Đề Văn “say lòng người” và đề về Khá “bảnh” gây tranh cãi 2019

(Dân trí) - Năm 2019, có những đề Văn vô cùng ấn tượng, lạ và đầy sức sống. Bên cạnh đó, "nhân vật" Khá "bảnh" xuất hiện trong nhiều đề Văn dẫn đến những tranh cãi kịch liệt.

Đề Văn học sinh giỏi "Phá đi làm lại"

Câu nghị luận của đề trích từ tập thơ "Có người sực tỉnh cơn mơ…" của nhà thơ trẻ Nguyễn Thiên Ngân được đưa vào đề Văn học sinh giỏi lớp 12 của TPHCM diễn ra vào tháng 3/2019 .

Đề Văn “say lòng người” và đề về Khá “bảnh” gây tranh cãi 2019 - 1

Đề Văn về "phá đi làm lại" trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 10 ở TPHCM 

Mình cậy trẻ, dễ phá đi làm lại

Chút sai lầm, chưa sửa đã toan buông

Rồi đến lúc chẳng còn nhiều lựa chọn

 Đành yên lòng chấp nhận chuyện sai hơn. 

Đề yêu cầu thí sinh: “Hãy viết về một bài học cuộc sống mà anh/chị rút ra được từ bài thơ trên”

Đề Văn đã đặt ra vấn đề gần gũi và sâu sắc với thế hệ học trò, thế hệ trẻ. Đó không chỉ là thực trạng, tâm thế của rất nhiều bạn trẻ "cậy" vào tuổi tác của mình, cho mình cái quyền được nông nổi, được sai một cách dễ dàng, dễ dãi với suy nghĩ "phá đi làm lại". 

Việc suy nghĩ bồng bột làm họ dễ bị đẩy đến những cái sai hay chấm nhận cái sai của người khác. Trong khi, những điều xấu còn đến từ sự im lặng trước cái sai của người tốt. 

Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là đề không đưa ra đánh giá, không áp đặt một tư tưởng hay khuôn mẫu nào cho thí sinh. 

Một cựu giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM nhận xét, đề thi ít nhiều thức tỉnh trong người trẻ về ý nghĩa thời gian của tuổi trẻ. Liệu suy nghĩ "trẻ thì dễ phá đi làm lại" có phù hợp? Liệu có đúng không khi cho rằng người trẻ có quyền liều lĩnh, nông nổi vì còn có nhiều thời gian để khắc phục, sửa chữa?

Trong quá trình bàn luận, giải quyết các vấn đề của đề, các em ít nhiều sẽ ý thức hơn, suy nghĩ thấu đáo hơn về hành động, thái độ của mình trước những lựa chọn quan trọng sắp tới như nghề nghiệp, người yêu...

Đề Văn về thói hư tật xấu trong bài rap “Con trai cưng” 

Đề kiểm tra của khối 10, Trường THP Trịnh Hoài Đức, Bình Dương đã đưa bài rap đình đàm "Con trai cưng" của hai rapper nổi tiếng K-ICM, B Ray gây sốt mạng xã hội trước đó. Giáo viên ra đề đã khéo léo lược bỏ những đoạn, câu từ sử dụng những ngôn ngữ "thô" của rap. 

Đề Văn “say lòng người” và đề về Khá “bảnh” gây tranh cãi 2019 - 2

"Con trai cưng của mẹ

Bạn bè gọi có mặt, riêng ba mẹ nói là nó không nghe

Con trai cưng của mẹ, chơi hết đời tuổi trẻ

Hơn hai mươi tuổi đầu nhưng khi ở nhà vẫn là em bé.

Vì nó là, con trai cưng của mẹ nó

Con trai cưng của mẹ nó.

Con trai cưng của mẹ nó.

Ở ngoài kia phong bão tố về nhà luôn có mẹ chở mẹ che, 

Con trai không bao giờ nhớ mẹ, 

Con trai không tâm sự với cha, 

Con trai chưa bao giờ phải khóc, 

Trừ khi mẫu giày nó thích vừa mới ra...

Gọi nó là con trai, con trai cưng, chưa từng tự mình đứng vững hai chân...

Thích làm đầu gấu, rất là tự hào nắm đấm có màu máu, 

Thích thể hiện, để giữ cái thể diện, rồi lại bất ngờ khi ôm cái đầu máu, 

Rồi ai sẽ phải xin lỗi từng nhà, coi mấy thằng bạn mày nó có đứng ra, 

Để coi ai thăm viếng, mỗi khi mày kiếm chuyện

...

