Đề thi Văn lớp 10 của Hà Nội: Vừa sức với học trò nhưng chưa có sự mới mẻ

(Dân trí) - Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Ngữ văn của Sở GD & ĐT Hà Nội năm nay khá an toàn, vừa sức với học trò, nhưng dư luận vẫn luôn chờ đợi một sự thay đổi lớn hơn, để đề văn “văn chương” hơn, mới mẻ hơn.

Đề thi Văn lớp 10 của Hà Nội: Vừa sức với học trò nhưng chưa có sự mới mẻ - 1

Thí sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10 thở phào nhẹ nhõm vì môn Ngữ văn không quá khó

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) chia sẻ: Nhìn tổng thể, Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020 -2021 môn Ngữ văn của Sở GD & ĐT Hà Nội không có thay đổi từ cấu trúc tới tính chất, mức độ, kiểu dạng các câu hỏi so với những năm gần đây.

Về cấu trúc, đề vẫn gồm hai phần với quỹ điểm gần tương đương các năm, hoặc 7/3, 4/6…, và năm nay là 6,5/ 3,5. Phần thứ nhất 6,5 điểm là câu nghị luận văn học với ngữ liệu là bài thơ Viếng lăng Bác của Viễn Phương. Phần thứ hai 3,5 điểm là câu nghị luận xã hội với một ngữ liệu đọc hiểu trích trong sách Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục, 2019.

Phần thứ nhất có 4 câu hỏi lần lượt kiểm tra các kiến thức về bài thơ Viếng lăng Bác và các tác phẩm cùng chủ đề, kỹ năng cảm thụ và thông hiểu, kỹ năng viết đoạn văn theo những yêu cầu cụ thể về nội dung và hình thức được xác định trong câu lệnh.

Đó là những đơn vị kiến thức và kỹ năng quen thuộc với cấp THCS, sẽ không làm khó cho các em. Thậm chí, yêu cầu đặt ra trong câu hỏi 2 cụ thể tới mức như một sự khơi mở định hướng quá rõ cho học sinh, giảm thiểu nhu cầu tư duy của mức độ thông hiểu.

Thay vì yêu cầu:“Chỉ ra một hình ảnh thực và một hình ảnh ẩn dụ sóng đôi với nhau trong hai câu thơ trên. Việc xây dựng cặp hình ảnh sóng đôi đó có tác dụng gì?”, học sinh sẽ phải huy động kiến thức tiếng Việt để đáp ứng mức độ thông hiểu cao hơn nếu yêu cầu:“Phân tích giá trị biểu đạt và biểu cảm của hình ảnh “mặt trời” ở hai dòng thơ “…”?

Phần thứ hai đề cập vấn đề ứng xử giữa con người với con người, cụ thể là giữa người học trò thành đạt với thầy giáo cũ qua một đoạn thoại ngắn của câu chuyện kể trong sách Ngữ văn lớp 9.

Câu hỏi số 1 ở mức độ nhận biết, kiểm tra về kiến thức tiếng Việt, cũng là câu hỏi giúp các em hoàn toàn có khả năng đạt điểm tuyệt đối do việc xác định phương thức biểu đạt trong đoạn trích quá rõ ràng, không gây nhầm lẫn.

Câu hỏi 2 ở mức độ thông hiểu, nhưng cũng như câu thông hiểu ở phần 1, câu này tương đối đơn giản cho suy luận của thí sinh khi yêu cầu các em nêu rõ cách hiểu của mình về vị danh tướng qua câu nói của ông với thầy giáo cũ, các em hoàn toàn có khả năng đạt điểm tối đa ở câu này.

Yêu cầu trong câu 3, câu nghị luận xã hội có thể tạo chút băn khoăn. Thứ nhất, ý kiến bàn luận nêu trong đề:“Cách ứng xử là tấm gương phản chiếu nhân cách mỗi con người” là điều hầu như không cần bàn luận – nhân cách con người luôn biểu hiện qua cách ứng xử của họ, đó là điều hiển nhiên, yêu cầu suy nghĩ về một điều hiển nhiên sẽ rất khó tìm thấy những kiến giải, phản biện… sắc sảo, độc đao cho bài luận.

Thứ hai, phạm vi kiến thức được gợi ý sử dụng cho việc bàn luận là “cách ứng xử của danh tướng và thầy giáo trong văn bản trên, kết hợp với hiểu biết xã hội” sẽ có thể đưa tới những suy nghĩ khá phản cảm.

Ngay cụm từ “danh tướng và thầy giáo” của câu lệnh cũng ít nhiều gợi sự ngậm ngùi cho giáo giới khi cách xếp thứ tự không theo tuổi tác, tôn ti truyền thống mà theo vị thế xã hội; và nếu thí sinh quan sát cách ứng xử của người thầy với học trò cũ, có thể sẽ thấy sự ngậm ngùi rõ hơn cho tâm thế người thầy khi “Người thầy giáo già hoảng hốt: -Thưa ngài, ngài là…” – và nếu kết hợp hiểu biết xã hội, biết đâu các em còn có những liên tưởng buồn hơn cho nhân tình thế thái, ít nhất trong sự thay bậc đổi ngôi giữa thầy và trò – khi đọc đoạn thoại này, có học trò đã chia sẻ: Sự “hoảng hốt” khiến thầy không còn phong thái người thầy, khi người thầy mất đi lòng tự trọng thì làm sao khiến trò tôn trọng được cô ơi! 

Nhìn chung Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020 -2021, môn Ngữ văn của Sở GD & ĐT Hà Nội khá an toàn, vừa sức với học trò, nhưng dư luận vẫn luôn chờ đợi một sự thay đổi lớn hơn, để đề văn “văn chương” hơn, mới mẻ hơn.

Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Ngữ văn trường THPT Chu Văn An (Hà Nội)