Đề thi mở cũng không thể "nhảm"

Nhiều đề kiểm tra tiếng Anh, Vật lý, Ngữ văn… đều có những câu hỏi liên quan tới bộ phim Hàn Quốc "Hậu duệ mặt trời" đang được coi là hiện tượng của làng giải trí châu Á. Cách ra đề mở kiểu này nhằm gây hứng thú cho học sinh nhưng cũng tạo ra tranh cãi về tính công bằng bởi không phải tất cả học sinh đều là "fan" của phim Hàn Quốc.

Không phải đề thi mở nào cũng gây hứng thú cho học sinh (Ảnh minh họa)
Không phải đề thi mở nào cũng gây hứng thú cho học sinh (Ảnh minh họa)

Phim ảnh, thần tượng vào đề thi

Mới đây, đề thi cuối năm môn Ngữ văn lớp 12 của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Quảng Trị đã dành tới 5 câu hỏi về bộ phim Hàn Quốc đang nổi như cồn ở châu Á: “Hậu duệ mặt trời”. Đề thi cũng đòi hỏi khả năng phân tích, cảm nhận của học sinh khi đặt vấn đề nếu cho các em quyền được làm đạo diễn thì các em sẽ làm gì từ cảm hứng về bộ phim này.

Người ra đề thi này không nghĩ tới cách ra đề của mình lại gây ra cuộc tranh cãi lớn đến vậy trong ngành giáo dục và cả trong học sinh. Một phía đánh giá đề thi hay, sáng tạo, mang hơi thở cuộc sống, có tính thời sự cao, đánh đúng vào mối quan tâm của giới trẻ. Một phía lại cho rằng, đây là cách ra đề “nhảm”, không có lợi cho giáo dục ý thức học sinh khi quảng cáo một bộ phim nước ngoài, khích lệ học sinh theo đuổi thần tượng một cách quá khích thay vì tập trung vào học tập nghiêm túc và suy nghĩ đến những vấn đề thiết thực của đất nước.

Giải thích của giáo viên khi đưa ra đề thi này là nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, tạo hiệu ứng tích cực trong cách học và thi của học sinh với đề thi không bó hẹp trong sách giáo khoa. Giáo viên này cũng cho rằng học sinh dù có xem bộ phim này hay không đều có thể làm được bài vì nội dung câu hỏi đã được trích dẫn đầy đủ trong đề. Dù cho rằng cách ra đề có phần nhạy cảm nhưng thực tế cho thấy học sinh rất hào hứng và có thể phát huy tính sáng tạo khi làm bài thi này.

“Hậu duệ mặt trời” cũng đã từng xuất hiện trong đề kiểm tra tiếng Anh, đề kiểm tra Vật lý... Trước đó, các đề tài xuất phát từ hiện tượng truyền thông như đám tang nghệ sĩ Trần Lập cũng được đưa vào đề kiểm tra Ngữ văn của một trường THPT. Hình ảnh ca sĩ Sơn Tùng-MTP ngậm kẹo hay “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh cũng đều đã được đưa vào “mổ xẻ” trong các đề thi, đề kiểm tra ở bậc học phổ thông.

Đề thi mở cũng không thể "nhảm" - 2

Có quá lạm dụng cách ra đề thi mở?

Không thể phủ nhận đề thi mở “đánh” vào những đề tài đang sốt trong giới trẻ sẽ tạo hiệu ứng đặc biệt đối với học sinh. PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam ủng hộ cách đổi mới ra đề cho học sinh theo hướng mở. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo: “Quá lạm dụng sẽ phản tác dụng. Ồ ạt đưa phim ảnh, người nổi tiếng... vào đề thi có thể gây ra hiệu ứng ngược, kích thích học sinh lao vào những hiện tượng giải trí phù phiếm với cớ là để cập nhật thông tin cho bài thi. Đặc biệt, nếu không cẩn trọng trong cách đặt câu hỏi thì việc đề cập đến những bộ phim, diễn viên, ca sĩ nổi tiếng sẽ khiến một bộ phận học sinh ham mê phim ảnh, thần tượng lại chiếm lợi thế so với những em chăm học, không có điều kiện, sở thích theo dõi phim ảnh, thần tượng”.

Xu hướng đổi mới đề thi hiện nay đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, chất lượng các đề thi này cũng là điều đáng bàn. Đề thi học kỳ II môn Ngữ văn vừa qua của Sở GD-ĐT Gia Lai đưa ra một trích đoạn trong tác phẩm của tác giả Đoàn Công Lê Huy cũng gây “bão mạng” bởi độ khó hiểu trong sắp xếp câu từ.

Đề thi trích dẫn: “Hòn đá có thể cho lửa, cành cây có thể cho lửa. Nhưng chỉ có con người mới biết nuôi lửa và truyền lửa. Lửa xuất hiện khi có tương tác, ít ra là hai vật thể tạo lửa. Lửa là kết quả của số nhiều. Cô bé bán diêm là số đơn. Cô đã chết vì thiếu lửa. Để rồi từ đó loài người đã cảnh giác thắp nến suốt mùa Giáng sinh để cho không còn em bé bán diêm nào phải chết vì thiếu lửa...”. Đoạn trích này khiến học sinh phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới có thể trả lời câu hỏi, trong khi nguyên tắc ra đề là không được đánh đố học sinh.

Đánh giá về chất lượng đề thi hiện nay, PGS Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đánh giá kết quả giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, đưa thực tế cuộc sống vào đề thi rất cần nhưng phải có liều lượng phù hợp chứ không phải đưa theo kiểu tuỳ hứng, không ăn nhập với mục tiêu giáo dục. Ngoài ra, mục tiêu của giáo dục không phải là chạy theo trào lưu, chạy theo những điều mới xảy ra, những thông tin chưa được kiểm chứng...

Theo An ninh Thủ đô