Đủ lớn để làm, thì đủ lớn để chịu, mày đủ lớn để học, mày đủ lớn để hiểu, 

Đủ sức chìa tay ra xin tiền, 

Thì phải đủ tự trọng không dùng tiền đó mua sĩ diện. 

Hãy để tâm hồn là thánh đường, đừng biến nó thành sở thú, 

Để bao nhiêu bạn bè, hay bao nhiêu vật chất, thì cuộc đời cũng không bao giờ đủ".

Đề Văn “say lòng người” và đề về Khá “bảnh” gây tranh cãi 2019 - 3

Đề Văn "Con trai cưng"

Từ trích dẫn trên, đề đưa ra những yêu cầu về mặt ngữ pháp. Ngoài ra, yêu cầu học sinh viết một đoạn văn ngắn trình bày suy nghĩ về việc làm thế nào để trở thành con cưng thật sự. 

Đề thi được nhiều người đánh giá là thú vị, tạo sự phấn khích lớn cho học sinh - nhất là các em đã biết bài rap này. Và kể cả những học sinh chưa từng một lần nghe qua vẫn có thể thấy thích thú qua những câu từ thô sơ, dễ hiểu của rap. 

Cô giáo yêu cầu học trò viết thư cho chính mình 

Đề Văn của học sinh lớp 10, Trường THPT Trưng Vương, TPHCM là viết thư cho chính mình ở thì tương lai với chủ đề "Lá thư gửi mình những năm về sau". Nhiều bài Văn nói về hạnh phúc, nói về thành công, nói với chính mình của học sinh của làm giáo viên và nhiều người phải nghẹn ngào bật khóc. 

Đề Văn này là ý tưởng của cô giáo trẻ Trần Thị Quỳnh Anh (SN 1992, giáo viên Văn, Trường THPT Trưng Vương, TPHCM). 

Đề Văn “say lòng người” và đề về Khá “bảnh” gây tranh cãi 2019 - 4

Trước khi để viết bức thư, học sinh sẽ thực hiện phần "kỹ thuật" theo hướng dẫn của cô Quỳnh Anh. Theo đó, các em sẽ kẻ 1 đường thẳng tương đương dòng đời của mình từ 0-80 tuổi. Trên đó mình chia ra mốc 0 - 20 - 40 - 60 - 80 tuổi tương ứng 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông cho 4 khoảng. Xong rồi đánh dấu số năm tuổi của mình trên đường thẳng đó. Rồi xoá phần đằng trước vì đó là thời gian đã qua. 

Từ cột mốc này, các em tự xác định số năm tuổi mình sẽ thành công. Rồi từ mốc thành công đến 80 tuổi lại xóa và xé đi vì đó là thời gian đã qua đỉnh cao. Như vậy sẽ cho ra phần còn lại sẽ là số năm mình còn để cố gắng, để phấn đấu. Nhưng số này năm này phải xoá tiếp 1/3 vì đó là thời gian mình phải dùng để ngủ.

Lúc này mảnh giấy còn lại sẽ còn rất bé. Học sinh lại được yêu cầu viết ở mặt sau cho chính mình là còn bao nhiêu năm để nỗ lực. Sau đó học sinh sẽ viết một lá thư gửi cho chính mình ở năm con thành công nhất theo ý định của con, tức lá thư gửi chính mình những năm về sau. 

Đề Văn “say lòng người” và đề về Khá “bảnh” gây tranh cãi 2019 - 5

Cô giáo yêu cầu học sinh viết thư cho chính mình trong bài làm văn 

Cách này đưa đến cho học sinh một số bài học quý giá. Chia cuộc đời ra làm 4 phần để thấy các con đang gần đi hết mùa Xuân của mình. Để thành công vào mùa Hạ, con sẽ phải tự nỗ lực rất nhiều, còn không sẽ phải đợi đến mùa Thu mới có thành quả và chỉ còn một chút mùa Đông cuối cùng để tận hưởng quả ngọt. 

Quan trọng nữa, học sinh sẽ tự xác định được đồ thị cuộc đời của mình cao nhất ở đâu. Khi các con có thể xác định một cách rõ ràng mục tiêu của mình thì mới có thêm % thành công. Khi đó các con mới hình dung ra được mình sẽ phải làm gì để đúng với điều mình mong muốn.

