Đề xuất diện tích đất xây dựng trụ sở chính trường ĐH phải tối thiểu 5ha

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Để được hoạt động đào tạo, trường đại học cần có diện tích đất xây dựng tại trụ sở chính tối thiểu là 5ha và đáp ứng một số yêu cầu khác về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên,…

Những quy định này được nêu trong dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến đóng góp.

Dự thảo Nghị định này nhằm thay thế Nghị định số 46 ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định số 135 ngày 4/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46.

Trụ sở chính của trường đại học phải có diện tích đất xây dựng tối thiểu 5 ha

So với các quy định hiện hành, về điều kiện thành lập trường đại học, dự thảo Nghị định đã bổ sung điều kiện có "xác nhận về quyền sử dụng đất"; bỏ điều kiện về diện tích đất để xây dựng trường (chuyển thành điều kiện cho phép trường được hoạt động đào tạo).

Đồng thời, bỏ điều kiện "đạt bình quân tối thiểu 25 m2/sinh viên tại thời điểm phân hiệu có quy mô đào tạo ổn định sau 10 năm phát triển" vì khó đánh giá; bỏ quy định: "Đối với trường đại học tư thục, khuyến khích thành lập trường hoạt động không vì lợi nhuận" vì đây không phải là điều kiện cho phép thành lập.

Về điều kiện trường đại học hoạt động đào tạo, dự thảo Nghị định bổ sung quy định "Có diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính tối thiểu là 5ha" để phù hợp với quy định tại Điều 23 Luật Giáo dục đại học và Điều 49 Luật Giáo dục.

Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, quy định này không phải là quy định mới mà giữ nguyên quy định hiện hành và chuyển từ điều kiện để thành lập trường thành điều kiện để trường được hoạt động đào tạo.

Ngoài ra, các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý phải thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động đối với ngành, lĩnh vực dự kiến đào tạo, quy mô dự kiến tuyển sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Chương trình đào tạo và giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập đối với các ngành, lĩnh vực dự kiến đào tạo phải đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Quy định này nhằm bảo đảm trường đại học chỉ được hoạt động giáo dục khi đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm chất lượng giáo dục theo quy định.

Về đình chỉ hoạt động đào tạo của trường đại học, phân hiệu của trường đại học, so với quy định hiện hành, dự thảo Nghị định đã bổ sung thêm 2 trường hợp bị đình chỉ hoạt động.

Thứ nhất, "Không công khai các điều kiện bảo đảm tổ chức hoạt động đào tạo đối với các ngành, lĩnh vực đào tạo sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động đào tạo".

Thứ hai, "Không triển khai hoạt động đào tạo sau thời hạn 02 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với ngành giáo dục mầm non".

Quy định phát triển đại học thành đại học quốc gia

Tại tờ trình Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, theo quy định của Luật Giáo dục đại học, đại học quốc gia là "trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển".

Với vị trí và chức năng quan trọng như vậy, việc thành lập và bảo đảm hoạt động cho đại học quốc gia cần rất nhiều nguồn lực từ Nhà nước. Vì vậy, dự thảo Nghị định quy định việc phát triển đại học thành đại học quốc gia phải có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền (Phương án 1) hoặc chủ trương của Chính phủ (Phương án 2).

Đồng thời, việc phát triển đại học thành đại học quốc gia phải bảo đảm "phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt"; "Tại thời điểm xây dựng đề án phát triển thành đại học quốc gia, phải được công nhận là đại học định hướng nghiên cứu".

Theo Bộ GD&ĐT, quy định này nhằm bảo đảm các đại học muốn phát triển thành đại học quốc gia phải có đủ điều kiện để trở thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao.

Thủ tục phát triển đại học thành đại học quốc gia được quy định trong dự thảo Nghị định như sau:

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định phát triển đại học thành đại học quốc gia.

2. Hồ sơ gồm: Tờ trình đề nghị phát triển đại học thành đại học quốc gia; Đề án phát triển đại học thành đại học quốc gia; Văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh nơi đại học đặt trụ sở chính.

3. Trình tự thực hiện:

- Đại học gửi hồ sơ quy định qua cổng dịch vụ công trực tuyến, bưu chính hoặc trực tiếp đến Bộ GD&ĐT.

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu hồ sơ không đầy đủ theo quy định, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho đại học biết để sửa đổi, bổ sung.

- Đối với hồ sơ đã đầy đủ theo quy định, trong vòng 90 ngày làm việc, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tổ chức thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế để đánh giá chính xác về những điều kiện và nội dung đề án. Sau đó, hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ; xin ý kiến bằng văn bản đối với các đề án đáp ứng điều kiện theo quy định; có văn bản thông báo cho đại học đối với những đề án chưa đủ điều kiện.

Việc thẩm định thực tế đề án do Hội đồng thẩm định gồm: Đại diện Bộ GD&ĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, UBND cấp tỉnh nơi đại học đặt trụ sở chính thực hiện. Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thành lập và có nhiệm vụ tham mưu cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về tính khả thi của đề án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ ý kiến bằng văn bản của các cơ quan, đơn vị liên quan, Bộ GD&ĐT tổng hợp các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ đề án và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Quyết định được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tại tờ trình dự thảo Nghị định, Bộ GD&ĐT cho hay, dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp tại Nghị định số 46 và Nghị định số 135; cập nhật, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định còn vướng mắc, khó khăn để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về giáo dục.

Ngoài ra, do đặc thù trong lĩnh vực giáo dục, điều kiện để các cơ sở giáo dục được hoạt động cũng đồng thời là điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ GD&ĐT.

Vì vậy, dự thảo Nghị định quy định một số các điều kiện để cơ sở giáo dục được hoạt động giáo dục, đào tạo (về đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình giáo dục, tài liệu giảng dạy và học tập, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý) phải đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Dự thảo Nghị định gồm 9 chương với 124 điều. Trong đó, chương Quy định chung gồm 2 điều; chương Cơ sở giáo dục mầm non gồm 12 điều; chương Cơ sở giáo dục phổ thông (17 điều); chương Cơ sở giáo dục thường xuyên (15 điều);

Chương về Trường chuyên biệt (40 điều); chương về Trường cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học (13 điều); chương Kiểm định chất lượng giáo dục (9 điều); chương Kinh doanh dịch vụ tư vấn du học (5 điều); chương Điều khoản thi hành (3 điều).