Đề xuất mô hình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam 2020 – 2045: Giảm tỷ lệ sinh viên trường công lập

(Dân trí) - Giáo dục đại học là đầu tàu trong công cuộc đào tạo nguồn nhân lực có trí tuệ, năng lực, sáng tạo cho toàn nền kinh tế và xã hội. Hiện nay chúng ta vẫn còn lúng túng trong việc chọn mô hình thích hợp và cách ứng dụng hợp lý để phát triển.

Ông Trần Đức Cảnh - Chuyên gia Giáo dục Hoa Kỳ, Hội Đồng Quốc Gia Giáo dục & PTNNL (2016-2021) đã đưa ra mô hình phát triển nguồn nhân lực (PTNNL), gắn kết với sự cần thiết tái cấu trúc mô hình các trường đại học, cao đẳng trong thời gian 25 năm tới, để có một bức tranh chung về vị trí nguồn nhân lực hiện tại.

Đồng thời đưa ra các đề xuất chuyển đổi rộng lớn cần thiết để đạt được kế hoạch nguồn nhân lực tương lai, cả về chất lượng và số lượng mới mong cạnh tranh với các nước để cùng ngang tầm phát triển.

Ông Trần Đức Cảnh cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu rộng, mức độ cạnh trạnh kinh tế với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Á Châu và thế giới càng ngày càng khốc liệt. Nguồn lực con người, trí tuệ người Việt lẽ ra phải là điểm mạnh và lợi thế nhất trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa khai thác hiệu quả nguồn lực này để phát triển đất nước.

Đại học là nơi đào tạo lực lượng nòng cốt, tiên phong, chuyên môn cho việc phát triển kinh tế-xã hội, tuy nhiên đại học cần phải có không gian học thuật mở, thoáng, linh động và sáng tạo, kèm theo điều kiện cơ sở vật chất tương đối và các nguồn lực cần thiết để phát huy.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018 tập trung vào sửa đổi các quy định để thực hiện tự chủ đại học.

Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2020 - 2045

Theo phân tích của ông Trần Đức Cảnh, dân số hiện tại theo tính toán của Liên Hiệp Quốc thì dân số Việt Nam ở thời điểm hiện tại là 97.000.000, bằng 1.26% dân số thế giới 7,72 tỷ người.

Việt Nam xếp hạng thứ 15 các quốc gia đông dân nhất trên thế giới, với mật độ dân số của Việt Nam là 314/km2, xếp hạng thứ 14.

Diện tích đất, 310.070 km2, đứng hạng 68/212 nước, 35.8 % dân số sống trong vùng đô thị (34.857.263 người năm 2019).

Tuổi trung bình là 30.9 năm (xếp hạng 114 TG) so với Trung Quốc 37.1 năm, Mỹ 37.9 Năm. Hàn Quốc 41.2 năm, Nhật Bản 46.9 năm. Việt Nam được xem là quốc gia trẻ, trong độ tuổi vàng, nhưng nếu không khai thác đúng tiềm năng và lợi thế đó để phát triển kinh tế - xã hội thì sẽ mất cơ hội lớn vì dân số Việt Nam đang già rất nhanh.

Ông Trần Đức Cảnh đề xuất mô hình PTNNL trong giai đoạn 25 năm tới gắn liền với nhu cầu thị trường - phát triển kinh tế-xã hội, nhằm mục đích thảo luận.

Theo đó, các kết quả phân tích để lý giải sự cần thiết xây dựng mô hình PTNNL giai đoạn 2020-2045 như sau:

Đề xuất mô hình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam 2020 – 2045: Giảm tỷ lệ sinh viên trường công lập - 1
Hình 1: Mô hình phát triển nguồn nhân lực 2020-2045

Ước tính dân số Việt Nam năm 2045 là 135 triệu người (Tác giả dùng mô hình và phân tích giả định theo tính toán riêng), tăng 39% so với dân số hiện nay, 63% nằm trong độ tuổi (18-60) (Dùng độ tuổi 18-60 thay vì 15-60 theo như các thống kê của EOCD) lao động, tương đương 85.092.000 triệu người. Tỷ lệ tham gia lao động là 58.34% tương đương 78.907.500 người.

Giảm số lao động không qua đào tạo, phần lớn lao động vùng nông thôn, từ 53.24% xuống còn 25%.

Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo giảm từ 24% xuống 20%, do yêu cầu kỹ thuật cao hơn, cần đào tạo bên ngoài doanh nghiệp/tổ chức trước.

Đồng thời, đẩy mạnh sự phân luồng ở bậc trung học: hệ THPT và TH Nghề. Ước tính 30% học sinh theo học hệ TH nghề sau THCS, tăng số học sinh theo TH nghề từ 1.5% lên 7%; Chuyển hệ Trung cấp sang đào tạo nghề từ 3 tháng đến 2 năm.

Tỷ lệ dân số (18-60 tuổi) có bằng (CĐ) 2-3 năm, tăng từ 3.7% lên 9.53%. Dân số có bằng ĐH 4-năm tăng từ 9.3% đến 20%, đáp ứng nhu cầu quản lý, kỹ thuật và chuyên môn.

