng giao tiếp kém, khó có thể tiếp thu được bài giảng. Làm thể nào để xóa đi khoảng cách về ngôn ngữ giữa cô và trò, làm thế nào để các em có thể hiểu bài... luôn là những câu hỏi canh cánh trong lòng các cô.

“Các trường ở điểm lẻ thường không có điện, hoàng hôn buông là GV sống trong thế giới tù mù hầu như không có thông tin gì về cuộc sống bên ngoài. Đấy là chưa kể đến tình trạng thiếu nước xảy ra một năm vài tháng ở hầu hết các xã vùng cao của huyện Đồng Văn, Mèo Vạc... Nhưng chúng tôi vẫn lạc quann yêu đời. Nụ cười, sự rạng rỡ của mỗi học sinh trước mỗi bài học mới là phần thưởng xứng đáng nhất cho sự vất vả của chúng tôi” - thầy giáo Nguyễn Văn Hiền, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Mèo Vạc đã tâm sự như vậy.

Sự học ở vùng cao, nói mãi nói mãi thì lúc nào nó cũng cám cảnh, cũng khó khăn lắm. Nhưng trong “bức tranh” tràn ngập màu trầm buồn ấy, vẫn luôn sáng lên bởi tình người và niềm tin rằng sự nghiệp giáo dục, dù trắc trở thế nào cũng vẫn luôn là sự nghiệp cao quý và thiêng liêng nhất.

Bài và ảnh: Lê Châu