Đề thi Giáo dục công dân 2019: Đề hay, phổ điểm trung bình từ 6 - 8

(Dân trí) - Nhận xét về đề thi môn Giáo dục Công dân trong bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội, nhiều giáo viên cho rằng, rất hay, ý nghĩa, rõ ràng và mạch lạc. Tuy nhiên, một số câu có đáp án nhiễu, học sinh phải nắm chắc kiến thức pháp luật mới giải quyết được.

Đề thi Giáo dục công dân 2019: Đề hay, phổ điểm trung bình từ 6 - 8 - 1

Thí sinh hớn hở khi làm được bài

Cô giáo Phạm Thị Vân Anh, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội): Mức độ phân hóa của đề khá cao!

Đề bám sát chương trình cơ bản, theo đúng cấu trúc đề từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đề cũng bám sát đề tham khảo của Bộ. Cấu trúc đề rất hay, ý nghĩa, rõ ràng và mạch lạc. Những câu vận dụng mang tính chất thực tiễn giúp học sinh nhận biết và lựa chọn được những đáp án chính xác.

Đề chủ yếu tập trung vào kiến thức lớp 12 bám sát chương trình sách giáo khoa, các câu tình huống chủ yếu rơi vào các quyền tự do cơ bản, quyền tự do dân chủ của công dân, quyền bình đẳng trong lao động, bình đẳng trong hôn nhân và gia đình. Đây là những kiến thức căn bản, giúp học sinh có hành trang tốt khi bước vào cuộc sống.

Khi làm đề này, học sinh có cảm giác như mình đang trực tiếp giải quyết các tình huống thực tế mà các em sẽ gặp trong cuộc sống.

Đề có cả kiến thức lớp 11, chủ yếu rơi vào phần kinh tế là phần kiến thức học kỳ 1. Đó là phần câu hỏi nhận biết, không làm khó học sinh. Đề có cả những câu có đáp án nhiễu, học sinh phải nắm chắc kiến thức pháp luật mới giải quyết được.

Đề cũng mang tính thời sự, cập nhật được nhiều tình huống trong cuộc sống. Ví dụ ở mã đề 421, câu 105 giúp học sinh ở lứa tuổi vị thành niên ứng dụng sau khi tốt nghiệp THPT có thể thực hiện giao kết hợp đồng lao động đúng quy định của pháp luật; câu 114 về quyền bầu cử, ứng cử giúp học sinh thực hiện tốt được nguyên tắc bầu cử.

Mức độ phân hóa của đề khá cao, nhất là những câu vận dụng tình huống. Học sinh có thể làm được 9-9,5 điểm, điểm 10 sẽ hiếm có.

Với cách ra đề như thế này, môn Giáo dục Công dân trong chương trình giáo dục phổ thông mới với tên gọi là môn Kinh tế và Pháp luật sẽ giúp học sinh hứng thú hơn với môn học này, có kiến thức căn bản làm hành trang giúp các em có thể học tốt ở các trường đại học có chuyên ngành kinh tế.

Cô giáo Trần Thị Thu Hương, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội): Phổ điểm trung bình từ 6 - 8

Đề bám sát ma trận. Nhiều câu vận dụng có tính thực tiễn và tính thời sự, ví dụ như câu 105 (mã đề 321) đề cập vấn đề rất thực tiễn đó là an toàn thực phẩm, hay câu 106 đề cập đến một vấn đề đang nóng của xã hội như sử dụng và kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc; câu hỏi 115 nói về ứng xử trong cuộc sống…

Đề có sự phân hóa khá tốt, những câu vận dụng cao yêu cầu học sinh phải học và đọc kiến thức một cách nghiêm túc, nếu chỉ đọc qua sẽ bị nhầm lẫn vì các đáp án gây nhiễu. Học sinh phải nắm vững kiến thức mới có thể đạt điểm giỏi.

Với đề thi này, phổ điểm sẽ khoảng 6-7-8. Nếu muốn đạt điểm 9, 10 học sinh phải rất chắc kiến thức. 

Nội dung kinh tế đã đáp ứng đúng yêu cầu của ma trận đề. Đề có tính thực tiễn và giáo dục khi đề cập đến các vấn đề đang được xã hội quan tâm như vấn đề cạnh tranh, phân hóa giàu nghèo, các chức năng của tiền tệ, các điều kiện để tiến hành các hoạt động kinh doanh.

Những vấn đề pháp luật trong cuộc sống đã được vận dụng vào đề linh hoạt, có tính định hướng và ứng dụng cao, giúp học sinh nắm vững được các kiến thức về kinh tế và pháp luật, có thể áp dụng ngay trong cuộc sống hàng ngày.

Tôi thích đề thi năm nay. Tuy nhiên, đối với các học sinh khá giỏi, các câu vận dụng cao hoàn toàn có thể đẩy ở mức độ hơn nữa.

Nhật Hồng