Khá "bảnh" - "nhân vật" trong đề thi gây tranh cãi nhất 2019 

Không phải là một nhân vật văn học nổi tiếng nào mà là Ngô Bá Khá (Khá "bảnh") - thành phần bất hảo, vừa lĩnh án hơn 10 năm tù - là người gây tranh cãi nhất trong các đề Văn năm qua. Nhiều nơi, đã đưa nhân vật vào đề Văn, kể cả đề thi học sinh giỏi. Dù rằng, mang ý nghĩa phê phán nhưng việc này đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối. 

Đề Văn “say lòng người” và đề về Khá “bảnh” gây tranh cãi 2019 - 6

Đề Văn kiểm tra học kỳ 2, khối 12 của Trường THPT Mường Bú (Sơn La) dành nguyên một trang A4 viết về "hành trình" của nhân vật "Khá" bảnh. 

Nội dung đề thi nằm ở phần Đọc - hiểu. Với 31 dòng, nội dung đề thi dài nguyên trang cùng tiểu sử, hành trình Khá "bảnh". Khá 'bảnh" được thông tin, liệt kê rõ nét như năm sinh, quê quán, những hành động "điên rồ", sức thu hút trên mạng xã hội với hàng triệu lượt theo, rồi học sinh mặc đồng phục chào đón Khá "bảnh", xin chữ ký, chụp hình chung.... cho đến hành trình nhân vật này bị cơ quan công an bắt giữ cùng lời cảnh báo của cơ quan chức năng. 

Đề Văn “say lòng người” và đề về Khá “bảnh” gây tranh cãi 2019 - 7

Văn bản phần đọc hiểu này không trích dẫn cụ thể từ nguồn nào mà do người ra đề tổng hợp từ nhiều nguồn. Từ đó, đề thi yêu cầu học sinh trả lời các câu hỏi liên quan đến ngữ pháp. 

Tiếp đó, đề thi học sinh giỏi môn Văn, lớp 11, Trường THPT Kiến Thụy, Hải Phòng, ở câu nghị luận xã hội đưa hiện tượng Khá "bảnh" với đời tư bất hảo nhưng vẫn được chào đón như thần tượng ở Yên Bái.

Từ trích dẫn thông tin qua báo chí, đề đề cập Khá "bảnh" nổi tiếng với điệu "múa quạt", rồi những clip hướng dẫn "quẩy" trong bar, livestream nói tục, chửi thề, làm phim ngắn về "tình nghĩa giang hồ", dàn hàng ngang chụp ảnh trên đường cao tốc... 

Tuy đời tư bất hảo nhưng Khá "bảnh" có lượng "fan" hâm mộ hùng hậu, lượt theo dõi Facebook, trên youtube "khủng". Hình ảnh lan truyền khi Khá "bảnh" xuất hiện ở gần một trường học thì học trò và cả người lớn vây kín xin chụp ảnh, chữ ký, được chào đón như thần tượng. 

Từ thông tin này, đề thi yêu cầu học sinh viết một bài văn ngắn về hiện tượng Khá "bảnh".

Đề Văn “say lòng người” và đề về Khá “bảnh” gây tranh cãi 2019 - 8

Khá "bảnh" - một thành phần bất hảo - xuất hiện trong nhiều đề Văn 

Nhân vật này được đưa vào đề Văn đã dẫn đến nhiều ý kiến trái chiều. Đề thi sử dụng một hiện tượng xã hội thời sự nhưng lại có thể vô tình "dẫn dắt" để tò mò, tìm hiểu về nhân vật này.  Nhiều học sinh không biết Khá "bảnh" là ai, không dành mối bận tâm đến những đối tượng này thì khi làm kiểm tra, lại bị ép phải đọc "tiểu sử"cùng với những "thành tích bất hảo" chi tiết. 

Theo các giáo viên, đưa "một hiện tượng đời sống" vào đề thi là việc không hề đơn giản. Nếu giáo viên không đủ trình độ nhận thức, bản lĩnh ngôn ngữ thì sẽ trở thành hiệu ứng xấu.

Sau hiện tượng này,  đại diện Bộ GD&ĐT đã lên tiếng cho hay việc phản biện và thẩm định đề thi đòi hỏi sự cẩn trọng cao, tránh theo thị hiếu nhất thời và những vấn đề nhạy cảm chưa được kiểm chứng. Đề thi ra theo hướng mở cần đảm bảo tính định hướng giáo dục. 

 Hoài Nam