Số lượng Thạc sĩ tăng đáng kể, từ 0.6% lên 4.20%, đáp ứng nhu cầu quản lý và chuyên môn cao. Số người được đào tạo chuyên môn cao (Bác sĩ, Luật sư, Nha sĩ, Dược sĩ, ...) chiếm 1% số lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Dân số có bằng Tiến sĩ tăng từ 0.06% lên 0.27% hay 213.050 Tiến sĩ, dự kiến 80% tham gia giảng dạy và nghiên cứu, chiếm 70% số giảng viên ĐH trong thời gian 25 năm tới.

Trình độ chuyên môn, quản lý, nghiên cứu được đào tạo tiếp tục tăng những năm sau, đáp ứng nhu cầu ngành nghề từng giai đoạn phát triển của xã hội.

Đề xuất mô hình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam 2020 – 2045: Giảm tỷ lệ sinh viên trường công lập - 2

Bảng 2: Ước tính cơ cấu phát triển nguồn nhân lực (2020-2045)

Để hoàn chỉnh mô hình PTNNL này, ông Cảnh cho biết, cần thêm dữ liệu, chính sách và các quy định cần thiết để lập kế hoạch nguồn nhân lực cấp quốc gia, vùng và địa phương hoàn chỉnh hơn. Bên cạnh đó,  phải luôn tiếp tục nghiên cứu, cập nhật và đưa ra các dự báo thường xuyên để các cơ sở trường, trung tâm giáo dục tham khảo xây dựng kế hoạch, chiến lược.

Cần tái cấu trúc hệ thống các trường đại học, cao đẳng

Để thực hiện được mô hình đề xuất PTNNL giai đoạn 2020-2045 nêu trên, theo ông Cảnh, phải tái cấu trúc hệ thống các trường cao đẳng, đại học. Cụ thể gồm các loại như sau:

ĐH nghiên cứu và giảng dạy: đào tạo đến bậc học Tiến sĩ.

ĐH vùng: Giảng dạy và nghiên cứu một số lĩnh vực, đào tạo lên tới Thạc sĩ, một số nhỏ có thể đào tạo bậc Tiến sĩ

ĐH cấp Cử nhân (4 năm) là chính: Thực hiện nhiều loại hình đào tạo, từ khoa học xã hội nhân văn, sư phạm đến kỹ sư thực hành (polytechnics). Một số trường có thể liên kết đào tạo cao đẳng.

ĐH 2 năm (CĐ), chia thành 2 hệ: Liên thông trực tiếp lên ĐH và chuyên môn, kết hợp đào tạo các khóa, chương trình ngắn hạn.

Cần chủ trương tập hợp số lớn ĐH công chuyên ngành thành đa ngành, giảm số ĐH công xuống còn khoảng 162 trường nhằm quản lý và phân phối nguồn lực hiệu quả.

Sát nhập phần lớn các trung tâm, viện nghiên cứu, bệnh viện với đại học, giúp bổ sung năng lực nghiên cứu và giảng dạy cần thiết.

Đề xuất mô hình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam 2020 – 2045: Giảm tỷ lệ sinh viên trường công lập - 3

 Hình 3: Đề xuất mô hình tổ chức lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng

Đề xuất mô hình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam 2020 – 2045: Giảm tỷ lệ sinh viên trường công lập - 4

Bảng 4: Mô phỏng số lượng sinh viên công lập và ngoài công lập đến năm 2045

Với mô hình như vậy và trên cơ sở dữ liệu hiện có, ông Cảnh dự báo số lượng sinh viên cần được điều chỉnh theo từng loại mô hình đào tạo để phù hợp với các chủ trương, định hướng đổi mới Giáo dục đại học từ những năm 2005. Phân tích dữ liệu mô phỏng mô hình này cũng cho thấy quy mô đào tạo như vậy cũng sẽ giúp Việt Nam có được nguồn nhân lực có cơ cấu hợp lý thích ứng với sự thay đổi liên tục của thị trường lao động.

Ông Cảnh cho rằng, Nghị Quyết 21, đến năm 2020 đạt 450 sinh viên/1 vạn dân, Bộ GD&ĐT điều chỉnh còn 400 sv/1 vạn dân. Đến nay cả hai đều không đạt. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo mô hình này, dự báo cho thấy có khả năng đạt được chỉ tiêu này.

Số lượng sinh viên cao đẳng và đại học tăng từ 2.300.000 lên đến 5.400.000 trong thời gian 25 năm, tăng 139%, chiếm tỷ lệ 400 sv/1 vạn dân. Bên cạnh đó, để đạt được con số này, Nhà nước cần có chính sách phù hợp cho toàn xã hội, các bên liên quan đầu tư mới mong đạt được mục tiêu này.

Với mô hình này, trung bình ĐH nghiên cứu có 20.000 sinh viên, ĐH vùng và 4 năm có 10.000 sinh viên và ĐH 2 năm (CĐ) có 5.000 sinh viên. Tỷ lệ 1 Giảng viên/20 sinh viên, giảm từ 1/25 hiện nay. ĐH nghiên cứu nên có tỷ lệ 1/18 hay thấp hơn.

Tỷ lệ sinh viên trường công giảm từ 86% hiện nay xuống còn 41.5%, ĐH NCL tăng từ 14% lên 58.5% trong 25 năm tới.

Hồng Hạnh (ghi)